Làm thế nào để nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững đúng với vai trò và vị trí của nó, tạo nền tảng vững chắc cho nền kinh tế quốc dân, tạo động lực tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng? Câu hỏi này đặt ra cho ngành nông nghiệp Việt Nam nhiệm vụ: Phải đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu.
Những mô hình hiệu quả Ông Dương Quốc Xuân, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ cho biết, thời gian qua các tỉnh khu vực vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã và đang triển khai mạnh mẽ quá trình tái cơ cấu nông nghiệp. Dựa trên cơ sở điều kiện tự nhiên và thế mạnh của từng địa phương, nhiều mô hình mang lại hiệu quả thiết thực như “cánh đồng mẫu lớn”, “lúa - tôm”, sản xuất trái cây theo tiêu chuẩn GAP... đã xuất hiện tại nhiều địa phương. Từ thành công này, các mô hình đã được nhân rộng ra tại khu vực ĐBSCL và các địa phương khác trên cả nước mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người nông dân, giúp họ tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
Tăng trưởng nông nghiệp trong thời gian qua vẫn chủ yếu theo hướng tăng diện tích, tăng vụ. Ảnh: Thế Duyệt - TTXVN
|
Mô hình “cánh đồng mẫu lớn” (CĐML) là một điển hình trong việc cụ thể hóa chủ trương xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng. Được triển khai lần đầu tiên tại khu vực ĐBSCL năm 2011, đặc biệt là ở các tỉnh có thế mạnh về sản xuất lúa như An Giang, Đồng Tháp..., đến nay tổng diện tích mô hình này là 134.000 ha và đang được nông dân các địa phương hưởng ứng mạnh mẽ. Đặc biệt, mô hình có sự tham gia và liên kết chặt chẽ của “4 nhà” (nhà nước, nhà khoa học, doanh nghiệp và nông dân) tạo nên sức mạnh tập thể trong sản xuất nông nghiệp.
Ông Huỳnh Văn Thòn, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang, cho biết: Khi tham gia mô hình CĐML, nông dân được hướng dẫn sử dụng giống xác nhận, giống lúa có năng suất, chất lượng cao, ứng dụng kỹ thuật mới trong sản xuất… Nhờ đó, năng suất lúa đạt bình quân từ 65 - 70 tạ/ha/vụ, chi phí sản xuất và giá thành giảm hơn so với ngoài mô hình, nông dân có lợi nhuận từ 14 - 18 triệu đồng/ha/vụ, cao hơn bên ngoài mô hình từ 2 - 3 triệu đồng/ha/vụ.
Các hình thức tham gia mô hình khá đa dạng như doanh nghiệp cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân với lãi suất 0%, sau khi thu hoạch nông dân được hỗ trợ chi phí vận chuyển, sấy và lưu kho trong 30 ngày. Hoặc doanh nghiệp cung ứng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho nông dân với lãi suất 0%, sau khi thu hoạch thu mua lúa với giá cao hơn giá thị trường 100-150 đồng/kg... Các doanh nghiệp tham gia thực hiện rất tốt mô hình này phải kể đến Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang, Công ty cổ phần phân bón Bình Điền, Công ty Trang trại nông nghiệp sinh thái Kiên Giang... Chỉ tính riêng Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang, trong những năm qua đã xây dựng được hơn 12.000 mô hình trên đồng ruộng để “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” với nông dân; xây 5 nhà máy chế biến gạo ở khu vực ĐBSCL để tiêu thụ lúa cho nông dân, mở ra hướng đi mới trong xây dựng nông nghiệp bền vững.
Ngoài lúa gạo, ĐBSCL còn là vùng nuôi trồng thủy sản (tôm, cá tra, cá ba sa) lớn nhất nước ta hiện nay với sản lượng chiếm 58% cả nước; riêng tôm chiếm 80% và đóng góp trên 60% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của cả nước. ĐBSCL hiện có diện tích nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ khoảng 890.000 ha; diện tích nuôi trồng thủy sản nước ngọt khoảng 480.000 ha. Bên cạnh đó, đây còn là vùng đất truyền thống trồng cây ăn trái với diện tích khoảng 288.000 ha với sản lượng hàng năm đạt 3,1 triệu tấn phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Các mô hình liên kết trong sản xuất thủy sản, trồng cây ăn trái cũng đang được nông dân các địa phương triển khai mạnh mẽ...
Chất lượng tăng trưởng được cải thiệnTheo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Cao Đức Phát, ngành nông nghiệp đã chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện 12 Đề án cụ thể hóa chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp (TCCNN) trong các lĩnh vực (trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản, chế biến nông lâm thủy sản, thủy lợi) và các nhóm giải pháp chính xuyên suốt (đổi mới cơ chế chính sách; tái cơ cấu đầu tư công; phát triển nghiên cứu và chuyển giao khoa học kỹ thuật; tổ chức lại sản xuất; đào tạo nguồn nhân lực; tăng cường năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước).
Bộ NN&PTNT đã, đang tham mưu để Chính phủ ban hành nhiều chính sách quan trọng về quản lý đất lúa, phát triển chăn nuôi nông hộ, phát triển thủy sản, bảo vệ và phát triển rừng, hỗ trợ xóa đói giảm nghèo trong đồng bào dân tộc. Đẩy mạnh cơ giới hóa, giảm tổn thất sau thu hoạch, đổi mới nông, lâm trường quốc doanh, phát triển hợp tác xã, liên kết trong nông nghiệp. TCCNN đã góp phần quan trọng vào kết quả sản xuất, kinh doanh của toàn ngành.
Để đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng: Ngành đang tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, tạo sự quyết tâm trong toàn ngành. Triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu từng lĩnh vực và các kế hoạch chuyên đề phục vụ tái cơ cấu theo các lĩnh vực chuyên ngành và tại địa phương. Tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách. Tăng cường công tác nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ. Phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả, trong đó thu hút và phát triển các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp là khâu đột phá. Ngành thực hiện tái cơ cấu đầu tư công, đẩy mạnh thu hút đầu tư tư nhân. Đào tạo nghề cho nông dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp…
Thành Trung - Viết Tôn