Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện rà soát báo cáo phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022 của bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Cụ thể, đối với trường hợp phát hiện việc phân bổ không đúng nguyên tắc, thứ tự ưu tiên bố trí vốn, tổng mức và chi tiết theo từng lĩnh vực, nhiệm vụ của kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước đã được giao, không bảo đảm các yêu cầu theo quy định của pháp luật đầu tư công, có ý kiến bằng văn bản cho bộ, cơ quan trung ương và địa phương chậm nhất sau 10 ngày kể từ ngày nhận được báo cáo phân bổ của bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Cùng với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan theo dõi tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022; định kỳ hàng tháng, hàng quý báo cáo Chính phủ tình hình thực hiện kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2022; công khai các bộ, cơ quan trung ương và địa phương phân bổ kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2022 không đúng nguyên tắc, thứ tự ưu tiên; thời gian phân bổ, giải ngân chậm tại các Phiên họp Chính phủ hàng tháng.
Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư đôn đốc, kiểm tra, hướng dẫn việc thực hiện kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương và kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, xử lý các bộ, cơ quan trung ương và địa phương giải ngân thấp so với mức trung bình của cả nước liên tiếp trong 3 tháng hoặc vi phạm trong quản lý, điều hành kế hoạch đầu tư công.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao về quản lý nhà nước đối với đầu tư công chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ, các cơ quan thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và cơ quan liên quan tính chính xác của các nội dung, số liệu báo cáo, bảo đảm đúng quy định của pháp luật.
Ông Đỗ Thành Trung, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế quốc dân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, kết quả từ việc theo dõi quá trình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2021 và các năm trước cho thấy, việc xây dựng kế hoạch, chuẩn bị dự án đầu tư đóng vai trò quan trọng. Đối với các cuộc khủng hoảng trước đây, đầu tư công vẫn là động lực cho tăng trưởng và phát triển. Riêng năm nay, sự gián đoạn trong triển khai đầu tư công do ảnh hưởng của dịch bệnh không ở một địa phương mà xảy ra trên phạm vi cả nước.
Bên cạnh đó, ông Trung đặc biệt nhấn mạnh rào cản lớn khác trong nhiều năm qua là chất lượng lập kế hoạch. Báo cáo giải ngân vốn đầu tư công từ đầu năm đến nay và dự kiến kế hoạch năm 2022 cho thấy, các địa phương đề xuất nhiều giải pháp; trong đó, có một giải pháp thiết yếu là nghiêm túc thực hiện các quy định. Bởi lẽ, nếu chúng ta không triển khai theo các quy định đã được thống nhất, thông qua và ban hành, sẽ dẫn đến hậu quả là chất lượng lập kế hoạch đầu tư công rất có vấn đề.
Không những vậy, trong xây dựng Kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, nhiều địa phương chưa đề xuất số vốn để thu hồi trước, dù đây được xác định là một ưu tiên; đồng thời, kế hoạch một số địa phương chưa bố trí đủ vốn cho các dự án đã quá thời gian bố trí vốn và cho các dự án hoàn thành năm 2020 theo thời gian tại quyết định đầu tư.
Một bất cập nữa là không đề xuất bố trí vốn cho năm 2022 đối với các dự án đã chuyển tiếp theo tiến độ được duyệt, hoặc đề xuất bố trí vốn năm 2022 vượt cả vốn trung hạn.
Ông Đỗ Thành Trung cho biết thêm, tại Chỉ thị số 13/CT-TTg về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải giảm tối đa số lượng các dự án, đặc biệt các dự án đầu tư mới, để tập trung cho dự án lớn, quan trọng.
“Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, khi xây dựng Kế hoạch đầu tư công năm 2022, các bộ, ngành, địa phương cũng cố gắng cắt giảm số lượng dự án đầu tư, tránh dàn trải”, ông Trung nhấn mạnh.