Theo đó, SCIC sẽ bán đấu giá 51.401.089 cổ phần (hơn 514 tỷ đồng theo mệnh giá), tương đương 11,42% vốn điều lệ với mức giá khởi điểm 23.800 đồng/cổ phần.
Năm 2006, nhà máy chính của dự án Nhiệt điện Quảng ninh được khởi công xây dựng. Năm 2009, tổ máy số 1 chính thức hòa đồng bộ vào lưới điện quốc gia. Năm 2007 dự án Nhiệt điện Quảng Ninh 2 được khởi công, năm 2010 tổ máy 2 chính thức hòa đồng bộ vào lưới điện quốc gia.
Năm 2017, Công ty cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh chính thức đăng ký giao dịch trên UPCoM với mã chứng khoán QTP.
Các cổ đông nắm giữ trên 5% cổ phần của công ty gồm Tổng công ty Phát điện I với tỷ lệ nắm giữ 42%; Công ty cổ phần Nhiệt điện Phả Lại nắm giữ 16,35%; SCIC nắm giữ 11,42%; Tổng công ty Điện lực TKV nắm giữ 10,62% và Công ty cổ phần Cơ Điện Lạnh nắm giữ 9,35%. Như vậy 5 cổ đông lớn nắm giữ tới 89,74% vốn điều lệ của công ty.
Ngành nghề kinh doanh chủ yếu của công ty là sản xuất, truyền tải và phân phối điện với doanh thu đến từ mảng hoạt động này chiếm đến 99,9% doanh thu thuần. Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh 1 có công suất 600 MW gồm 2 tổ máy, sản lượng điện hàng năm khoảng 3,6 tỷ Kwh/năm. Nhà máy Nhiệt điện Quảng Ninh 2 có công suất 600 MW gồm 2 tổ máy, sản lượng điện hàng năm cũng khoảng 3,6 tỷ Kwh/năm.
Năm 2018 doanh thu thuần bán điện đạt 9.009 tỷ đồng, tăng 10% so với năm 2017 do tổng sản lượng điện thương phẩm đạt 6,32 tỷ Kwh, tăng 19,6% so với sản lượng điện thương phẩm năm 2017.
Từ năm 2016 đến nay công ty liên tục có lãi nhưng tính đến 30/6/2019 công ty vẫn có khoản lỗ lũy kế hơn 229 tỷ đồng, nguyên nhân chủ yếu do khoản lỗ chênh lệch tỷ giá năm 2013 và 2015.
Hiện tại công ty quản lý và sử dụng 20 khu đất tại tỉnh Quảng Ninh, tất cả đều là đất thuê được Nhà nước giao có thu tiền sử dụng đất, thuê trong 30 năm, 40 năm và 50 năm.
Giá tham chiếu của cổ phiếu Công ty cổ phần Nhiệt điện Quảng Ninh (mã: QTP) ngày 21/11 là 12.500 đồng/cổ phiếu.