Hà Nội hiện có 160 chợ dân sinh tại khu vực nội thành và 294 chợ dân sinh ở các khu vực ngoại thành, thành phố thực sự có tiềm năng và nền tảng tốt để phát huy hiệu quả và nâng tầm ảnh hưởng của chợ truyền thống trong phát triển kinh tế và du lịch.
Cùng đó, chợ là một trong những công trình công cộng đô thị thiết yếu và đóng góp lớn vào việc thúc đẩy kinh tế cho các thành phố. Tuy nhiên, hiện nay các chợ truyền thống trên địa bàn Hà Nội đã và đang xuống cấp nghiêm trọng, không đảm bảo về hạ tầng cơ sở, phòng chống cháy nổ, an toàn vệ sinh thực phẩm, môi trường...
Theo Kiến trúc sư Steve Davies, Tổ chức HealthBridge là người đã từng tham gia nâng cấp hơn 500 chợ và các không gian công cộng khác trên khắp thế giới, ở nhiều thành phố, ngoài việc tạo ra công việc cho các tiểu thương và cá nhân, chợ còn là điểm đến văn hoá, du lịch, thu hút du khách.
Qua khảo sát các chợ truyền thống ở Việt Nam cho thấy, với người Hà Nội, chợ vẫn là một phần quan trọng của cuộc sống. Đồng thời, là nơi cung cấp thực phẩm tươi sống với giá cả phải chăng và đa dạng. Hơn thế nữa, mối quan hệ thân thiết giữa người mua và người bán còn giúp xây dựng một cộng đồng gắn kết.
Trình bày tại hội thảo, đại diện Tổ hợp sáng tạo kiến trúc - xây dựng - nghệ thuật (AGOhub) cho biết, việc cải thiện chợ cần thực hiện thí điểm để có những kinh nghiệm từ đó phát triển các mô hình phù hợp tại địa phương.
Việc cho phép xe máy đi vào chợ gây ra nhiều tác động tiêu cực, làm giảm giá trị, chất lượng của chợ và cần có những chiến lược phù hợp để hạn chế từng bước, tiến tới loại bỏ, nhằm tạo ra một môi trường chợ, một không gian công cộng an toàn, hấp dẫn và bền vững.
Dự án nghiên cứu đề xuất ý tưởng thiết kế nâng cấp không gian chợ truyền thống tại Hà Nội do Tổ chức HealthBridge Việt Nam, Hội kiến trúc sư Hà Nội và Tổ hợp sáng tạo kiến trúc - xây dựng - nghệ thuật (AGOhub) phối hợp thực hiện đã đưa ra các khuyến nghị có tính sáng tạo và khả thi của các chuyên gia, nhóm kiến trúc sư.
Kiến nghị của các chuyên gia và nhóm kiến trúc sư đã góp phần đưa ra một tầm nhìn mới cho việc phát triển chợ truyền thống tại Hà Nội, nhằm huy động giá trị nhiều mặt của chợ, phát triển kinh tế - xã hội bền vững của thành phố.
Đó là các chính sách phát triển, nguồn vốn đầu tư và đối tác như chợ cần được xác định là khu vực không gian công cộng phục vụ cộng đồng địa phương, một cơ sở hạ tầng thiết yếu trong các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Nguồn vốn phát triển chợ cần được hỗ trợ của nhà nước cùng với các nguồn vốn hợp tác với khu vực tư nhân. Hơn nữa, cần có những quy định, tiêu chuẩn về quản lý chợ nói chung và quản lý vệ sinh môi trường tại chợ nói riêng cũng như cơ chế nhằm khuyến khích và hỗ trợ các tiểu thương phát triển việc kinh doanh tại chợ.
Đối với cơ sở hạ tầng và thiết kế nên cải thiện chất lượng chợ cần đề cao sự tham gia của cộng đồng, khách mua hàng, người bán hàng, đơn vị quản lý, chính quyền địa phương… Thiết kế cần quan tâm tới tính khả thi kỹ thuật, nguồn vốn và tính bền vững, cũng như kế hoạch thực hiện theo giai đoạn.
Tại hội thảo, các đại biểu cũng cho rằng, thông qua dự án này, các kiến trúc sư tại Hà Nội không chỉ thực hiện việc thiết kế kiến trúc chợ mà còn có cơ hội nghiên cứu về chợ với một phương pháp tiếp cận mới với sự tham gia của cộng đồng.
Các phương án đề xuất căn cứ trên nhu cầu của cộng đồng gồm người sử dụng dịch vụ, các tiểu thương, các đơn vị quản lý. Các nghiên cứu được đề cập bao gồm những không giới hạn ở các khía cạnh như tính dễ dàng tiếp cận cho các nhóm yếu thế như phụ nữ, người cao tuổi và người khuyết tật, duy trì và quản lý môi trường, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vận hành gian hàng hiệu quả…
Trong khuôn khổ dự án, ba khu chợ dân sinh (chợ Hạ - Mê Linh, chợ Châu Long, chợ Ngọc Lâm) với những đặc điểm riêng đã được chọn làm đối tượng nghiên cứu. Cả ba khu chợ này ngoài chức năng cung cấp thực phẩm tươi sống cho người dân trong khu vực còn có nhiều tiềm năng khác như phát triển kinh tế, trở thành các không gian công cộng chất lượng, hoặc các điểm đến hấp dẫn du khách.