Tạo cơ chế hút vốn đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông

Năm 2020, trong bối cảnh thực hiện nhiệm vụ “kép vừa chống dịch vừa phục hồi và đảm bảo sản xuất kinh doanh, ngành giao thông vận tải đã hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ được giao; trong đó nổi bật là kết quả giải ngân các nguồn vốn, hoàn thành nhiều dự án trọng điểm cũng như kìm chế, bảo đảm an toàn giao thông.

Phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể xung quanh những nhiệm vụ trong năm 2021 và những năm tiếp theo của Bộ Giao thông Vận tải.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể. Ảnh: Thống Nhất/TTXVN

Trong 5 năm qua, ngành giao thông vận tải đã đưa vào khai thác nhiều công trình trọng điểm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội. Vậy trong năm 2021 và các năm tiếp theo, Bộ Giao thông Vận tải sẽ tập trung vào những dự án nào, thưa Bộ trưởng?

Có thể nói để tiếp tục nhiệm vụ tạo bước đột phá về hạ tầng theo tinh thần Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/2/2012 về xây dựng kết cấu hạ tầng trong giai đoạn 2016-2020, Bộ Giao thông Vận tải được Quốc hội, Chính phủ quan tâm, ưu tiên tập trung bố trí vốn để triển khai 2 công trình quan trọng quốc gia đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Bên cạnh đó, nhiều công trình quan trọng, cấp bách cũng được ưu tiên, tập trung đầu tư như các dự án đường sắt, đường bộ cấp bách sử dụng gói 15.000 tỷ đồng dự phòng trung hạn, 2 dự án đầu tư công khẩn cấp cải tạo đường băng sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất, cao tốc Trung Lương-Mỹ Thuận, Mỹ Thuận-Cần Thơ....

Nhận được sự chỉ đạo sát sao của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp tích cực, hiệu quả của các bộ, ngành Trung ương, các địa phương và với nỗ lực rất lớn của ngành giao thông vận tải, giai đoạn 2016-2020 đã hoàn thành nhiều công trình, dự án quan trọng như: các tuyến đường bộ cao tốc Tp. Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây, Bắc Giang - Lạng Sơn, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Hải Phòng - Quảng Ninh, Hạ Long - Vân Đồn, La Sơn - Túy Loan, Trung Lương - Mỹ Thuận (tổng số khoảng 4 km). Nhiều quốc lộ trọng yếu, cầu lớn, hầm lớn, cảng biển được đầu tư, nâng cấp (cảng cửa ngõ Hải Phòng, cầu Cao Lãnh, Vàm Cống, Thịnh Long, Hưng Hà, hầm Đèo Cả, hầm Hải Vân, cầu cạn Mai Dịch - Nam Thăng Long, đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện, tuyến Lộ Tẻ-Rạch Sỏi…).

Tuy nhiên, do điều kiện nguồn lực còn hạn chế, một số mục tiêu quan trọng đặt ra tới năm 2020 chưa thực hiện được như hoàn thành khoảng 2.000 km đường bộ cao tốc (hiện mới có khoảng 1.200 km), hiện đại hóa đường sắt Bắc-Nam…

Trong kế hoạch 5 năm 2021-2025 tới đây, với dự báo sẽ còn khó khăn về huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển, Bộ Giao thông Vận tải xác định ưu tiên, tập trung đầu tư các dự án tạo ra “đột phá”, thực sự là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững của vùng, quốc gia như hoàn thiện đường bộ cao tốc Bắc - Nam từ Lạng Sơn tới Cà Mau, hoàn thành giai đoạn 1 cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Bên cạnh đó cũng cần ưu tiên đầu tư khắc phục các điểm nghẽn, nút thắt về vận tải trên tuyến đường sắt Bắc-Nam, trên các hành lang đường thuỷ nội địa chính yếu (kênh Chợ Gạo giai đoạn 2, nâng tĩnh không cầu Đuống, logistics khu vực Đồng bằng sông Cửu Long), cải tạo một số tuyến luồng hàng hải cấp thiết (luồng sông Hậu giai đoạn 2, luồng Cái Mép - Thị Vải từ phao số “0” vào khu bến cảng container Cái Mép, luồng Hòn Gai - Cái Lân)...

Chú thích ảnh
Tuyến cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình được thông xe đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế, xã hội vùng Tây Bắc. Ảnh: TTXVN

Như Bộ trưởng vừa đề cập, trong điều kiện nguồn vốn ngân sách khó khăn, Bộ Giao thông Vận tải sẽ có kế hoạch huy động nguồn vốn đầu tư cũng như cơ chế chính sách để huy động các nhà đầu tư tham gia các dự án trọng điểm của ngành giao thông?

Như Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải đã báo cáo Quốc hội, khó khăn lớn nhất trong việc triển khai các dự án thành phần đầu tư theo hình thức PPP (hợp tác công tư) hiện nay chính là việc huy động vốn tín dụng để triển khai đầu tư. Ngoài phần vốn tham gia của nhà nước và vốn chủ sở hữu, nhà đầu tư phải huy động đủ phần vốn còn lại để triển khai.

Về cơ chế chính sách, việc Quốc hội đã thông qua Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (Luật PPP) và có hiệu lực từ ngày 1/1/2021. Đây được xem là khung pháp lý quan trọng để thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông trong giai đoạn tới.

Với những cơ chế mới trong Luật PPP như: cho phép xác định cụ thể khung mức phí dịch vụ (gồm mức phí khởi điểm và mức phí cho từng giai đoạn); cho phép áp dụng cơ chế chia sẻ rủi ro về doanh thu; mức vốn nhà nước tham gia tối đa 50%; cho phép doanh nghiệp dự án chủ động huy động vốn để triển khai dự án (ngoài kênh thu hút vốn ngân hàng như trước đây, Luật PPP cho phép doanh nghiệp dự án phát hành trái phiếu doanh nghiệp để huy động vốn đầu tư)... đây là các điều kiện rất thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư cũng như huy động nguồn vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là các dự án thành phần còn lại của cao tốc Bắc - Nam trong giai đoạn tới.

Để triển khai các chính sách này, Chính phủ đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính chủ trì xây dựng các Nghị định hướng dẫn. Bộ Giao thông Vận tải đang phối hợp tích cực với các bộ, ngành nhằm sớm hoàn chỉnh, ban hành các Nghị định, làm cơ sở để triển khai các dự án tiếp theo.

Với trách nhiệm là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, Bộ Giao thông Vận tải sẽ cân nhắc kỹ lưỡng khi lựa chọn các dự án đầu tư theo phương thức PPP, chỉ đầu tư PPP đối với các dự án thực sự hiệu quả tài chính; đồng thời quán triệt việc lựa chọn nhà đầu tư phải thông qua đấu thầu minh bạch, bảo đảm lựa nhà đầu tư được lựa chọn có đủ năng lực, kinh nghiệm để triển khai dự án. Đồng thời, Bộ Giao thông Vận tải sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các bộ, ngành liên quan nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách phù hợp về huy động tín dụng đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, đa dạng hóa các hình thức huy động vốn của nhà đầu tư.

Chú thích ảnh
Kiểm tra và chạy thực nghiệm thông tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận. Ảnh: Minh Trí/TTXVN

Trong năm qua, ngành giao thông vận tải đã triển khai quyết liệt đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm, đặc biệt các dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông. Vậy Bộ trưởng có thể cho biết kết quả đạt được của dự án này?

Trong năm 2020, Bộ Giao thông Vận tải triển khai nhiều dự án trọng điểm; trong số này đáng chú ý nhất là dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông. Xác định đây là dự án trọng điểm quốc gia được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 52/2017/QH14 ngày 22/11/2017. Trong đó, giải phóng mặt bằng phải thực hiện với khối lượng thực hiện rất lớn (khoảng 4.867 ha, triển khai xây dựng 111 khu tái định cư, di dời khoảng 1.023 vị trí đường điện, 32.595m đường ống nước, 97.767m cáp viễn thông, 541m đường ống xăng dầu).

Để đảm bảo tiến độ triển khai các dự án thành phần, các địa phương đã và đang quyết liệt triển khai việc kiểm đếm, đền bù, thu hồi giải phóng mặt bằng. Hiện nay mặt bằng đủ điều kiện để bàn giao tương đương với chiều dài tuyến là 611,3 km, đạt 93,7%. Việc thiết kế kỹ thuật, lựa chọn nhà thầu hoặc nhà đầu tư (đối với các dự án thành phần đầu tư theo phương thức đối tác công tư) và triển khai thi công.

Đối với 3 dự án được đầu tư theo hình thức đầu tư công (gồm Cao Bồ - Mai Sơn, Cam Lộ - La Sơn và cầu Mỹ Thuận 2), hiện tại đang triển khai thi công đồng loạt các gói thầu xây lắp, với tiến độ cơ bản đáp ứng yêu cầu theo kế hoạch đề ra. Với 3 dự án chuyển đổi hình thức đầu tư từ PPP sang đầu tư công gồm (Mai Sơn – Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây), tổng số gồm 13 gói thầu xây lắp, Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn thành việc phê duyệt thiết kế kỹ thuật và dự toán 13/13 gói thầu xây lắp cũng như đã hoàn thành việc lựa chọn nhà thầu. Ngày 30/9/2020, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã tổ chức lễ khởi công 3 dự án này.

Với 5 dự án đầu tư theo hình thức PPP là Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, đến nay 2 dự án Quốc lộ 45- Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu không lựa chọn được nhà đầu tư. Thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 52/2017/QH14, Chính phủ đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định chuyển đổi sang đầu tư công. Với 3 dự án: Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Bộ Giao thông Vận tải đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà đầu tư Nha Trang - Cam Lâm và Diễn Châu – Bãi Vọt, dự án thành phần Cam Lâm - Vĩnh Hảo đang hoàn thiện thẩm định để phê duyệt. Sau khi lựa chọn nhà đầu tư, Bộ Giao thông Vận tải sẽ đàm phán, ký kết hợp đồng với nhà đầu tư để triển khai thi công.

Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Quang Toàn (TTXVN)
Thành lập 3 Hội đồng thẩm định Quy hoạch hạ tầng giao thông
Thành lập 3 Hội đồng thẩm định Quy hoạch hạ tầng giao thông

Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định thành lập Hội đồng thẩm định Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc; Hội đồng thẩm định Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam và Hội đồng thẩm định Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN