Người tiêu dùng được hưởng lợi do hàng hoá và dịch vụ phong phú hơn và giá rẻ hơn. Tuy vậy, trong thời gian tới nhiều lao động của nước ta có thể bị ảnh hưởng, đặc biệt là lao động ít kỹ năng sẽ chịu tác động mạnh mẽ của quá trình tự động hoá đang tăng tốc. Xác định vị trí, những thách thức và cơ hội của Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đem đến những gợi mở về cách tiếp cận tốt nhất cho nước ta đối với cuộc cách mạng công nghiệp này.
Vị trí của Việt Nam ở nhóm đang trong giai đoạn quá độ
Trong khoảng 2 năm trở lại đây, tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đến nền kinh tế cũng như xã hội trở nên rõ rệt hơn ở Việt Nam. Từ sự phổ biến ngày càng rộng rãi của phương thức kinh tế chia sẻ như: Uber, Grab trong lĩnh vực vận tải hay Airbnb trong lĩnh vực lưu trú, cho đến phương thức bán hàng trực tuyến thông qua các nền tảng của Facebook, Lazada… Cũng như sự phát triển nhanh chóng của điện mặt trời, điện gió… Hay cách thức người dân trao đổi, tương tác thông qua các mạng truyền thông xã hội đã minh chứng rõ nét về tác động của cách mạng công nghiệp 4.0 đến những mặt khác nhau của kinh tế-xã hội ở Việt Nam
Bởi vậy, Chính phủ đã có Chỉ thị 16/Ct-TTg ngày 4/5/2017 về tăng cường năng lực tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0 của Việt Nam, trong đó có yêu cầu các cơ quan đánh giá những cơ hội và thách thức của đất nước nói chung và các ngành, lĩnh vực nói riêng trong bối cảnh mới của tiến bộ công nghệ.
Báo cáo của Ngân hàng thế giới năm 2016 đã xếp hạng các quốc gia trên thế giới trong quá trình chuyển đổi số, các nước trên thế giới được chia làm 3 nhóm theo thứ tự tăng dần về mức độ chuyển đổi số: mới bắt đầu, quá độ, chuyển đổi. Đồng thời các nước cũng được phân loại làm 4 nhóm theo mức thu nhập bình quân đầu người gồm thu nhập thấp, thu nhập trung bình thấp, thu nhập trung bình cao, thu nhập cao.
Việt Nam hiện đang được xếp ở nhóm nước đang trong giai đoạn quá độ của quá trình chuyển đổi số và cũng có vị trí cao hơn so với nhóm các nước thu nhập trung bình thấp. Như vậy, công nghệ và các yếu tố bổ trợ ở Việt Nam đi khá đều nhau, không có hiện tượng nhóm yếu tố này đi quá nhanh so với nhóm yếu tố kia.
Vị trí vượt trội của Việt Nam trong quá trình chuyển đổi số trong tương quan so sánh với các nước có trình độ phát triển tương đồng, tức là các nước có thu nhập trung bình thấp, cũng như năng lực của lớp trẻ Việt Nam về toán là minh chứng cho điều đó. Thúc đẩy quá trình chuyển đổi cần phải là chiến lược xuyên suốt để thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững và mang tính bao trùm ở Việt Nam.
Dù có vị trí khá tích cực trong tương quan với các nước có cùng trình độ phát triển, nhưng Việt Nam vẫn ở trong nhóm quá độ trong quá trình số hóa và cần phải có nhiều nỗ lực để có thể nắm bắt cơ hội trong cuộc cách mạng số - nội dung cốt lõi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nếu công nghệ đi quá nhanh so với các yếu tố bổ trợ, ví dụ như khi kỹ năng không theo kịp thì có thể gây xáo trộn trên thị trường lao động. Hay trong trường hợp phương thức kinh tế chia sẻ, việc thiếu các qui định điều tiết phù hợp đối với Uber, Grab trong lĩnh vực vận tải khách đô thị hay Airbnb trong lĩnh vực lưu trú đã dẫn đến những xung đột lợi ích ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Tiến sĩ Nguyễn Thắng, Trung tâm Phân tích và Dự báo – Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cho biết: Liên quan đến năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp, nghiên cứu gần đây về mức độ sẵn sàng tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0 của các doanh nghiệp thuộc các ngành công nghiệp do Bộ Công Thương cho thấy, chỉ có một tỷ lệ nhỏ các doanh nghiệp công nghiệp của Việt Nam đã bắt đầu ứng dụng các công nghệ điển hình của cách mạng công nghiệp 4.0.
Theo đó, chỉ có 1,3% doanh nghiệp công nghệ của Việt Nam đang áp dụng trí tuệ nhân tạo; 0,5% đang áp dụng phân tích và quản trị dữ liệu (Big Data); 0,9 % áp dụng công nghệ in 3D… Chỉ có điện toán đám mây và kết nối thiết bị với thiết bị/sản phẩm được trên 10% tổng số các doanh nghiệp ứng dụng. Với các công nghệ khác, tỷ lệ này ở dưới mức 10%.
Đối với điện toán đám mây, công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có tỷ lệ sử dụng cao nhất, có sự khác biệt giữa các nhóm doanh nghiệp về tỷ lệ áp dụng, tỷ lệ sử dụng có xu hướng tăng lên khi qui mô tăng lên. Đối với hình thức sở hữu, tỷ lệ này không khác biệt nhiều giữa nhóm doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp tư nhân trong nước.
Đặc biệt, yếu tố trang bị vốn cho một lao động không có ảnh hưởng gì đến việc doanh nghiệp có sử dụng công nghệ điện toán đám mây hay không. Trong khi đó, các yếu tố như tỷ lệ người lao động có sử dụng máy vi tính và doanh nghiệp có sử dụng internet để quản lý vận hành doanh nghiệp, là những yếu tố tác động đến việc doanh nghiệp có sử dụng điện toán đám mây.
Tối đa hoá cơ hội, giảm thiểu thách thức
Việt Nam đang là điểm đến ưa thích của làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) mới, qua đó tham gia nhiều hơn vào các chuối giá trị toàn cầu, là một “công xưởng lắp ráp” mới của nền kinh tế thế giới. Sự phát triển nhanh chóng của các ngành công nghiệp chế tạo thâm dụng lao động có định hướng xuất khẩu đang có tác động đáng kể đến quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Quá trình này giúp Việt Nam rút lao động ra khỏi nông nghiệp để chuyển sang làm việc trong các ngành công nghiệp và dịch vụ với năng suất và thu nhập cao hơn, qua đó mở ra nhiều cơ hội để đất nước thực hiện hiệu quả quá trình tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chuyển sang quỹ đạo tăng trưởng nhanh và bền vững hơn.
Song cơ hội đó của Việt Nam đang bị thu hẹp dưới tác động của cuộc cách mạng công nghệ đang tăng tốc, với đặc trưng cơ bản là sự kết nối ngày một chặt chẽ giữa thế giới thực và không gian số. Trong trung đến dài hạn, công nghệ và đổi mới sáng tạo đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu, bắt đầu phá vỡ nhiều phương thức sản xuất truyền thống trong nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ, tạo ra những cơ hội và thách thức mới tác động mạnh mẽ đến tăng trưởng và bất bình đẳng cũng như giảm nghèo ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Nhà nghiên cứu Phạm Thị Thu Lan, Viện Công nhân và Công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: Cách mạng công nghiệp 4.0 đòi hỏi chuyển đổi nguồn nhân lực từ lao động tay chân sang lao động trí thức. Nguồn nhân lực Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng cho nền kinh tế tri thức. Việt Nam được xếp vào nước có năng suất lao động thấp, nguồn nhân lực qua đào tạo chỉ đạt 20%, lao động khi được tuyển dụng thường phải được doanh nghiệp đào tạo lại để đáp ứng yêu cầu công việc.
Thực tế, đa số việc làm ở Việt Nam là việc làm giản đơn, lao động tay chân. Chỉ có 10% số việc làm là công việc có chuyên môn hay trong vị trí quản lý. Với trình độ kỹ năng hạn chế của lực lượng lao động như hiện nay, người lao động sẽ khó khăn trong việc thích ứng với các loại công việc làm mới, đòi hỏi tri thức của công nghiệp 4.0. Tuy vậy, thời kỳ chuyển đổi luôn có sự tiếp nối và giao thoa của các thế hệ nếu Việt Nam biết đầu tư đúng hướng cho thế hệ lao động tiềm năng đang ngồi trên ghế nhà trường từ bây giờ, nguồn lao động của nước ta sẽ thích ứng được với công nghiệp 4.0.
Theo phân tích của Tiến sỹ Nguyễn Thắng, ở Việt Nam, năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời đã có những đột phá rõ rệt. Tuy hiện nay công suất của các dự án đang hoạt động trong các lĩnh vực điện gió và điện mặt trời còn khá khiêm tốn song số lượng và công suất của các dự án đăng ký tăng vọt. Về mặt địa lý, một số địa phương có nhiều năng và gió ở miền Trung như Ninh Thuận, Bình Thuận, Đăklak, Khánh Hoà hay ở miền Nam như Tây Ninh đang đứng trước những cơ hội lớn để phát triển các loại hình năng lượng này.
Để tối đa hoá những cơ hội, giảm thiểu những thách thức, Việt Nam cần giải quyết tốt ba bài toán lớn. Thứ nhất là đảm bảo thể chế không bị tụt lại trong cuộc chạy đua với công nghệ để mở đường cho các công nghệ và phương thức sản xuất mới đi vào cuộc sống. Những mâu thuẫn nảy sinh liên quan đến phương thức chia sẻ như Uber hai Airbnb trên thế giới cũng như ở Việt Nam là những minh chứng. Thứ hai là phải có cách thức thúc đẩy để đảm bảo kỹ năng không bị tụt lại so với công nghệ. Nếu không sẽ dẫn đến những bất ổn xã hội do có một nhóm ít kỹ năng sẽ tụt lại phía sau. Thứ ba, không thể thúc đẩy công nghệ nếu những vấn đề cơ cấu vẫn còn tồn đọng và những cơ chế thị trường cơ bản chưa được xác lập.
Nếu tận dụng tốt cơ hội và vượt qua được các thách thức, Việt Nam sẽ có khả năng thu hẹp khoảng cách phát triển với các nước tiên tiến hơn, sớm thực hiện được mục tiêu trở thành nước công nghiệp hoá theo hướng hiện đại. Trong trường hợp ngược lại, khoảng cách phát triển với các nước đi trước sẽ tiếp tục gia tăng.