Phát huy thế mạnh của doanh nghiệp tư nhân
Ông Nguyễn Đăng Trương, Vụ trưởng Vụ Kết cấu hạ tầng (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, dù áp dụng mô hình đầu tư nào để phát triển hệ thống đường cao tốc, Việt Nam trong giai đoạn 2021 - 2030 phải đảm bảo mục tiêu hoàn thành xây dựng 5.000 km cao tốc theo Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Hiện nay, ngành Giao thông vận tải đang tập trung xây dựng cao tốc Bắc Nam theo mô hình vốn vừa đối tác công tư (PPP), vừa sử dụng vốn đầu tư công. Mặc dù mô hình đầu tư PPP còn nhiều bất cập như: Đa số các nhà đầu tư là nhà thầu, nên năng lực còn hạn chế, nhất là khả năng tài chính, dẫn tới việc huy động vốn không dễ; vốn huy động của các nhà đầu tư phụ thuộc chủ yếu vào tín dụng ngân hàng thương mại, chưa khơi thông được vốn tín dụng quốc tế, nên chi phí lãi vay cao...nhưng vẫn phải thúc đẩy mô hình PPP để phát huy thế mạnh cúa doanh nghiệp tư nhân, vốn xã hội hóa.
Qua tìm hiểu, Luật PPP đã và đang mở ra cơ chế mới cho phép các doanh nghiệp được phát hành trái phiếu riêng lẻ, thông qua các kênh khác để đa dạng nguồn vốn huy động. Đầu tư dự án bằng hình thức PPP đắt hơn so với đầu tư công, vì phải chi phí lãi vay kéo dài, nhưng hình thức này mới huy động được doanh nghiệp tư nhân vào cuộc, đảm bảo quá trình xây dựng nhanh, đưa công trình vào khai thác và phục vụ người dân các địa phương sớm.
Còn ông Lưu Quang Thìn, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ GTVT) cho biết, theo nghị quyết của Đảng và Chính phủ, đến năm 2030, cả nước sẽ có khoảng 5.000 km đường cao tốc được hoàn thành, đưa vào khai thác. Để có nguồn vốn thực hiện, Bộ GTVT tính toán, giai đoạn 2021-2025 sẽ huy động khoảng 30 - 40% nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, còn lại huy động vốn tư nhân. Do đó, nguồn vốn Nhà nước sẽ giữ vai trò “vốn mồi’, tạo điều kiện khuyến khích, thu hút vốn tư nhân.
Nhà nước giữ vai trò chủ đạo phát triển cao tốc
Tại toạ đàm “Phát triển đường bộ cao tốc ở Việt Nam và việc sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư” mới đây, ông Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cho biết: Trong những năm qua, nhiều nước trên thế giới coi trọng và tập trung phát triển hệ thống đường bộ cao tốc, vì vai trò của hệ thống đường cao tốc quyết định sự phát triển kinh tế xã hội các vùng, khu vực dự án đi qua. Mặc dù Việt nam, cũng như các nước áp dụng nhiều phương thức huy động vốn xây dựng cao tốc, nhưng Nhà nước sẽ giữ vai trò chủ đạo, vốn ngân sách là “vốn mồi” để kêu gọi nguồn vốn từ khu vực tư nhân.
Theo ông Hoàng Văn Cường, để đầu tư hệ thống đường cao tốc cần đa dạng hình thức đầu tư. Trong đó, Nhà nước phải giữ vai trò chủ đạo, dẫn dắt kêu gọi vốn tư nhân. Các dự án khó thu hút vốn tư nhân, thời gian thu phí hoàn vốn kéo dài vài chục năm, rõ ràng không hiệu quả đầu tư bằng hình thức PPP, thì Nhà nước phải bỏ vốn ngân sách để làm, đặc biệt là những công trình khó giải phóng mặt bằng, công trình kết hợp phát triển kinh tế với an ninh quốc phòng, phòng chống thiên tai.
Các chuyên gia giao thông, kinh tế cũng đưa ra nhận định, nếu chỉ trông chờ vốn ngân sách, chắc chắn không thể hoàn thành các kế hoạch đặt ra, nên phải đẩy mạnh thu hút, kêu gọi vốn từ khu vực tư nhân. Mặc dù vai trò của Nhà nước chủ đạo, nhưng khi tư nhân tham gia vào vận hành, quản lý, bảo trì… sẽ càng hoàn chỉnh thêm, đảm bảo hài hòa lợi ích Nhà nước – nhà đầu tư- người dân. Rất nhiều quốc gia, sau khi bỏ vốn ngân sách đầu tư, Nhà nước sẽ chuyển nhượng lại để tư nhân quản lý, vận hành và khai thác.
Luật PPP có hiệu lực thi hành từ 1/1/2021 cũng quy định nhiều cơ chế “mở”, nhưng các dự án đầu tư theo hình thức PPP trong thời gian qua chưa thành công, nhiều dự án không có nhà đầu tư tham gia.
“Muốn đẩy mạnh đầu tư PPP tại các dự án cao tốc, Nhà nước cần phải có các cam kết rõ ràng với nhà đầu tư, kèm theo đó là các chính sách hấp dẫn, cơ chế chia sẻ rủi ro giữa Nhà nước và tư nhân; đồng thời, phải đa dạng hóa nguồn vốn huy động, không thể chỉ trông chờ vào vốn vay tín dụng từ các ngân hàng thương mại như hiện nay”, ông Hoàng Văn Cường nhận định.