Đây là dịp để các tổ chức tín dụng, hệ thống ngân hàng và người nuôi thủy sản, các ngành chuyên môn cùng nhau trao đổi, bàn bạc các giải pháp tạo điều kiện trong việc tiếp cận vốn, sử dụng đồng vốn có hiệu quả, để ngành thủy sản, ngành tôm nước lợ của Sóc Trăng ngày càng phát triển bền vững, góp phần gia tăng sản lượng xuất khẩu, tăng giá trị, giá bán, tăng nguồn thu ngoại tệ cho địa phương.
Theo ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, tỉnh có thế mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp mà chủ lực là cây lúa và con tôm, trong những năm qua, Sóc Trăng đã gặt hái nhiều kết quả tích cực. Phát huy thế mạnh về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, người dân đã tích lũy nhiều kinh nghiệm trong nuôi trồng thủy sản, cùng với những tiến bộ khoa học, kỹ thuật, tình hình sản xuất và nuôi trồng thủy sản của tỉnh đã đạt được những kết quả tích cực mặc dù ảnh hưởng lớn của tình hình dịch bệnh COVID-19 trong 2 năm gần đây.
Trong năm 2021, tổng diện tích thả nuôi thủy sản được trên 76.700 ha. Tổng sản lượng thủy sản của tỉnh là trên 339.000 tấn; trong đó, sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt gần 271.300 tấn, còn lại là khai thác. Riêng về tôm nước lợ, năm 2021, thả nuôi 53.000 ha; trong đó, tôm thẻ chân trắng 40.000 ha và tôm sú 13.000 ha; diện tích nuôi thâm canh và bán thâm canh chiếm 93,7%. Tỷ lệ thiệt hại khoảng 6%, giảm 2% so cùng kỳ năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2021 của Sóc Trăng cũng đạt cao nhất với trên 1 tỷ USD.
Xét về cơ cấu nguồn vốn đầu tư, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã cho vay ở lĩnh vực nuôi trồng và chế biến thủy sản với dư nợ gần 6.900 tỷ đồng, chiếm 14,4% trên tổng dư nợ cho vay trên địa bàn toàn tỉnh. Mặc dù, tổng mức đầu tư này trong thời gian qua đã đáp ứng cơ bản nhu cầu vốn cho ngành thủy sản trên địa bàn, tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng cho rằng là chưa tương xứng với thế mạnh, tiềm năng, quy mô lĩnh vực thủy sản của tỉnh Sóc Trăng.
Do đó, lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng đề nghị, ngành nông nghiệp cần có giải pháp quy hoạch vùng nuôi, chuyển giao các kỹ thuật, nhân rộng các mô hình nuôi tôm công nghệ cao, các mô hình nuôi giảm thiểu rủi ro, tăng năng suất, mang lại hiệu quả cao. Đối với các tổ chức tín dụng, cần tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho doanh nghiệp, hộ dân, đặc biệt là các hộ dân không có hoặc không còn tài sản để thế chấp ngân hàng có cơ hội để tiếp cận vốn vay mới nhằm khôi phục lại sản xuất, mở rộng và tăng thêm diện tích nuôi, chuyển đổi mô hình nuôi.
Doanh nghiệp có giải pháp khắc phục các khó khăn, điều kiện thuận lợi để tiếp cận vốn vay, mở rộng, tăng cường đầu tư, tái đầu tư vào nuôi tôm công nghệ cao; người nuôi tôm, chuyển đổi mô hình nuôi ao đất sang ao trải bạt, mô hình nuôi khép kín để hạn chế rủi ro do dịch bệnh, thời tiết bất lợi…
Tại hội nghị, đại diện ngành nông nghiệp, ngân hàng, hiệp hội nuôi tôm và người nuôi tôm đã trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm về hiệu quả từ việc ứng dụng mô hình nuôi tôm công nghệ cao, giảm thiểu rủi ro, cho năng suất hiệu quả cao, hiệu quả từ việc cho vay chuyển đổi mô hình từ nuôi ao đất sang ao nổi trải bạt; khó khăn vướng mắc và kiến nghị giải pháp tiếp cận vốn vay để khôi phục và phát triển sản xuất ngành tôm Sóc Trăng, giải pháp hỗ trợ tín dụng, đầu tư cho người nuôi tôm và chế biến các sản phẩm thủy sản khác…
Ông Châu Hoàng Du, một hộ nuôi tôm là người nuôi tôm ở xã Vĩnh Hiệp, thị xã Vĩnh Châu trong thời gian qua đã đầu tư nuôi tôm theo công nghệ ao trải bạt cho biết, thời gian trước ông nuôi tôm theo phương pháp truyền thống là ao đất, lúc đầu nuôi vẫn có lãi nhưng thời gian gần đây thì nuôi không hiệu quả với nhiều lý do như: Môi trường ô nhiễm, dịch bệnh trên tôm ngày càng diễn biến phức tạp không thể nuôi được. Nên từ đó, ông đã mạnh dạn đầu tư nuôi ao lót bạt; trong đó có vốn đối ứng và vay nguồn vốn từ ngân hàng. Trong quá trình nuôi ao lót bạt cho thấy, mô hình này hiệu quả hơn, dễ quản lý hơn về môi trường, dịch bệnh trên tôm cũng ít hơn so với nuôi ao đất rất nhiều.
Với diện tích 35.000 m2 đất, ông Du đã đầu tư 3 ao nuôi lót bạt với diện tích 3.600m2, tổng chi phí 1,1 tỷ đồng, một phần diện tích đất ông sả dụng làm ao lắng. Kết quả, năm vừa qua, gia đình ông đạt lợi nhuận trên 1,3 tỷ. Hiệu quả cao hơn nhiều so với nuôi ao đất trước đây.
Tuy nhiên, cũng như nhiều hộ nuôi tôm khác trong tỉnh muốn chuyển đổi đầu tư nuôi tôm theo mô hình ao lót bạt, công nghệ cao, khó khăn là đòi hỏi vốn đầu tư khá cao, tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng khó khăn, lãi suất của ngân hàng hiện cũng khá cao; thứ hai là giá vật tư đầu vào cao, chất lượng không đảm bảo và giá tôm thịt thì không ổn định...
Do đó, ông Châu Hoàng Du đề xuất, nhà nước cần hỗ trợ cho nông dân tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất thấp; hỗ trợ kỹ thuật, áp dụng khoa học kỹ thuật trong nuôi trồng thủy sản; đồng thời các ngành chức năng cần quản lý chặt chẽ nguồn thức ăn, giống, thuốc thủy sản để người nuôi tôm yên tâm hơn.
Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Sóc Trăng thông tin, hiện trên địa bàn tỉnh có 11 ngân hàng và các tổ chức tín dụng đã đầu tư vốn cho 5 doanh nghiệp chế biến, nuôi trồng thủy sản lớn và gần 10.500 hộ nuôi tôm, dư nợ cho vay nuôi trồng thủy sản đến cuối năm 2021 là 6.854,5 tỷ đồng. Theo kế hoạch năm 2022, các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng dự kiến tiếp tục đầu tư tăng trưởng tín dụng cho vay đối với lĩnh vực nuôi tôm ước khoảng 56,5 tỷ đồng.
Tại hội nghị, một số ngân hàng trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã cam kết hỗ trợ vốn vay đối với một số dự án và hộ nuôi tôm để chuyển đổi mô hình nuôi tôm an toàn, hiệu quả, giảm thiểu rủi ro, từng bước nhân rộng mô hình nuôi tôm có hiệu quả, nuôi tôm công nghệ cao trên địa bàn tỉnh.