Phát biểu với đài truyền hình CNBC tại Riyadh, ông Khalid al-Falih nói: "Chúng tôi vẫn linh hoạt. Tôi thiên về khả năng có thể tiếp tục cắt giảm sản lượng trong 6 tháng cuối năm". Tuy nhiên, ông cho biết khó có thể dự đoán tình hình sẽ như thế nào vào tháng 6, thời điểm thỏa thuận giữa các nước sản xuất dầu mỏ lớn, trong đó có Nga, hết hạn.
Ngày 7/12 năm ngoái, các nước thành viên Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác ngoài OPEC đã nhất trí cắt giảm sản lượng dầu thô ở mức 1,2 triệu thùng/ngày trong nửa đầu năm 2019 nhằm tăng giá dầu và kiểm soát tình trạng dư thừa. Theo đó, Saudi Arabia cần giảm 322.000 thùng/ngày xuống còn 10,3 triệu thùng/ngày. Nga cam kết sẽ giảm 228.000 thùng/ngày.
Mặc dù sau thỏa thuận trên, giá dầu mỏ trên thị trường thế giới đã đi lên, song chưa thể đẩy được lên mức giá cao 85 USD/thùng như thời điểm tháng 10 năm ngoái. Điều này gây ra đồn đoán cho rằng OPEC và các đối tác có thể tiếp tục cắt giảm sản lượng khai thác.
Trong khi trước đó, ngày 25/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chỉ trích quyết định của OPEC cắt giảm sản lượng nhằm tăng giá dầu. Trên trang Tweet cá nhân, ông Trump nói: "Giá dầu mỏ đang tăng quá cao. OPEC, làm ơn nới lỏng và hạn chế. Thế giới không thể chấp nhận mức giá quá cao".
Từ nhiều tuần qua, Tổng thống Donald Trump liên tiếp kêu gọi OPEC duy trì sản lượng khai thác cao nhằm hạn chế việc giá dầu tăng, yếu tố tác động tăng trưởng kinh tế.