Siết chặt cho vay đầu tư chứng khoán

Chính thức áp dụng từ ngày 1/2, Thông tư 36 (Thông tư 36/2014/TT - NHNN quy định về các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ảnh hưởng đến hoạt động cho vay đầu tư chứng khoán. Tuy nhiên, giới phân tích chứng khoán cho rằng tác động chỉ là ngắn hạn, nhiều doanh nghiệp đã có phương án chủ động để thích ứng với Thông tư 36.

Hạn chế rủi ro

Trong 4 ngày đầu khai xuân từ 24 đến 27/2, thị trường chứng khoán (TTCK) đã có sự khởi đầu suôn sẻ. Từ ngày 24 đến 25/2 TTCK đã tăng mạnh với chỉ số VN - Index chạm gần 600 điểm. Đến ngày 26/2, nhà đầu tư (NĐT) đã chốt lời ngắn hạn, theo đó thị trường có sự “rung lắc” nhẹ và giảm điểm. Tuy nhiên, sang ngày 27/2, thị trường lại tăng điểm mạnh. Đáng chú ý, mọi diễn biến của thị trường đều xoay quanh các cổ phiếu ngân hàng. Nhiều công ty chứng khoán (CTCK) nhận định, đây là một trong tín hiệu tích cực của Thông tư 36 khi tác động đến TTCK.

Trước đó, khi Thông tư 36 chưa có hiệu lực, các CTCK đã lo ngại về sự siết chặt cho vay chứng khoán sẽ tác động đến thị trường trong thời gian tới. Cụ thể, văn bản này quy định tổng dư nợ cấp tín dụng đầu tư, kinh doanh cổ phiếu không được vượt quá 5% vốn điều lệ, vốn được cấp của các ngân hàng. Trước đó, NHNN giới hạn cấp tín dụng để cho vay chiết khấu giấy tờ có giá, đầu tư chứng khoán lên tới 20% vốn điều lệ. Những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu trên 3% cũng không được cho vay đầu tư cổ phiếu.

Trung tâm Nghiên cứu của Ngân hàng Đầu tư & Phát triển (BIDV) cho rằng, điều này sẽ khiến thanh khoản chứng khoán sụt giảm, làm giảm sự quan tâm của nhà đầu tư đối với quá trình cổ phần hóa. Như vậy, việc đón chào các cổ phiếu phát hành lần đầu (IPO) sẽ gặp phải tâm lý e dè của thị trường. Ngoài ra, triển vọng chưa rõ ràng của chứng khoán cũng gây tâm lý e ngại đối với nhà đầu tư nước ngoài. Việc này kéo dài sẽ ảnh hưởng đến dòng vốn đầu tư gián tiếp, làm suy giảm động lực quan trọng phát triển thị trường tài chính.

Nhập thông tin vào hệ thống đấu giá điện tử tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN.


Tuy nhiên, theo NHNN, việc siết chặt cho vay này sẽ kiểm soát chặt chẽ vốn tín dụng ngân hàng đầu tư vào chứng khoán, hạn chế rủi ro, biến động bất thường trên TTCK cũng như ở nhiều tổ chức tín dụng. Thực tế, đã có đơn vị lâm vào tình trạng khó khăn tài chính, mất khả năng thanh khoản, tiền gửi của người dân không được bảo đảm an toàn. Nhưng về ngắn hạn, có thể có những tác động tâm lý nhất định bởi cũng có những ngân hàng còn dư địa nên cần sự điều chỉnh giữa các nhà băng.

Chủ động vốn

Có thể thấy, sau khi Thông tư 36 có hiệu lực, một số CTCK đã bị ngân hàng ngừng giải ngân các khoản vay mới. Theo Công ty chứng khoán MB, hạn mức dịch vụ cho vay thanh toán tiền mua chứng khoán giao dịch ký quỹ (Margin+) kết hợp với Ngân hàng Quân đội bị chạm tỷ lệ tối đa. Do đó, từ ngày 2/2, công ty tạm dừng giải ngân dịch vụ này cho các khoản mua mới. Công ty chứng khoán VnDirect cũng thông tin kể từ ngày 1/2/2015, các ngân hàng thương mại hợp tác với doanh nghiệp sẽ ngừng cho vay đối với các khoản mới.

Ông Trần Xuân Bách, Bộ phận chiến lược thị trường Chứng khoán Bảo Việt nhận định: “Tôi cho rằng, rủi ro khi thu hẹp hỗ trợ vốn trong ngắn hạn của các CTCK cũng như mức độ ảnh hưởng đến thị trường là không lớn bởi các công ty lớn hầu như không bị ảnh hưởng, đặc biệt là những công ty có ngân hàng hỗ trợ hoặc có vốn chủ sở hữu lớn. Còn đối với việc tạm dừng cấp mới Margin của một số CTCK chỉ là hành động tạm thời trong quá trình “chuyển đổi” để đáp ứng yêu cầu của Thông tư 36, đồng thời tái cơ cấu sang nguồn vốn mới”.

Thực tế, một số CTCK lớn đã có sự chủ động huy động thêm vốn từ các nguồn khác nhau. Thậm chí, nhóm công ty này sẽ được hưởng lợi khi các công ty chứng khoán nhỏ hơn gặp khó khăn và cần thêm thời gian để tìm các nguồn vay mới thay thế. Cụ thể, VnDirect khẳng định hoạt động Margin sẽ không bị ảnh hưởng do công ty có vốn chủ sở hữu hơn 1.800 tỷ đồng để "tự lực cánh sinh". MBS cũng khuyến nghị khách hàng chuyển từ dịch vụ Margin+ sang dịch vụ khác và đảm bảo đáp ứng đầy đủ nhu cầu giao dịch với lãi suất ưu đãi so với thị trường.

Ngay cả một số đơn vị khác còn tích cực phát hành trái phiếu để bổ sung nguồn vốn, phục vụ giao dịch ký quỹ. Điển hình, Công ty Quản lý Đầu tư Trí Việt đã chào bán 30 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng, Công ty chứng khoán Tân Việt cũng bán được gần 184 tỷ đồng trái phiếu trong đợt huy động mới đây và dự kiến sẽ tiếp tục phát hành trong năm 2015. Theo ông Trần Xuân Bách, việc phát hành trái phiếu để tăng vốn có thể tạo độ trễ trong ngắn hạn nhưng sẽ giúp các công ty chủ động được nguồn tiền hỗ trợ margin, qua đó ổn định hoạt động kinh doanh trong dài hạn.

Bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư Khách hàng tổ chức kiêm Giám đốc Phát triển Khách hàng tổ chức của CTCK Sài Gòn (SSI) cũng cho rằng, dù Thông tư 36 có siết chặt đòn bẩy tài chính, nhưng với sự chuẩn bị đẩy đủ của các CTCK thì việc thúc đẩy chương trình cổ phần hóa, tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước, thúc đẩy thị trường tài chính nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng phát triển ổn định.


Hải Yên

Về quy định lãi suất cho vay
Về quy định lãi suất cho vay

Trong hội nghị lấy ý kiến góp ý về dự thảo Bộ luật Dân sự (BLDS) (sửa đổi) do Bộ Tư pháp tổ chức cuối tháng 1/2015, quy định về lãi suất cho phép trong hợp đồng vay tài sản đã nhận được nhiều ý kiến trái ngược.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN