Nâng cao nhận thức sở hữu trí tuệ Việt Nam đã phát triển hệ thống pháp lý đầy đủ về sở hữu trí tuệ, phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế, tuy nhiên, để hệ thống pháp lý về sở hữu trí tuệ phát huy hiệu quả cần đẩy mạnh việc nâng cao nhận thức, tăng cường và sử dụng các quyền sở hữu trí tuệ, tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh góp phần thúc đẩy thương mại và đầu tư.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc khẳng định: Tài sản trí tuệ đóng vai trò ngày càng quan trọng. Ảnh: Ninh Đức Phương/TTXVN |
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc khẳng định: Tài sản trí tuệ đóng vai trò ngày càng quan trọng. Đối với doanh nghiệp, giá trị tài sản trí tuệ ngày càng lớn hơn so với giá trị các tài sản hữu hình khác, điều này được minh chứng qua các tập đoàn đa quốc gia như: Apple, Google, IMB... Do đó, việc nâng cao nhận thức để xây dựng, bảo vệ, khai thác và phát triển tốt tài sản trí tuệ là cơ sở để doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tối đa hóa lợi nhuận và phát triển bền vững, không chỉ đứng vững ở thị trường trong nước mà còn có sức lan tỏa mạnh mẽ đến các thị trường nước ngoài. Đây cũng là một trong những giải pháp cơ bản để phát triển, nâng cao tính cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam hiện nay.
Tại lễ ra mắt Dự án “Tăng cường hiệu quả thực thi và khai thác, phát triển giá trị quyền sở hữu trí tuệ đối với Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex)” mới diễn ra, bà Nguyễn Như Quỳnh, Phó Chánh Thanh tra Bộ Khoa học và Công nghệ, chủ nhiệm Dự án nhấn mạnh: Dự án nhằm nâng cao nhận thức chung của Vinatex và các doanh nghiệp thành viên về thực thi, xây dựng, phát triển giá trị quyền sở hữu trí tuệ, nâng cao năng lực khai thác và phát triển giá trị quyền sở hữu trí tuệ đối với một số nhãn hiệu của 5 công ty gồm: Tổng Công ty May 10, Tổng Công ty Đức Giang, Tổng Công ty Cổ phần Dệt May Hòa Thọ, Tổng Công ty Cổ phần may Việt Tiến, Tổng Công ty Cổ phần Phong Phú. Đồng thời, nâng cao hiệu quả thực thi quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp và nhận thức cộng đồng đối với việc người Việt Nam ưu tiên dùng hàng dệt may của các doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Trần Lê Hồng, Chánh Văn phòng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho rằng: Quyền sở hữu trí tuệ là nền tảng pháp lý cho tài sản trí tuệ của doanh nghiệp, tài sản trí tuệ ngày càng trở nên quan trọng nhưng việc xác định quyền sở hữu và tranh chấp liên quan tới tài sản trí tuệ ngày càng phức tạp nên việc nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ rất quan trọng. Tuy nhiên, sự độc quyền dựa trên quyền sở hữu trí tuệ sẽ làm tăng tính cạnh tranh, tài sản trí tuệ có thể là đối tượng độc đáo giúp sản phẩm, dịch vụ thu hút khách hàng…
Ông Trần Lê Hồng cũng cho rằng, việc tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về sở hữu trí tuệ và đổi mới sáng tạo rất quan trọng. Bên cạnh đó, để từng bước định hình và giải quyết các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ cũng nên được bắt đầu từ nhà trường và các trường đại học.
Phát triển giá trị quyền sở hữu trí tuệ Ông Đinh Hữu Phí, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ cho biết: Giai đoạn 2018-2019, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) chú trọng duy trì và phát triển các hệ thống đăng ký quốc tế sở hữu công, đặc biệt là ứng dụng công nghệ thông tin, tạo dựng môi trường thuận lợi cho người sử dụng trên phạm vi toàn cầu, đơn giản hóa thủ tục, tăng năng suất xử lý đơn. Theo đó, Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh hợp tác với WIPO, để thúc đẩy phát triển giá trị quyền sở hữu trí tuệ, thúc đẩy thương mại và đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng là định hướng phát triển sở hữu trí tuệ của Việt Nam, trong bối cảnh ngày càng có nhiều nhà đầu tư, kinh doanh nước ngoài quan tâm đến thị trường Việt Nam.
Hiện nay, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, hội tụ nhiều công nghệ mới như cơ sở dữ liệu lớn, kết nối vạn vật (Internet of Things), trí tuệ thông minh nhân tạo... Đây là cơ hội nhưng cũng là thách thức trong phát triển giá trị quyền sở hữu trí tuệ. Quyền sở hữu trí tuệ sẽ trở thành công cụ quyết định sức mạnh cạnh tranh của công nghệ đối với các chủ thể khiến mọi tổ chức, doanh nghiệp phải tìm mọi cách tạo ra, nắm và sở hữu tài sản trí tuệ để phát triển bền vững.
Tại lễ ra mắt Dự án “Tăng cường hiệu quả thực thi và khai thác, phát triển giá trị quyền sở hữu trí tuệ đối với Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex)”, ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Vinatex nhấn mạnh: Chiến lược phát triển ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đến năm 2015, định hướng đến năm 2020 đã xác định mục tiêu tổng quát phát triển ngành Dệt may Việt Nam trở thành một trong những ngành công nghiệp trọng điểm, mũi nhọn về xuất khẩu, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu tiêu dùng trong nước, nâng cao khả năng cạnh tranh, hội nhập khu vực và thế giới.
Tuy nhiên, do chưa chú trọng giá trị quyền sở hữu trí tuệ, các doanh nghiệp dệt may phải thường xuyên đối diện với nạn hàng nhái, hàng giả. Tại thị trường nước ngoài, các sản phẩm dệt may Việt Nam đang bị cạnh tranh gay gắt bởi các hàng rào thương mại với các chính sách bảo hộ hàng nội địa của nhiều quốc gia. Thực tế này yêu cầu Vinatex và các đơn vị thành viên phải có định hướng chiến lược để nâng cao hiệu quả các tài sản trí tuệ, trong đó, xây dựng được những thương hiệu dệt may mạnh, nâng cao và phát triển giá trị của các thương hiệu, bảo vệ môi trường cạnh tranh lành mạnh được xác định là những vấn đề then chốt.
Không chỉ ngành dệt may mà các ngành khác của Việt Nam cũng bị cạnh tranh do chưa chú trọng đến giá trị quyền sở hữu trí tuệ, vì vậy, để hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp... Cục Sở hữu trí tuệ triển khai nhiều giải pháp, đồng thời đẩy mạnh xây dựng Chiến lược Sở hữu trí tuệ quốc gia trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó, tập trung xây dựng, phát triển hệ thống sở hữu trí tuệ Việt Nam trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để phát huy được tiềm năng, giá trị của tài sản trí tuệ phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.