Trung tâm đặt tại phường Long Hòa, quận Bình Thủy; gồm hai nhà làm việc, trong đó tòa nhà chính cao 5 tầng cùng các hạng mục phụ trợ hạ tầng kỹ thuật. Tổng diện tích xây dựng công trình khoảng hơn 1.200 m2, tổng diện tích sàn khoảng gần 3.000 m2. Công trình dự kiến hoàn thành, đưa vào hoạt động năm 2024.
Trung tâm được xây dựng để tạo lập cơ sở dữ liệu liên ngành vùng Đồng bằng sông Cửu Long; xây dựng phần mềm nội bộ phục vụ quản lý, điều hành và hỗ trợ ra quyết định; xây dựng các mô hình giám sát, dự báo, cảnh báo phục vụ việc hỗ trợ ra quyết định; hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin và trang thiết bị ngoại nghiệp…
Phát biểu tại lễ khởi công, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Quý Kiên cho biết, thời gian qua, Bộ đã chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan thực hiện điều tra cơ bản về tài nguyên và môi trường; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu liên ngành về Đồng bằng sông Cửu Long phục vụ phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu, kết nối với cơ sở dữ liệu của Ủy hội sông Mekong quốc tế, nâng cấp và hiện đại hóa hệ thống quan trắc, giám sát, cảnh báo, dự báo về tài nguyên, môi trường.
Theo ông Trần Quý Kiên, trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, Đồng bằng sông Cửu Long có nhiều cơ hội phát triển nhưng cũng phải đối mặt với nhiều thách thức do đây là vùng đất mẫn cảm với sự thay đổi của tự nhiên. Biến đổi khí hậu và nước biển dâng diễn ra nhanh hơn dự báo gây ra nhiều hiện tượng thời tiết cực đoan, ảnh hưởng sinh kế và đời sống người dân.
Vì vậy, Trung tâm dữ liệu Đồng bằng sông Cửu Long được xây dựng với mục tiêu tích hợp dữ liệu đa ngành (tài nguyên, môi trường, kinh tế, xã hội…); từng bước chuẩn hóa các tài liệu của vùng phục vụ phân tích, đánh giá và hỗ trợ ra quyết định về phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu. Để hoàn thành việc xây dựng, đưa Trung tâm vào vận hành, sử dụng đòi hỏi cần có sự tập trung cao độ và phối hợp chặt chẽ của các cơ quan liên quan tham gia vào quá trình xây dựng công trình ý nghĩa này.
Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đề nghị Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng cùng các nhà thầu đề cao trách nhiệm, nghiêm túc thực hiện cam kết trong hợp đồng cùng các quy định của pháp luật để đảm bảo xây dựng công trình đúng tiến độ, chất lượng, an toàn lao động.
Ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Cần Thơ cho biết, những năm gần đây, vùng Đồng bằng sông Cửu Long và thành phố Cần Thơ đều có tốc độ phát triển kinh tế-xã hội nhanh, quá trình đô thị hóa, phát triển nông nghiệp, công nghiệp diễn ra mạnh mẽ.
Tuy nhiên, hầu hết các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt với tình hình biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông và hiện tượng thời tiết cực đoan ngày càng diễn ra gay gắt ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển kinh tế - xã hội, sinh kế một bộ phận dân cư… Một trong các nguyên nhân chính dẫn đến chưa thể kiểm soát, thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu hiện nay là do chưa có cơ sở dữ liệu đồng bộ, chuẩn hóa, chưa có cơ sở khoa học chặt chẽ để phân tích, dự báo đúng tình hình phục vụ cấp có thẩm quyền kịp thời chỉ đạo thích ứng với tình hình biến đổi khí hậu thực tế đang diễn ra.
Theo ông Dương Tấn Hiển, việc triển khai Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm dữ liệu vùng Đồng bằng sông Cửu Long thuộc hợp phần 1 của Dự án “Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững Đồng bằng sông Cửu Long” nhằm tích hợp dữ liệu đa ngành từng bước chuẩn hóa, khắc phục tình trạng thiếu hụt cơ sở dữ liệu, phục vụ phân tích, đánh giá và hỗ trợ cấp có thẩm quyền quyết định các chủ trương, chính sách, chiến lược phát triển của khu vực trong điều kiện biến đổi khí hậu. Đây là dự án mang ý nghĩa thiết thực đối với sự phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long và thành phố Cần Thơ.