Tái cơ cấu đầu tư công: Vốn công sẽ nhường “sân” cho vốn tư

Trả lời trực tuyến trên Cổng thông tin Chính phủ điện tử (chinhphu.vn) chiều 16/3, định hướng về vấn đề tái cơ cấu và phân cấp đầu tư công, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Bùi Quang Vinh cho biết, trong thời gian tới, vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước sẽ giảm dần, vốn đầu tư tư nhân sẽ tăng lên. Đối với phân cấp đầu tư, các bộ, ngành, địa phương sẽ chịu trách nhiệm về quyết định cấp phép đầu tư.

Vốn công giảm, vốn tư tăng

Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, tái cơ cấu đầu tư công là một nội dung chính trong tái cơ cấu mà Nghị quyết TƯ 3 đã đề ra. Vốn nhà nước sẽ tập trung vào ngành nghề mang tính chất dịch vụ công, những dự án ở vùng sâu vùng xa đặc biệt khó khăn. Còn lại, đầu tư tư nhân sẽ được mở rộng tham gia ở nhiều lĩnh vực khác mà Nhà nước không cần nắm giữ vốn.

Quang cảnh buổi trả lời trực tuyến. Nguồn: Chinhphu.vn


Trước đây, tỉ trọng đầu tư của Nhà nước lớn hơn đầu tư tư nhân là do kinh tế tư nhân chưa mạnh, trong mọi lĩnh vực sản xuất, đầu tư chủ yếu vẫn phải dựa vào ngân sách nhà nước. Nhưng gần đây, cùng với việc Nhà nước chủ trương phát triển nhiều thành phần kinh tế thì kinh tế tư nhân đã phát triển mạnh mẽ, góp phần quan trọng trong nền kinh tế. Đầu tư của khu vực tư nhân đang dần chiếm tỉ trọng cao trong nền kinh tế.

Trên thực tế, những năm gần đây, đầu tư công đang giảm dần và tư nhân tăng lên. Nếu như giai đoạn 2001 - 2005, tỷ trọng của đầu tư nhà nước chiếm 53,4% tổng đầu tư toàn xã hội, khối tư nhân chỉ chiếm 32,6% thì trong giai đoạn 2011 - 2015, phấn đấu giảm tỷ trọng đầu tư công xuống 37 - 39%, còn đầu tư từ khối tư nhân sẽ tăng lên 45 - 46%. Nhà nước sẽ có cơ chế, chính sách huy động nguồn lực nhiều hơn từ các thành phần kinh tế ngoài nhà nước tham gia đầu tư, kể cả vào kết cấu hạ tầng.

Sẽ quản lý chặt phân cấp đầu tư

Khẳng định chủ trương phân cấp đầu tư là đúng đắn, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT cho rằng, việc phân cấp đã tạo sự chủ động của các bộ, ngành, địa phương trong cấp phép đầu tư. Tuy nhiên khi triển khai thực hiện, Bộ KH&ĐT cũng thấy hiện tượng đầu tư dàn trải, gây lãng phí và tốn kém các nguồn lực. Chính vì vậy, tháng 10/2011, Bộ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị 1792, thay đổi cách quản lý về đầu tư công.

Theo đó, thứ nhất, xác định lại trách nhiệm của người ký quyết định phê duyệt đầu tư. Chỉ thị 1792 quy định: khi bộ, ngành, địa phương ký quyết định đầu tư phải đảm bảo có đủ vốn để công trình triển khai và hoàn thành theo tiến độ. Ví dụ công trình nhóm C không quá 3 năm, nhóm B không quá 5 năm;

Thứ hai, quan điểm phân cấp đầu tư cho các bộ, ngành, địa phương vẫn tiếp tục nhưng phải có quản lý, giám sát. Nghĩa là tới đây các bộ, ngành, địa phương muốn đầu tư công trình, dự án phải báo cáo qua Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính để đánh giá tính hiệu quả, cân đối nguồn vốn, từ đó đề xuất Chính phủ cho triển khai. Khác với trước đây, địa phương cứ ký đầu tư và Chính phủ phải lo vốn. Nay, Chính phủ giao hai Bộ (KH&ĐT và Tài chính) sẽ “gác cửa” việc này.

Để quản lý chất lượng đầu tư, Chính phủ đưa ra những tiêu chí rất chặt chẽ. Bộ, ngành, địa phương phải giải trình tính cấp thiết, hiệu quả của dự án. Bên cạnh đó, việc khởi công công trình nhóm B phải bố trí vốn trong năm đầu, không được thấp hơn 20% tổng giá trị, nhóm C không được dưới 35%.

Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, ngay trong quý II/2012, Chính phủ sẽ xây dựng một nghị định về đầu tư trung hạn. Theo đó, Chính phủ sẽ công khai công bố mức vốn đầu tư cấp cho bộ, ngành, địa phương trong giai đoạn 5 năm. Từ đó bộ, ngành, địa phương phải lựa chọn những công trình thật tập trung, thật cần thiết để đầu tư. Các địa phương lên danh mục đầu tư rồi sau đó gửi về Bộ KH&ĐT thẩm định các tiêu chí rồi mới trình Chính phủ cho phép triển khai. “Việc công khai nguồn vốn cho các bộ, ngành, địa phương trong trung hạn là cách làm mới của Bộ KH&ĐT, việc này nhằm giảm nạn xin - cho vốn và dự án”, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nhấn mạnh.

Xuân Hương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN