Các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm cũng sẵn sàng lựa chọn và thu mua tôm sinh thái với giá cao để chế biến, xuất bán ra thị trường.
Đây là sản phẩm an toàn và hiệu quả của cả người nuôi lẫn doanh nghiệp trước những biến động giá tôm nguyên liệu trong thời gian qua, cũng là hướng đi bền vững trong chiến lược phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường.
Bài 1: Sự lựa chọn tối ưu
Phát triển nuôi tôm sinh thái vừa mang lại hiệu quả kinh tế, cũng là sự lựa chọn tối ưu hiện nay của cả doanh nghiệp và nông dân.
Nhiều chuyên gia kinh tế nhìn nhận, sản xuất gắn với các tiêu chí an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng và đi đôi với bảo vệ môi trường là xu hướng hiện nay. Dù năng suất không thể so sánh với loại hình nuôi tôm thâm canh, nhưng tôm sinh thái luôn được lựa chọn thu mua với giá cao.
Làm chơi ăn thiệt
Các chuyên gia ngành tôm nhận xét, so với nuôi tôm công nghiệp, nuôi tôm sinh thái có nhiều điểm khác biệt. Nuôi tôm công nghiệp cần sự đầu tư lớn về kinh phí như thức ăn, hệ thống xử lý nước thải, chi phí thuốc điều trị dịch bệnh trên tôm và mật độ thả nuôi rất dày.
Trong khi đó, nuôi tôm sinh thái trong rừng ngập mặn, hoặc tôm lúa lại được thả với mật độ thưa, chi phí đầu tư thấp, không tốn nhân công, giá doanh nghiệp thu mua cao hơn so với tôm nuôi công nghiệp.
Đặc biệt là có sự liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế như: Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), Tổ chức hợp tác phát triển Đức (GIZ), Tổ chức phục hồi rừng ngập mặn dựa vào nuôi tôm bền vững và phát thải của tổ chức phát triển Hà Lan (MAM),…
Theo ông Đinh Xuân Lập, Phó Giám đốc Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững, nuôi tôm sinh thái đã tạo việc làm cho hơn 700.000 lao động khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, chiếm 45% kim ngạch xuất khẩu thủy sản cả nước năm 2017.
Cho đến thời điểm này, nghề nuôi tôm sinh thái luôn được ổn định bởi khởi nguồn của tôm sinh thái là tận dụng diện tích mặt nước dưới tán rừng, hoặc trên đồng ruộng giãn vụ để sản xuất.
Với nuôi tôm sinh thái, người nuôi không đầu tư nhiều về thức ăn thủy sản, thuốc thủy sản để điều trị dịch bệnh, chi phí cho xử lý nước thải sau thu hoạch tôm,…
Tính tổng những chi phí này, người nuôi giảm giá thành trong nuôi tôm đến hơn 50%, trong khi giá bán ra cho các doanh nghiệp cao hơn tôm nuôi công nghiệp từ 20.000 - 30.000 đồng/kg. Người nuôi lại không mất thời gian chăm sóc, con tôm lớn lên tự nhiên, chất lượng cao.
Trong thời gian chờ giãn vụ lúa hoặc canh giữ rừng ngập mặn phòng hộ, người nuôi tôm chỉ tăng thêm thu nhập mà không mất thêm thời gian. Đây là cách người nuôi tôm sinh thái “làm chơi” mà “ăn thiệt” sau mỗi đợt thu hoạch tôm.
Qua khảo sát các nông dân nuôi tôm sinh thái tại các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, hầu hết người nuôi đều phấn khởi với nguồn thu nhập ổn định. Đặc biệt, con tôm này ít xảy ra dịch bệnh và chết hàng loạt, người nuôi không sống với nỗi lo mất mùa tôm như nuôi tôm thâm canh.
Ông Võ Hồng Ngoãn, người nuôi 10 ha tôm sinh thái tại xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu chia sẻ, gia đình phát triển kinh tế từ nuôi tôm và khởi đầu là nuôi tôm sạch, tôm sinh thái nhưng hiệu quả ban đầu không cao. Sau đó, thấy nuôi tôm công nghiệp cho hiệu quả, lợi nhuận cao nên gia đình ông chuyển sang nuôi tôm công nghiệp.
Tuy nhiên, tôm nuôi thâm canh theo hình thức công nghiệp dễ bị ảnh hưởng bởi nguồn nước, lượng thức ăn và biến động thời tiết hơn nuôi tôm sinh thái. Vì vậy, ông Ngoãn lại quyết định trở lại với cách nuôi tôm sinh thái cách đây 5 năm.
Mật độ thả nuôi chỉ từ 7-9 con/m2, thay vì 30-40 con/m2 như nuôi tôm công nghiệp. Thức ăn cho tôm cũng đã có sẵn trong các ao tôm, người nuôi không mất nhiều chi phí về khoản này.
Với cách nuôi như vậy, nguồn nước trong ao tôm không chịu đựng chất thải từ tôm, cũng như thức ăn dư thừa, không bị ô nhiễm. Con tôm có môi trường sống an toàn không bị dịch bệnh, cho chất lượng cao như người tiêu dùng thế giới yêu cầu.
Hạ tầng đầu tư cho con tôm sinh thái cũng không đòi hỏi cao như nuôi tôm thâm canh, công nghiệp. Vừa đầu tư thấp, nhưng nay giá bán cao đã mang lại lợi nhuận lớn cho người nuôi.
An toàn môi trường
Với tiêu chí phát triển kinh tế phải kèm theo đảm bảo an toàn cho môi trường, nhiều tổ chức kinh tế thế giới đã đặt ra nhiều tiêu chí khắt khe hơn cho nhà sản xuất, chế biến và xuất khẩu. Qua đó, bất kỳ sản phẩm nông nghiệp nào cũng phải đáp ứng các yêu cầu truy xuất nguồn gốc, nhật ký sản xuất, quy trình xử lý nước thải, … mới được nhà nhập khẩu quốc tế đón nhận, đặt hàng và phân phối.
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Minh Phú (Cà Mau) cho biết, hiện nguồn tôm nguyên liệu Việt Nam đang trong vị trí cạnh tranh chất lượng với nguồn nguyên liệu tôm đến từ Ecuador và Ấn Độ. Điều đặc biệt là tôm Ecuador luôn có chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn tôm sạch và năng suất đạt được tương đương với Việt Nam.
Dù diện tích thả nuôi của Ecuador chỉ 170.000 ha, trong khi Việt Nam thả nuôi 700.000 ha. Điều này cho thấy, với kỹ thuật nuôi tiên tiến, chủ yếu áp dụng nuôi tôm sạch, sinh thái, mật độ thả nuôi thưa, nên môi trường nuôi tôm của Ecuador rất tốt, an toàn cho con tôm, đảm bảo tôm không dịch bệnh, tỷ lệ hao hụt thấp nên năng suất cao, chất lượng tốt.
Như vậy, vấn đề môi trường đảm bảo trong nuôi tôm rất quan trọng cho con tôm phát triển. Để có được điều này, cách nuôi tôm sinh thái đã đáp ứng tiêu chí về môi trường cho con tôm. Cũng từ đó, các ao tôm không xả thải nhiều, đảm bảo môi trường sống xung quanh khu vực nuôi tôm.
Bằng thế mạnh an toàn cho môi tường, chi phí thấp, lợi nhuận cao, cách nuôi tôm sinh thái đã trở thành sự lựa chọn phát triển kinh tế nuôi trồng của nhiều địa phương như Bạc Liêu, Cà Mau.
Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho biết, mô hình nuôi tôm sinh thái thời gian qua cho thấy được nhiều ưu thế, nhất là hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường, thích nghi với biến đổi khí hậu, sản lượng thuỷ sản ổn định.
Tính đến tháng 5/2018, tỉnh Bạc Liêu có hơn 120.000 ha tôm sinh thái và quảng canh cải tiến. Trong thời gian tới, Bạc Liêu sẽ đẩy mạnh áp dụng công nghệ tiên tiến trong phát triển nuôi tôm sinh thái.
Bởi cách nuôi này sẽ giúp người nuôi dễ kiểm soát dịch bệnh trên tôm, vùng nuôi không bị ô nhiễm, môi trường sống của tôm cũng như người sản xuất được đảm bảo. Có như vậy, ngành nuôi tôm mới bền vững và đủ sức cạnh tranh với ngành tôm thế giới về chất lượng cũng như giá thành sản phẩm.
Bài 2: Quản lý chặt chất lượng để phát triển bền vững