Theo bà Tạ Thanh Bình, khi thị trường này được vận hành, vai trò các công ty chứng khoán thành viên rất quan trọng trong việc kiểm soát tốt các nhà đầu tư khi tham gia đúng là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. SSC đang đẩy nhanh hơn tốc độ tái cấu trúc công ty chứng khoán, tiếp tục hoạt động chuyển đổi sản phẩm trên thị trường theo định hướng Sở Giao dịch Chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh (HoSE) là giao dịch cổ phiếu, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) là các sản phẩm phái sinh, trái phiếu.
“Tích cực sửa đổi Nghị định 155, trong Nghị định này có quy định rõ các điều kiện, hồ sơ, thủ tục và SSC cố gắng chỉnh sửa, bổ sung các vấn đề liên quan trực tiếp đến hoạt động chào bán theo hướng giảm thủ tục hành chính và làm rõ các nội dung trong hồ sơ để doanh có thể tiếp cận và thực hiện hồ sơ nhanh gọn, thuận lợi nhất”, Vụ trưởng Vụ phát triển thị trường (SSC) cho biết.
Trong 3 năm qua, TTCK Việt Nam đã trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc với nhà đầu tư, nhiều niềm vui và có cả những nỗi buồn. Tuy nhiên, xét về tổng thể thị trường đã trưởng thành hơn khi thu hút sự quan tâm đông đảo của người dân. Số lượng nhà đầu tư tham gia thị trường sớm cán mốc mục tiêu trên 5% dân số - vượt kế hoạch 3 năm, đặc biệt, sự sôi động của TTCK với những phiên thanh khoản lên tới hơn 30.000 tỷ đồng đã góp phần giúp nhiều doanh nghiệp thuận lợi trong việc huy động vốn trung dài hạn, đóng góp tích cực cho nền kinh tế.
Kể từ quý II/2022, TTCK Việt Nam bước vào giai đoạn suy giảm cả điểm số và thanh khoản bởi nhiều lý do đã khiến việc huy động vốn qua thị trường trở nên khó khăn hơn.
“Những biến động, biến số khó lường trên thị trường giai đoạn qua chính là kinh nghiệm lớn cho nhà đầu tư nhưng cũng là cho cơ quản quản lý trong việc điều hành thị trường sao cho thị trường có thể chống chọi được sức ép từ yếu tố khách quan nhưng vẫn đồng thời phải đảm bảo thị trường vẫn phát triển bền vững”, bà Tạ Thanh Bình cho biết.
Theo lãnh đạo SSC, SSC đang xây dựng Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030 và đang chờ Thủ tướng Chính phủ xem xét (sau khi lấy ý kiến bộ ngành). Một trong những ý tưởng quan trọng của Chiến lược này là phát triển bền vững, không quá chú trọng đi vào tăng trưởng về số lượng và quy mô mà đi sâu các giải pháp để hỗ trợ thị trường phát triển bền vững, tăng khả năng chống chịu trước các biến động.
“Về cơ bản vẫn dựa trên 4 trụ cột chính, một trong đó là quản trị công ty. Để TTCK tốt, cần doanh nghiệp niêm yết, công ty đại chúng tốt. Đó là lý do tại sao việc nâng cao chất lượng quản trị công ty của doanh nghiệp niêm yết, công ty đại chúng hướng đến thông lệ tốt về môi trường - quản trị - xã hội (ESG) là vấn đề hướng đến, tạo nền tảng doanh nghiệp đạt chất lượng không ở thị trường Việt Nam mà tiếp cận được cả thị trường vốn quốc tế”, bà Tạ Thanh Bình cho biết.
Phía SSC cũng đang nỗ lực để tạo sản phẩm tốt hơn. Chẳng hạn, nói về phái sinh, một trong những lý do khiến thị trường này biến động mạnh là do số lượng sản phẩm phái sinh cũng đang còn quá ít, chỉ có mỗi một sản phẩm. Bởi vậy, khi nhà đầu tư quan tâm quá mức cho một sản phẩm nên việc giao dịch sản phẩm này có phần hơi thái quá.
Một trong những nhiệm vụ trong thời gian tới đây, SSC sẽ cố gắng triển khai ngay các sản phẩm khác trên thị trường phái sinh như sản phẩm hợp đồng tương lai chỉ số VN100 trong tương lai gần, tiếp tục là hợp đồng tương lai với tài sản cơ sở khác, sau đó tiến tới hợp đồng quyền chọn như thông lệ trên thế giới.
Để hỗ trợ cho tất cả việc này, cơ quan quản lý sẽ sớm đưa vào vận hành hệ thống giao dịch mới KRX, hệ thống này không chỉ hỗ trợ triển khai các sản phẩm mới mà còn hỗ trợ cho cơ quan quản lý trong công tác giám sát thị trường dựa trên ứng dụng tiến bộ công nghệ thông tin.