Siêu thị tham gia xuất khẩu hàng Việt

Không chỉ phân phối, bán lẻ các sản phẩm trong nước đến tay người tiêu dùng, hiện kênh bán lẻ hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại... cũng đang đẩy mạnh bán buôn, xuất khẩu nhiều mặt hàng nông sản như trái cây, rau củ, thực phẩm chế biến... đến các “thượng đế” ngoại.

Đa dạng hướng đi

Năm 2014, lần đầu tiên hệ thống siêu thị Saigon Co.op đã xuất cho hệ thống siêu thị FairPrice (Singapore) hơn 300 mặt hàng nông sản và hàng thực phẩm công nghệ do doanh nghiệp (DN) Việt Nam sản xuất với tổng giá trị lên đến 15 tỷ đồng. Trước đó, DN đã chủ động liên doanh với Tập đoàn NTUC FairPrice khai thác hệ thống siêu thị Co.opXtra, Co.opXtraPlus. Từ “bàn đạp” này, DN mạnh dạn đưa hàng hóa Việt đến tay người tiêu dùng Singapore. “Hầu hết các mặt hàng xuất khẩu là hàng nông sản như: trái cây, rau củ quả, gạo... và hàng thực phẩm công nghệ như: nui, bánh kẹo, phở ăn liền... Chúng tôi đang hướng đến việc thành lập một trung tâm thu mua và phân phối các mặt hàng của Việt Nam để tăng cường xuất khẩu sang Singapore trong thời gian tới”, ông Nguyễn Thành Nhân, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op, cho hay.

Người tiêu dung Pháp thưởng thức trái cây Việt tại siêu thị BigC ở Pháp.


Tương tự, siêu thị Lotte cũng đang bắt đầu đưa hàng Việt vào Hàn Quốc. Thông qua 7 cửa hàng Lotte Mart tại Hàn Quốc có doanh số cao nhất, DN đã tổ chức triển lãm giới thiệu hàng Việt cho người tiêu dùng tại đây. Những mặt hàng giới thiệu chủ yếu là hạt điều, tôm đông lạnh, phở khô, bún khô, cà phê... Chỉ sau một tuần triển lãm, doanh thu đã đạt con số khả quan là hơn 250.000 USD, góp phần tạo thiện cảm về hàng Việt trong con mắt nhiều người dân bản xứ.

Nhanh nhạy hơn, Big C đã thúc đẩy việc đưa hàng Việt ra nước ngoài từ khá sớm bằng hình thức tổ chức các ngày hội hàng Việt ở Pháp, Đức... Hiện mỗi năm, đơn vị này xuất khẩu khoảng 1.000 container hàng của các DN trong nước, bao gồm: hàng dệt may, sản phẩm nội thất làm bằng tre, những mặt hàng thực phẩm khô... sang hơn 20 quốc gia châu Á, châu Âu và châu Mỹ. Đặc biệt, vào dịp Tết âm lịch, Big C còn xuất khẩu những mặt hàng đặc sản Tết phục vụ bà con kiều bào cũng như người tiêu dùng nước ngoài.

Còn Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam từ lâu đã làm tốt vai trò cầu nối hỗ trợ Văn phòng thương mại của Tập đoàn Metro khu vực châu Á - Thái Bình Dương và các đơn vị trong nước để xuất khẩu các loại nông sản của Việt Nam. Cuối năm 2013, lô hàng thử nghiệm trái thanh long đầu tiên đã được xuất sang thị trường Trung Quốc, mở ra cơ hội cho việc xuất khẩu rau quả từ Việt Nam sang các trung tâm Metro trên thế giới...

Mục tiêu tăng trưởng

Bà Lê Ngọc Đào, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, cho biết sau thành công bình ổn được thị trường nội địa, mục tiêu của chương trình bình ổn năm nay sẽ chú trọng hỗ trợ các DN đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa. Đặc biệt, các hệ thống phân phối trong chương trình như Saigon Co.op, Lotte, Big C... sẽ làm đầu mối tiếp nhận hàng hóa bình ổn thị trường để xuất khẩu. “Tổng hạn mức tín dụng năm nay dành cho chương trình là khoảng 11.850 tỷ đồng, tăng 3.550 tỷ đồng so với 2014, lãi suất giảm từ 0,5 đến 2%. Đặc biệt, dưới sự gợi ý của thành phố, các ngân hàng đã đồng ý bổ sung thêm gói tín dụng hỗ trợ DN xuất khẩu với hạn mức 900 tỷ đồng, lãi suất 2 - 4% một năm. Với sự hỗ trợ kịp thời này, chúng tôi đang gởi một tín hiệu đầy lạc quan góp phần giúp hệ thống phân phối hiện đại đẩy mạnh tham gia xuất khẩu hàng Việt”, bà Đào nói.

Sau một năm thử nghiệm đầu tiên đạt doanh số khả quan từ hàng Việt Nam xuất khẩu, năm nay Lotte kỳ vọng doanh số sẽ tăng 50% từ nhóm xuất khẩu này. Còn hệ thống Saigon Co.op cũng tự tin đặt kỳ vọng doanh số tăng hơn 60% trong năm 2015. Riêng hệ thống siêu thị Aeon (Nhật Bản) dù mới góp mặt vào thị trường bán lẻ hiện đại Việt Nam nhưng cũng đã thành công khi xuất khẩu 60 triệu USD hàng Việt vào thị trường Nhật và các nước, trong đó chủ yếu là mặt hàng nông sản, thủy sản... Hiện DN đã làm việc với hơn 1.000 nhà cung cấp tại Việt Nam, đồng thời lên kế hoạch hợp tác cụ thể làm nhãn hàng riêng để tiêu thụ nội địa, xuất khẩu vào Nhật và các nước trong khu vực.

Theo các chuyên gia kinh tế, DN trong nước cần tận dụng cơ hội, tăng cường tiếp cận những nhà phân phối quốc tế để tìm kiếm, gia tăng cơ hội xuất khẩu sản phẩm của đơn vị mình như: hàng tiêu dùng, nông sản, thực phẩm chế biến... Để làm được điều này, DN cần có chương trình hành động bài bản, kiên trì theo đuổi các đối tác tiềm năng, xây dựng lòng tin cũng như chứng minh được năng lực hợp tác. Đặc biệt, phải xây dựng biện pháp nâng cao chất lượng sản phẩm của mình với đối tác và người tiêu dùng sở tại vì đây là yếu tố quan trọng nhất để có chỗ đứng trên thị trường, sau đó mới là giá cả. Chất lượng hàng hóa phải bảo đảm đúng những yêu cầu về chất lượng của mỗi quốc gia, khu vực cũng như đáp ứng những yếu tố nghiêm ngặt về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Lê Nghĩa
Lao động xuất khẩu: Đừng bỏ trốn sẽ lợi hơn
Lao động xuất khẩu: Đừng bỏ trốn sẽ lợi hơn

Những giải pháp đồng bộ và quyết liệt được Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) triển khai trong thời gian qua đã góp phần giảm đáng kể tỷ lệ lao động xuất khẩu tại Hàn Quốc trốn ở lại khi hết hạn hợp đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN