Trong đó gói thầu CM-XL01 thi công nạo vét và vận chuyển chất nạo vét đi đổ đoạn từ phao số “0” đến thượng lưu cảng CMIT - cảng quốc tế Cái Mép được khởi công từ 18/2/2023, sau gần 10 tháng triển khai, hiện các nhà thầu đang tập trung phương tiện và thiết bị cùng hàng trăm cán bộ, kỹ sư công nhân viên thi công 24/24 giờ phấn đấu hoàn thành gói thầu CM-XL01 trong năm 2023.
Đến nay, sản lượng gói thầu CM-XL01 đã đạt khoảng 80% khối lượng theo hợp đồng (tương đương với gần 4,7 triệu m3 nạo vét) đáp ứng tiến độ theo hợp đồng; trong đó, Công ty cổ phần Tư vấn và xây dựng Phú Xuân đạt 83% khối lượng theo hợp đồng, Công ty TNHH hảng hải Sao Mai đạt gần 80% và Công ty TNHH Cơ giới Mỹ Dung đạt 72%).
Về vị trí nhận chìm chất nạo vét, Ban Quản lý dự án hàng hải cho biết, vị trí đổ chất nạo vét đã được UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cấp phép nằm tại vị trí cách phao số 0 khoảng 10km.
Đại diện các nhà thầu cho biết hiện tại, điều kiện thời tiết tại khu vực thi công đang thuận lợi, do đó nhà thầu tranh thủ từng ngày, huy động đủ cán bộ, công nhân viên để thi công đáp ứng tiến độ gói thầu CM- XL1, sớm đưa luồng vào khai thác, qua đó nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế-xã hội địa phương.
Chia sẻ về điều kiện thi công, đại diện Ban Quản lý dự án Hàng hải cho hay việc thi công trên khu vực luồng Cái Mép - Thị Vải có nhiều khó khăn do đây là luồng vừa khai thác vừa thi công, cộng thêm đặc thù tại khu vực có mật độ phương tiện tàu thuyền lưu thông dày và phức tạp.
Chính vì vậy, trong quá trình thi công, Ban Quản lý dự án Hàng hải luôn luôn phối hợp cùng các đơn vị chức năng địa phương như Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu, Trung tâm VTS (quản lý giao thông tàu biển) kiểm tra, giám sát, quán triệt tới nhà thầu thi công, đơn vị bảo đảm an toàn giao thông triển khai thực hiện đúng phương án đảm bảo an toàn giao thông trong quá trình thi công được phê duyệt, đảm bảo không xảy ra nguy cơ mất an toàn giao thông hàng hải trong quá trình thi công.
Cùng với đó, từ vấn giám sát và cán bộ Ban Quản lý dự án hàng hải giám sát chặt chẽ các phương tiện vận chuyển vật, chất nạo vét đi nhận chìm thông qua hệ thống camera và thiết bị giám sát hành trình lắp trên tàu để đảm bảo các phương tiện này thực hiện nhận chìm đúng khối lượng, đúng địa điểm theo giấy phép nhận chìm do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp.
Ngoài ra, Ban Quản lý dự án hàng hải cũng rất quan tâm đến việc bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh môi trường, phòng cháy chữa cháy trong qua trình thi công trên công trường. Chủ đầu tư đã yêu cầu liên danh nhà thầu triển khai theo đúng phương án bảo đảm an toàn giao thông, biện pháp thi công được chấp thuận, báo cáo tác động môi trường (ĐTM) được phê duyệt.
Thông tin về gói thầu CM-XL02 (thi công nạo vét và vận chuyển chất nạo vét đi đổ đoạn từ thượng lưu cảng CMIT đến cảng Phước An), ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó Giam đốc Ban Quản lý dự án hàng hải cho hay, đến nay gói thầu xây lắp còn lại của dự án đã hoàn thành việc lựa chọn nhà thầu và đã ký kết hợp đồng ngày 10/10 vừa qua. Giá trị hợp đồng hơn 181 tỷ đồng. Nhà thầu thi công là Liên danh Công ty cổ phần Thương mại Duy Linh - Công ty TNHH Xây dựng và thương mại Tường Vy - Công ty TNHH hàng hải Sao Mai. Hiện nay nhà thầu đang tiến hành các thủ tục liên quan để triển khai thi công trong thời gian tới.
Dự án đầu tư xây dựng công trình nâng cấp tuyến luồng Cái Mép - Thị Vải từ phao số 0 vào khu bến cảng container Cái Mép dài 30,5km, được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt tháng 8/2022, với tổng mức đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng bằng nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025.
Công trình được khởi công vào ngày 18/2, dự kiến hoàn thành tháng 6/2024. Tuy nhiên với tiến độ hiện tại, Bộ Giao thông Vận tải đang yêu cầu chủ đầu tư chỉ đạo các nhà thầu với quyết tâm cao nhất phấn đấu hoàn thành gói thầu CM - XL01 ngay trong năm 2023.
Theo Ban Quản lý dự án hàng hải, sau khi nâng cấp xong, tùy theo từng đoạn, luồng đạt độ sâu của luồng đạt đến âm 15,5m. Đồng thời có các vũng quay tàu tại các ngã ba sông Thêu và sông Gò Gia. Mục tiêu của dự án nhằm cho phép các cảng ở Cái Mép có thể đón tàu container lên đến 200.000DWT (giảm tải) và tàu 160.000DWT đủ tải, còn tàu 120.000DWT khai thác hai chiều.
Bộ Giao thông Vận tải nhìn nhận, dự án hoàn thành sẽ giúp nâng cao hiệu suất khai thác của các cảng nằm trong cụm cảng Cái Mép - Thị Vải, đáp ứng nhu cầu lưu thông hàng hóa trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Cùng đó, tăng cường năng lực vận tải thủy của các tàu container cỡ lớn ra vào khu vực Cái Mép - Thị Vải, thu hút hàng hóa trung chuyển trong khu vực.
Đại diện cảng CMIT (cảng quốc tế Cái Mép) cho biết, để nâng hiệu suất khai thác, đáp ứng được xu thế đội tàu lớn của thế giới với sức chở ngày càng cao thì luồng tàu phải đạt độ sâu -15,5 m để các tàu vào ra khu vực này không còn phải phụ thuộc vào chế độ thủy triều, cũng không phải hạ tải để cập các cảng ở Cái Mép- Thị Vải. Việc luồng Cái Mép - Thị Vải được nạo vét đến độ sâu -15,5 m sắp hoàn thành, một số hãng đã lên kế hoạch ghé các cảng Cái Mép - Thị Vải trong thời gian tới.
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, thời gian qua, cảng biển Cái Mép - Thị Vải liên tục đón nhiều chuyến tàu container lớn ra vào cảng. Tại khu vực, cảng CMIT đã được Bộ Giao thông Vận tải cấp phép cho thử nghiệm đón tài container có trọng tải lên tới 214.000DWT. Bộ Giao thông Vận tải cũng đã có văn bản ủng hộ chủ trương điều chỉnh quy hoạch bến cảng Cái Mép Gemadep-Terminal Link tiếp nhận tàu trọng tải đến 250.000DWT.
Các chuyên gia giao thông nhìn nhận cụm cảng Cái Mép - Thị Vải được đánh giá là có triển vọng để trở thành một mắt xích chính trong mạng lưới toàn cầu của các hãng tàu hàng đầu thế giới và đã được đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch trở thành khu cảng trung chuyển quốc tế theo quy hoạch tổng thể hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ.