Bài cuối: Bảo vệ môi trường biển và ngăn sạt lở
Tỉnh Kiên Giang đang thực hiện các giải pháp ứng phó Bảo vệ môi trường biển, ngăn chặn sạt lở ven biển, hạn chế thấp nhất thiệt hại xảy ra.
Sạt lở diễn biến phức tạp
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, trước tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, tình hình sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển trên địa bàn tỉnh diễn biến ngày càng phức tạp và nghiêm trọng, ảnh hưởng bất lợi đến sản xuất, đời sống nhân dân.
Hiện tại các bờ sông thuộc các huyện An Biên, An Minh, Hòn Đất, Giồng Riềng, U Minh Thượng, Châu Thành, Giang Thành và thành phố Rạch Giá, hiện tượng sạt lở, nguy cơ sạt lở rất đáng lo ngại, ảnh hưởng trực tiếp đến công trình và cuộc sống của người dân. Thống kê ban đầu, tổng chiều dài sạt lở bờ sông gần 200 km; trong đó, khoảng 25 km sạt lở hết sức nguy hiểm và con số này đang tiếp tục tăng lên do chưa có những giải pháp ngăn chặn, khắc phục.
Tiếp đến, quá trình biến đổi khí hậu, tác động của sóng biển đã làm cho một số đoạn bờ biển xảy ra hiện tượng xói lở với tổng chiều dài khoảng 65 km, ảnh hưởng đến hơn 250 hộ dân thuộc các huyện Kiên Lương, Hòn Đất, An Biên, An Minh; trong đó, hơn 31 km xói lở đặc biệt nguy hiểm, trên 11 km xói lở nguy hiểm và còn lại đang xói lở. Diện tích bãi bồi bị sạt lở trong 10 năm qua hơn 500 ha, chiều rộng bị sạt lở, mất đi đai rừng phòng hộ ven biển từ 60 - 300 m.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Mai Anh Nhịn cho biết, do ảnh hưởng của hiện tượng biến đổi khí hậu và nước biển dâng, sự xâm thực của biển trong thời gian gần đây ngày càng tăng mạnh hơn, diễn biến phức tạp, khó lường, mức độ xói lở rất nguy hiểm. Nếu không có các giải pháp kịp thời và tích cực để phòng, chống xói lở bờ biển thì các tác động xấu sẽ ngày càng ảnh hưởng trực tiếp nguy hiểm đến đời sống người dân và các công trình trong khu vực, đặc biệt là đe dọa đến an toàn đê biển. Ước tính ban đầu, kinh phí để thực hiện các giải pháp đối phó, khắc phục tình trạng sạt lở bờ sông hơn 300 tỷ đồng và xói lở bờ biển trên 1.060 tỷ đồng.
Thực tế tại khu vực bờ biển Tiểu Dừa giáp tỉnh Cà Mau thuộc ấp Cây Gõ, xã Vân Khánh Tây, huyện An Minh (Kiên Giang) bị sạt lở nghiêm trọng, nhất là vào giai đoạn cao điểm của mùa mưa bão nhưng chưa có giải pháp ngăn chặn, khắc phục hữu hiệu. Rừng phòng hộ ven biển gần như bị xóa sổ do sạt lở, sóng biển đánh trực tiếp vào tận chân đê quốc phòng, uy hiếp nhà ở của dân.
Bà Trần Thị Lắm sinh sống tại đây, cho biết hàng chục công đất rừng của bà bây giờ không còn, sóng biển cuốn trôi hết; ngôi nhà bà đang ở có thể bị đổ sập bất cứ lúc nào khi xuất hiện sóng to, gió lớn. Nhiều hộ dân khác ở đây cũng lâm vào tình cảnh tương tự như bà Lắm.
Tiếp đến, xã Bình Giang, huyện Hòn Đất (Kiên Giang) có đoạn bờ biển chạy qua địa bàn hơn 8 km; trong đó, nhiều nơi bị sạt lở, xói lở nghiêm trọng, đặc biệt nguy hiểm với chiều dài khoảng 4 km. Những nơi sạt lở, xói lở nghiêm trọng gần như không còn rừng phòng hộ chắn sóng, bảo vệ. Ông Đặng Thanh Hải, ấp Bình Hòa, xã Bình Giang, huyện Hòn Đất cho biết, khoảng 4 - 5 năm trở lại đây sạt lở nghiêm trọng, biển ăn sâu vào bờ, mất rừng, mất đất sản xuất nhưng không có cách gì khắc phục, ngăn chặn xói lở. Không những mất đất sản xuất, người dân sinh sống ven biển gặp rất nhiều khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản bấp bênh, kém hiệu quả, mất mùa.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, bảo vệ môi trường biển, ngăn chặn sạt lở ven biển, phòng chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016 - 2020 và tầm nhìn năm 2030, tỉnh Kiên Giang xây dựng 13 dự án; trong đó, có 3 dự án được phê duyệt, triển khai thực hiện với tổng vốn đầu tư 2.215 tỷ đồng. Các dự án gồm: đầu tư nâng cấp đê biển từ Mũi Nai (TX. Hà Tiên) đến Tiểu Dừa (An Minh); khôi phục và phát triển rừng phòng hộ ven biển; quản lý tổng hợp vùng bờ, thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ven biển tỉnh Kiên Giang.
Tuy nhiên, tiến độ triển khai thực hiện những dự án này khá chậm, nhất là dự án đầu tư nâng cấp đê biển từ Mũi Nai (TX. Hà Tiên) đến Tiểu Dừa (An Minh), tổng vốn 2.083 tỷ đồng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt gần như còn ở điểm xuất phát thấp. Trong khi đó, tình trạng sạt lở tiếp tục diễn biến hết sức phức tạp, nạn sạt lở có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Rừng phòng hộ ven biển ngày càng mất đi chức năng phòng hộ, bảo vệ bờ biển trước diễn biến ngày càng khó lường của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Ứng phó với biến đổi khí hậu
Tỉnh Kiên Giang xây dựng và triển khai thực hiện chương trình hành động về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Tỉnh phân vùng chức năng dựa trên đặc tính sinh thái, tiềm năng tài nguyên thích ứng với biến đổi khí hậu để lập quy hoạch phát triển.
Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Nguyễn Thanh Nghị, cho biết Tỉnh ủy đã chỉ đạo tổ chức xây dựng và phê duyệt phân vùng các lĩnh vực: vườn quốc gia, khu bảo tồn, khoáng sản, tài nguyên nước, đất đai, đa dạng sinh học; khoanh vùng cấm, tậm cấm khai thác khoáng sản, khu vực bảo vệ phát triển rừng; lập bản đồ rủi ro thiên tai, sạt lở đất…
Thực hiện lồng ghép ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh và từng ngành, từng địa phương gắn với mục tiêu phát triển bền vững. Các sở, ngành, tổ chức đoàn thể, địa phương phát huy tính chủ động trong triển khai chương trình hành động, kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Kiên Giang, thực hiện công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, sự cố môi trường và giám sát biến đổi khí hậu, trên địa bàn tỉnh hiện có 3 trạm khí tượng, 3 trạm thủy văn cấp 3, 2 trạm hải văn, 17 trạm đo mực nước và mưa tự động, 6 trạm đo độ mặn vào mùa khô. Hiện nay, Kiên Giang đang tiếp tục thực hiện dự án tăng cường dự báo thời tiết và hệ thống cảnh báo sớm.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Mai Anh Nhịn, cho biết tỉnh tăng cường các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tác động của triều cường, ngập lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển do tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Cụ thể, như các dự án thích ứng giảm nhẹ biến đổi khí hậu đối với lĩnh vực thủy lợi tiếp tục được hoàn thiện với hệ thống kênh trục dẫn nước ngọt, thoát lũ và tiêu nước được nối từ sông Hậu với kênh Rạch Giá - Hà Tiên thuộc vùng Tứ giác Long Xuyên, với sông Cái Lớn, Cái Bé thuộc vùng Tây sông Hậu, các tuyến kênh trục vùng U Minh Thượng và hệ thống kênh cấp 2, thủy lợi nội đồng đã được hoàn thành cơ bản.
Tuyến đê biển với 30/51 cống đã hoàn thành; hoàn thành nạo vét hệ thống kênh mương phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn, đắp đập ngăn mặn; gây bồi, tạo bãi, trồng cây ngập mặn bảo vệ đê biển từ Bình Sơn đến Bình Giang (Hòn Đất) và xã Nam Thái (An Biên). Khôi phục và phát triển rừng phòng hộ ven biển tỉnh Kiên Giang, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phòng chống xói lở bờ biển và hỗ trợ nuôi trồng thủy sản ở huyện An Minh, An Biên,…
Cùng với đó, Kiên Giang thực hiện chương trình “Thoát nước và chống ngập úng tại các đô thị quy mô vừa vùng duyên hải Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu tại thành phố Rạch Giá. Huy động, tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ về tài chính, kỹ thuật cho các dự án về ứng phó với biến đổi khí hậu, sự cố nước biển dâng, nâng cao năng lực thích ứng với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh.. Thực hiện các giải pháp giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ, phát triển các hệ sinh thái tự nhiên như các dự án lĩnh vực nông nghiệp, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp,…
Tỉnh cũng thành lập Khu bảo tồn loài - sinh cảnh Phú Mỹ (Giang Thành) trên cơ sở dự án khai thác bền vững đồng cỏ bàng với tổng diện tích gần 2.900 ha. Xây dựng và triển khai dự án đầu tư trồng rừng ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu Kiên Giang; dự án bảo vệ và phát triển rừng bền vững tỉnh Kiên Giang. Ngoài ra, tranh thủ nguồn vốn tài trợ của các tổ chức nước ngoài để triển khai thực hiện các dự án, chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiểu rủi ro do thiên tai và sinh kế cho người dân vùng ven biển, vùng dễ bị tổ thương do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng...