Hiện tiến độ dự án do Ban Quản lý dự án đường sắt đang thi công bị chậm 6% so với kế hoạch đề ra, vì vậy đơn vị đang yêu cầu các nhà thầu đẩy mạnh thi công đảm bảo hoàn thành cơ bản tiến độ dự án trước 31/12/2021.
Cụ thể, ông Mai Minh Việt cho hay, trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 9 vừa qua, nhiều tỉnh, thành phố và địa bàn cấp huyện, xã thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19 nên việc triển khai thi công tại hiện trường khó khăn, nhiều hạng mục công trình phải tạm đình hoãn hoặc không có nguyên vật liệu để triển khai.
Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt từ Bộ Giao thông Vận tải, Ban Quản lý dự án đường sắt đã yêu cầu nhà thầu, tư vấn giám sát thực hiện nhiều biện pháp tháo gỡ nhằm triển khai trở lại, đảm bảo tất cả các công trình hoàn thành đúng tiến độ, an toàn phòng dịch.
Trong đó, lập biện pháp và kế hoạch thi công trong mùa dịch đối với từng mũi thi công, từng hạng mục công trình; bố trí nhân sự thi công, giám sát đảm bảo không để dừng thi công do thiếu nhân lực. Cùng đó, có biện pháp để các nhân sự tham gia tại hiện trường được tiêm vaccine. Đặc biệt, đơn vị đã phối hợp với nhà thầu cùng tháo gỡ khó khăn trong việc đưa vật liệu vào công trường.
Thông tin cụ thể về tiến độ của dự án đến thời điểm này, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt Mai Minh Việt cho hay, đối phần cải tạo, nâng cấp phần đường sắt, hiện các nhà thầu đã hoàn thành tất cả 15 khu gian đoạn đường sắt nối hai ga liền kề. Chỉ còn một khu gian chưa hoàn thành vì mới được bổ sung và dự kiến 15/12 sẽ hoàn thành.
Đối với dự án cầu, các nhà thầu đã hoàn thành 90 cầu trong tổng số 127 cầu của dự án. Số còn lại phấn đầu hoàn thành 31/12/2021 sẽ cơ bản hoàn thành toàn bộ. Tuy nhiên, do vướng mắc về giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết có khả năng 3 cầu Ba Chân (Phú Yên), cầu Hàm Rồng (Thanh Hoá) và cầu Hiệp Mỹ (Thanh Hoá) có thể phải hoàn thành sau. Đặc biệt là cầu Hàm Rồng phải thay đổi, điều chỉnh phương án thi công do địa chất và điều kiện thi công thay đổi so với dự tính ban đầu.
Thông tin trực tiếp từ công trường, ông Nguyễn Văn Diệp, phụ trách dự án cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Nha Trang - Sài Gòn (Ban Quản lý dự án đường sắt) cho biết, trong điều kiện vừa thi công vừa đảm bảo an toàn chạy tàu, nhà thầu đã tập trung triển khai theo hình thức cuốn chiếu, làm đến đâu hoàn thành đến đó để đưa vào khai thác, đảm bảo tốc độ thiết kế.
Cũng theo ông Diệp, hiện dự án còn “đường găng” tại khu vực ga Cam Thịnh Đông (Khánh Hoà), Sông Luỹ (Bình Thuận), hai ga Trung Hoà, khu gian ga Trảng Táo (Đồng Nai) tiến độ gặp khó do chưa được bàn giao mặt bằng sạch. Ban Quản lý dự án đương sắt đang phối hợp với địa phương vận động người dân sớm bàn giao để có mặt bằng thi công.
Đặc biệt, ông Nguyễn Văn Diệp cho rằng, thời gian qua thời tiết Ninh Thuận, Bình Thuận mưa nhiều, dịch COVID-19 bùng phát cũng ảnh hưởng công tác triển khai thi công ngoài thực địa. Tuy nhiên, các nhà thầu đã bố trí thi công hợp lý, vừa thi công vừa đảm bảo an toàn phòng chống dịch, bám sát kế hoạch thi công mà Bộ Giao thông Vận tải, Ban Quản lý dự án đường sắt đã đề ra.
Còn theo đại diện Ban Quản lý dự án 85 (Bộ Giao thông Vận tải) - chủ đầu tư dự án gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang, tuyến đường sắt Hà Nội – Tp. Hồ Chí Minh cho biết, dự án cũng gặp phải nhiều khó khăn trong triển khai tại hiện trường do ảnh hưởng dịch bệnh. Tuy vậy, đến thời điểm hiện dự án này đã giải ngân được hơn 918 tỷ đồng, đạt 89% giá trị hợp đồng.
Hiện tại, dự án vẫn gặp khó khăn về giải phóng mặt bằng. Tổng diện tích được bàn giao mới đạt 7,4 ha đạt 71%; trong đó, còn nhiều địa phương chậm bàn giao mặt bằng. Đặc biệt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị; quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng và huyện Đồng Xuân, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên đến nay chưa bàn giao mặt bằng làm ảnh hưởng tiến độ của một số hạng mục công trình.
Về tiến độ hoàn thành, đại diện Ban Quản lý dự án 85 cho biết, về cơ bản các gói thầu của dự án hiện nay đang triển khai đáp ứng tiến độ và sẽ cơ bản hoàn thành trong năm 2021 trừ một số hạng mục chưa được bàn giao mặt bằng.
Vừa qua, Bộ Giao thông Vận tải đã có phép điều chỉnh thiết kế cơ sở và cho phép thực hiện gói thầu số 11A (gia cố 8 hầm còn lại) đồng thời, cho phép tiến độ thực hiện của dự án đến tháng 10/2023.
Tại cuộc kiểm tra hiện trường dự án mới đây, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông đã yêu cầu các đơn vị khẩn trương hoàn thiện các thủ tục để nghiệm thu, bàn giao, đưa vào sử dụng đối với các hạng mục công trình hoàn thành. Đối với các hạng mục còn lại, lập tổng tiến độ và xác định rõ từng hạng mục đường găng để có giải pháp đẩy nhanh tiến độ. Tiến độ xây dựng phải khả thi và phù hợp với điều kiện thực tế.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, gói 7.000 tỷ đồng vốn trung hạn cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu trên tuyến đường sắt Bắc - Nam gồm 4 dự án cấp bách. Theo đó, Ban Quản lý dự án đường sắt được Bộ Giao thông Vận tải giao nhiệm vụ làm chủ đầu tư 3 dự án gồm: cải tạo nâng cấp các cầu yếu và gia cố trụ chống va xô trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh; cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội - Vinh; cải tạo, nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Nha Trang - Sài Gòn.
Ban Quản lý dự án 85 được Bộ Giao thông Vận tải giao làm chủ đầu tư một dự án là dự án gia cố các hầm yếu kết hợp mở mới các ga và cải tạo kiến trúc tầng trên đoạn Vinh - Nha Trang.
Mục tiêu nhằm nâng nhằm nâng cấp toàn tuyến cùng một cấp tải trọng 4,2 tấn/m; tăng năng lực thông qua của tuyến từ 18 đôi tàu/ngày đêm lên từ 23-25 đôi tàu/ngày đêm và có thể khai thác với vận tốc bình quân tàu khách từ 80-90km/h, tàu hàng từ 50-60km/h. Từ đó, có thể khối lượng vận chuyển hàng hóa trên toàn tuyến tăng từ 1,3-1,5 lần và khối lượng vận chuyển hành khách tăng từ 1,5-1,6 lần.