Sông Đồng Nai 'chết' - Vùng kinh tế trọng điểm cũng không còn

Nhiều kết quả nghiên cứu chất lượng nước sông Đồng Nai thời gian gần đây cho thấy, tình trạng ô nhiễm của đoạn sông ngày càng tăng, đe dọa nghiêm trọng đến khả năng cấp nước phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội của cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

 

Ô nhiễm và cạn kiệt


Theo Trung tâm quan trắc môi trường tỉnh Đồng Nai, ở thượng lưu sông Đồng Nai mặc dù chất lượng nguồn nước chưa đáng lo ngại, nhưng tình trạng khan hiếm nguồn nước đã xảy ra. Đặc biệt ở khu vực hạ lưu từ sau đập thủy điện Trị An, đập hồ Dầu Tiếng xuống đến cửa biển, nguồn nước nhiều nơi đã bị ô nhiễm nặng, chất lượng nguồn nước đang có chiều hướng suy giảm và thiếu nước sử dụng trong mùa khô. Điển hình nhất là trong mùa khô này, hàng loạt cư dân ở các huyện như: Tân Phú, Đinh Quán, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Thống Nhất... phải chật vật tìm nguồn nước phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất.


Cá bè nuôi trên sông Đồng Nai chết do nước bị ô nhiễm.

 

Ông Lê Viết Hưng, Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Đồng Nai cho biết, chất lượng nước trên sông Đồng Nai đoạn 3 (đoạn từ cầu Hóa An đến cầu Đồng Nai), phải xử lý ô nhiễm mới đủ khả năng cấp nước sinh hoạt vì hàm lượng các chất hữu cơ, sắt và vi khuẩn gây bệnh vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Đặc biệt, đoạn sông đi qua vị trí đặt Nhà máy nước Thủ Đức (Trạm bơm nước thô ở Hóa An) chất lượng nguồn nước chưa đủ yêu cầu cung cấp cho sinh hoạt của hàng triệu người dân TP Hồ Chí Minh.

 

Bảo vệ tài nguyên nước


Thạc sĩ Lâm Thị Thu Sửu, điều phối viên Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, cho rằng, tình trạng các sông ở Việt Nam, nhất là sông Đồng Nai hiện nay đang bị khai thác quá mức, đặc biệt khai thác để sử dụng cho các nhà máy thủy điện, nên làm cho dòng chảy của các con sông đó ngày càng cạn kiệt. Tình trạng cạn kiệt đó cộng với chất thải ở dưới hạ lưu làm cho ô nhiễm sông Đồng Nai thêm trầm trọng.


Sự suy giảm nguồn nước trở thành thách thức lớn trong bảo đảm an ninh nguồn nước cho phát triển bền vững. Để khắc phục tình trạng này, đòi hỏi phải có những biện pháp đồng bộ, có tính hệ thống và thực hiện kiên trì trên toàn lưu vực sông với quan điểm quản lý tổng hợp tài nguyên nước, quản lý suy giảm nguồn nước, khan hiếm nước. Mỗi tỉnh thành cần đầu tư hệ thống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt đô thị trước khi thải vào sông thay vì xả thải trực tiếp như hiện nay.


Cũng theo các nhà khoa học, để cứu lấy sông Đồng Nai vẫn chưa muộn, nếu ngay từ bây giờ các địa phương khẩn trương thực hiện “Đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2020” được Chính phủ phê duyệt từ tháng 12/2007, theo đó, 12 tỉnh, thành sẽ bắt tay triển khai 16 dự án trọng tâm thuộc đề án trên với tổng kinh phí gần 2.000 tỉ đồng.


16 dự án trọng tâm này nhằm một số mục tiêu chủ yếu như đến năm 2015 sẽ xử lý triệt để 90% cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn 12 tỉnh, thành lưu vực sông; đến năm 2020, 100% các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường và xử lý triệt để 95% cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đồng thời, các địa phương trên cần có những biện pháp kiên quyết để ngăn chặn kịp thời nạn phá rừng đầu nguồn, bảo vệ nghiêm ngặt hệ sinh thái trên lưu vực sông, nhanh chóng xử lý các nguồn nước thải ở các KCN, không cho xây dựng các nhà máy, các KCN và các công trình thủy điện ở đầu nguồn... để trả dần lại sự trong sạch cho dòng sông Đồng Nai.


Việc bảo vệ chất lượng nước sông Đồng Nai là vấn đề hết sức cấp thiết. Bởi nguồn nước con sông này đóng vai trò quyết định sự tồn tại và phát triển kinh tế - xã hội của gần 20 triệu người dân ở vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

 

Lê Hiền

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN