Tận dụng cơ hội khi gia nhập cộng đồng kinh tế ASEAN

Khi Việt Nam tham gia cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015, các doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội kinh doanh mới, nhất là tham gia các chuỗi giá trị, mạng lưới sản xuất trên toàn cầu. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp lo lắng khi hàng hóa Việt Nam sẽ khó cạnh tranh hơn.


Cơ hội đẩy mạnh xuất khẩu


Hôm qua (12/8), Viện Nghiên cứu kinh tế ASEAN và Đông Á (ERIA) phối hợp cùng Bộ Công Thương tổ chức hội thảo “Nâng cao vị thế của Việt Nam hướng về cộng đồng kinh tế ASEAN 2015 và sau 2015”. Nội dung hướng tới là việc trao đổi kinh nghiệm, sáng kiến nhằm tận dụng lợi thế của cộng đồng kinh tế ASEAN đối với việc phát triển kinh tế.

 

Hàng Việt sẽ phải cạnh tranh nhiều hơn với các nước ASEAN. Ảnh:Quang Quyết-TTXVN


Theo đánh giá của Bộ Công Thương, thị trường ASEAN nổi lên là thị trường xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam khi kim ngạch xuất khẩu tăng từ khoảng 9 tỷ USD năm 2003 lên gần 40 tỷ USD vào năm 2013. Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu giai đoạn 2003 - 2013 trung bình đạt 17,7%. Tuy nhiên, xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN chủ yếu là nông sản, hải sản và khoáng sản thô. Những mặt hàng này tuy hầu hết đều được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi tại các nước nhập khẩu nhưng do có giá trị thấp, giá cả phụ thuộc vào biến động trên thế giới, nên kim ngạch xuất khẩu không ổn định.


Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, với việc các nước tham gia AEC, ASEAN sẽ trở thành một thị trường đơn nhất, một không gian sản xuất chung, hướng tới sự phát triển năng động và cạnh tranh hơn; tạo ra những cơ hội mới cho doanh nghiệp Việt Nam như cơ hội về cắt giảm thuế quan, hưởng lợi ích từ việc áp dụng các thuận lợi hóa thương mại. Từ những thuận lợi đó, doanh nghiệp Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang ASEAN những mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong kim ngạch xuất khẩu như: điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; phương tiện vận tải và phụ tùng; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác, sắt thép các loại.


Ông Lê Lương Minh, Tổng thư ký ASEAN nhấn mạnh từ khi tham gia vào ASEAN, Việt Nam đã có những bước tăng trưởng mạnh mẽ đặc biệt là về kinh tế nhờ đẩy mạnh quá trình xúc tiến đầu tư, tăng cường xuất khẩu giữa các thị trường nội khối. Cũng theo ông Minh, từ nay đến năm 2015 và những năm sau 2015, cộng đồng ASEAN còn nhiều việc phải làm, đặc biệt là việc loại bỏ hàng rào thuế quan, thúc đẩy đầu tư để trở thành khu vực đầu tư hấp dẫn, phát triển nền kinh tế chung làm giảm khoảng cách giàu nghèo giữa các quốc gia trong khu vực.


Lo ngại sức cạnh tranh của doanh nghiệp


TS. Ponciano S. Intal Jr., nghiên cứu viên cao cấp ERIA, cho rằng, ASEAN đang là địa chỉ thu hút đầu tư mạnh trên thế giới và đã tăng lên 8% vào năm 2013. Điều này cũng đã làm giảm khoảng cách về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào ASEAN so với Trung Quốc giảm mạnh. Trong quá trình đó, Việt Nam đang thể hiện được phần nào sự hấp dẫn đó khi xuất hiện những tập đoàn lớn đầu tư vào như Samsung, Intel. Để tăng cường hội nhập, khả năng cạnh tranh khi vào AEC, theo ông TS. Ponciano S. Intal Jr., Việt Nam nên có các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp trong nước đầu tư cho nghiên cứu phát triển hơn bởi điều đó sẽ mang lại chuyển giao công nghệ tốt hơn từ đó cạnh tranh cao hơn.


Dẫn kết quả một cuộc khảo sát gần đây, TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho biết, ở Việt Nam có đến 71% doanh nghiệp nhỏ và vừa đang tham gia mạng sản xuất ở Đông Á (như xuất nhập khẩu máy móc, sản xuất hàng hóa…). Điều đó cho thấy, doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia khá sâu vào mạng lưới sản xuất toàn cầu (đó là còn chưa tính đến các tập đoàn như Intel, Samsung… đầu tư ở Việt Nam). Tuy nhiên, ông Thành cũng cho biết, hiện phần lớn doanh nghiệp nghi ngờ về việc hoàn thành các mục tiêu của ASEAN đặt ra khi tiến tới AEC. Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa thậm chí rất lo ngại về khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.


Theo đại diện Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa, hiện nay, hàng Việt Nam khó cạnh tranh với mặt hàng xuất xứ từ Trung Quốc, Thái Lan… tại các nước ASEAN bởi cùng một chủng loại nhưng giá cả, mẫu giá hàng Trung Quốc, Thái Lan cạnh tranh tốt hơn. Chưa kể đến, khi AEC chính thức được hình thành, theo cam kết 100% thuế suất đối với hàng hóa thông thường từ các nước ASEAN sẽ được Việt Nam dỡ bỏ, thị trường sẽ cạnh tranh quyết liệt hơn. Khi đó, thị trường ASEAN sẽ như chiếc bình thông nhau, không chỉ hàng hóa xuất khẩu đi mà ngay tại thị trường trong nước hàng Việt cũng khó cạnh tranh.

 

T.Hường

Hàng Việt lên ngôi, người tiêu dùng bớt “sính ngoại”
Hàng Việt lên ngôi, người tiêu dùng bớt “sính ngoại”

Sau nhiều năm, thị trường vùng cao biên giới Lào Cai bị các mặt hàng Trung Quốc nói riêng và nước ngoài nói chung chiếm lĩnh hầu hết thị phần cung ứng các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu từ bình dân đến cao cấp...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN