Hiện cơ quan chuyên môn đang tiến hành các biện pháp khắc phục cũng như hướng dẫn nông dân chăm sóc cứu chữa những diện tích bị ảnh hưởng.
Tại huyện Lạc Dương có khoảng 3.500 hec ta cây cà phê thì có tới 20 - 30% diện tích bị ảnh hưởng bởi hiện tượng sương muối; trong đó, một số diện tích bị chết khô hoàn toàn và nhiều diện tích bị chết cháy 1/3 cành phía trên thân cây. Xã Đạ Chais có khoảng 150 ha và xã Đạ Sar có khoảng trên 10 hec ta cà phê bị sương muối làm héo cành, hư hại.
Chị Liêng Giang K’Sáu - Chủ tịch hội nông dân xã Đa Sar, huyện Lạc Dương cho biết, kể từ năm 2015 đến nay, đây là đợt sương muối ảnh hưởng nặng nhất đến sản xuất nông nghiệp với các cây như cà phê, đậu; trong đó, những vườn bị ảnh hưởng thường nằm ở vị trí ẩm thấp, dưới chân đồi. Ước tính mỗi vườn thiệt hại từ 25 - 30%.
Hiện các địa phương, ngành nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng đang tiến hành thống kê diện tích cà phê bị chết hoặc có dấu hiệu ngừng sinh trưởng và tập trung chủ yếu trên địa bàn huyện Lạc Dương.
Theo ông Hoàng Xuân Hải - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Lạc Dương, hiện chưa có thống kê thiệt hại cụ thể nhưng đã có hàng trăm héc ta cây cà phê bị sương muối “tấn công”. Hiện Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lạc Dương đang phối hợp với các cấp chính quyền tuyền truyền phương pháp để khắc phục hậu quả của sương muối.
Để cứu lượng cà phê có thể chết trong thời gian tới, ông Hải chia sẻ, chỉ có cách tưới nước rửa sương muối khỏi lá khi trời chưa nắng gắt. Tuy nhiên, rất khó để thực hiện vì tại một số khu vực của huyện, nông dân không có thói quen tưới cà phê hay tích trữ nước tưới. Bên cạnh giải pháp trồng cây che bóng là giải pháp tưới nước, tủ gốc, hun khói làm giảm bức xạ từ hơi đất khi trời lặng gió, nhiệt độ xuống thấp, ẩm độ cao.