Câu hỏi lớn ở đây là sau khi đưa ra quyết định trên, liệu Fed có kích hoạt một loạt những đợt giảm lãi suất kéo dài sang năm tới như thị trường đồn đoán, hay ngân hàng trung ương này sẽ chỉ có những động thái hạn chế.
Những “lí do” mơ hồ
Cho tới hiện nay, vẫn không có dấu hiệu về một sự đồng thuận rõ ràng từ các quan chức Fed khi đưa ra lý do tại sao họ cần cắt giảm lãi suất, đặc biệt là với tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ ở quanh mức thấp nhất trong nửa thế kỷ và nền kinh tế này có “màn biểu diễn” tốt nhất trong số các quốc gia phát triển. Cắt giảm lãi suất có phải là một biện pháp “bảo hiểm” nhằm chống lại rủi ro từ tăng trưởng kinh tế toàn cầu hạ nhiệt và căng thẳng thương mại kéo dài? Hay là một bước đi để thúc đẩy lạm phát thoát khỏi tình trạng đình trệ? Một nỗ lực để giúp thị trường lao động tăng trưởng hơn nữa?
Lãi suất liên bang của Mỹ hiện nằm trong khoảng từ 2,25 - 2,50%. Các nhà đầu tư đã đặt cược khá nhiều vào khả năng Fed sẽ giảm lãi suất tới 1 điểm phần trăm tính từ bây giờ tới cuối năm 2020. Nhưng bức tranh kinh tế Mỹ hiện đã khác so với những lần Fed cắt giảm lãi suất trước đây.
Kể từ cuộc họp ấn định lãi suất mới nhất diễn ra hồi giữa tháng Sáu, số liệu về doanh số bán lẻ và tình hình kiến tạo việc làm của Mỹ đã mạnh hơn dự kiến. Đồng thời, số đơn đặt hàng lâu bền, một chỉ dấu cho kế hoạch chi tiêu kinh doanh của các công ty, đã tăng vọt vào tháng trước. Tuy nhiên, doanh số bán nhà của Mỹ cũng sụt giảm vào cùng giai đoạn, trong khi lĩnh vực chế tạo đã suy yếu trong nhiều tháng qua và hoạt động xuất khẩu giảm sút.
Một báo cáo công bố vào ngày thứ Sáu tuần trước (26/7) cho thấy chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ đã giúp kinh tế Mỹ tăng trưởng với tốc độ 2,1% trong quý II/2019, một sự “giảm tốc” thấp hơn dự kiến của giới chuyên gia. Nhưng những số liệu cũng nhấn mạnh tới tình hình đầu tư kinh doanh và lạm phát yếu ớt – điều đã khiến Chủ tịch Fed Jerome Powell lo lắng.
Những số liệu trên đã vẽ nên bức tranh đa màu sắc của kinh tế Mỹ với những mảng sáng và tối đan xen. Chúng được cho là sẽ thổi bùng một cuộc tranh luận tại cuộc họp của Fed về việc liệu có thực sự cần giảm lãi suất hay không, cũng như có thể hạn chế mức độ nới lỏng chính sách tiền tệ mà Fed sẽ thực hiện sau đó.
Sau cắt giảm lãi suất sẽ là gì?
Dù còn nhiều yếu tố mơ hồ, các nhà kinh tế và giới đầu tư vẫn đặt rất nhiều tin tưởng vào việc Fed sẽ cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm vào ngày thứ Tư, phù hợp với quy mô của mỗi lần tăng kể từ năm 2015 đến 2018.
Một số người đã viện dẫn dấu hiệu những ngân hàng trung ương nước ngoài sẽ hạ lãi suất để củng cố cho khả năng về một động thái tương tự của Fed. Chúng bao gồm những chỉ dấu về sự “giảm tốc” của kinh tế châu Âu và Trung Quốc, bên cạnh việc tân Thủ tướng Anh Boris Johnson có khả năng chấp nhận rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) mà không có một thỏa thuận. Trong bối cảnh đó, gần như Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) chắc chắn sẽ hạ lãi suất trong cuộc họp chính sách vào tháng Chín tới.
Nhà kinh tế học Roberto Perli của công ty nghiên cứu thị trường Cornerstone Macro tỏ ra rất tự tin về việc Fed sẽ cắt giảm lãi suất tại cuộc họp ngày thứ Tư và dự báo rằng sẽ có thêm ít nhất một lần cắt giảm 25 điểm cơ bản nữa trong thời gian tới.
Tuy nhiên, khi đề cập tới việc những chỉ dấu kinh tế nào sẽ kích hoạt lần cắt giảm lãi suất tiếp theo, chuyên gia này cho rằng các quan chức Fed chưa có một ý tưởng rõ ràng. Việc thiếu vắng những dự báo lãi suất hàng quý do các nhà hoạch định chính sách tự công bố cũng sẽ khiến các nhà đầu tư khó “đo đếm” những bước đi tiếp theo của Fed.
Giới chuyên gia cho rằng Fed có thể sẽ thông báo chấm dứt kế hoạch cắt giảm quy mô bảng cân đối kế toán trị giá 3.800 tỷ USD sớm hơn thời hạn đạt ra trước đó là tháng Chín năm nay. Bảng cân đối kế toán hay danh mục đầu tư (chủ yếu là thông qua trái phiếu chính phủ) được ngân hàng trung ương này tích lũy kể từ sau khủng hoảng tài chính hồi năm 2008. Đây từng là công cụ để Fed giữ lãi suất ở mức thấp và thúc đẩy nền kinh tế Mỹ thoát khỏi khủng hoảng.
Việc kết thúc sớm kế hoạch nêu trên có thể xoa dịu những lời chỉ trích rằng chính sách thu hẹp bảng cân đối kế toán đang đi ngược với chính sách nới lỏng chính sách lãi suất của Fed. Và nếu Fed làm thị trường thất vọng bằng cách phát đi những tín hiệu không chắc chắn về động thái cắt giảm lãi suất tiếp theo, sự thay đổi trong kế hoạch liên quan tới bảng cân đối kế toán có thể coi là "phần thưởng an ủi" dành cho thị trường.