Chiến dịch tiêm vaccine tổ chức theo hình thức cuốn chiếu, làm tới đâu chắc tới đó để tạo “vùng xanh” an toàn cho khu vực sản xuất tại các nhà máy, khu công nghiệp. Đây là “chìa khóa” để Bình Dương sớm trở lại bình thường mới.
Đưa nhanh vaccine đến với công nhân
Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bình Dương đã phối hợp với Công ty cổ phần Đại Nam, Bệnh viện Chợ Rẫy và tình nguyện viên của Trường Đại học y dược TP Hồ Chí Minh tổ chức tiêm vaccine bằng hình thức xã hội hóa cho hàng nghìn công nhân trong các khu công nghiệp Sóng Thần 2 và trước đó là Sóng Thần 3.
Hệ thống Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore cũng tổ chức bằng hình thức trên để tiêm vaccine cho hơn 5.500 công nhân đang làm việc “3 tại chỗ” của 127 doanh nghiệp. Theo ghi nhận, nhiều công nhân sau khi được tiêm 1 mũi, họ tỏ ra tinh thần phấn khởi và bớt lo lắng trước tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
Anh Nguyễn Hữu Thắng, công nhân của Công ty TBS Việt Nam tại Khu công nghiệp Sóng Thần 3 cho biết, được tiêm vaccine phòng COVID-19 sẽ làm anh em công nhân an tâm hơn trong sản xuất và bớt lo hơn về dịch bệnh.
Ông Trần Thanh Liêm, Giám đốc Công ty TBS Miền Đông bày tỏ: “Việc tiêm vaccine giúp công nhân ổn định tâm lý tập trung vào sản xuất và khi đó tăng năng suất cao hơn. Trước đây chưa được tiêm vaccine, công nhân lo lắng về sức khỏe vì thiếu an toàn và sợ F0 lọt vào nhà máy, khu vực sản xuất vào lúc nào”.
Ông Huỳnh Uy Dũng, Chủ đầu tư hai Khu công nghiệp Sóng Thần 2 và 3 cho hay,ông đã được đồng hành hỗ trợ cùng Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bình Dương tổ chức, hoàn thành việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho hàng nghìn công nhân làm việc tại Khu công nghiệp Sóng Thần 2 và 3.
Ngoài số lượng vaccine do tỉnh Bình Dương cấp miễn phí 100%, Công ty cổ phần Đại Nam đồng hành đoàn Y bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy và các tình nguyện viên của Trường Đại học Y Dược Hà Nội đã chung sức làm tốt các khâu chuyên môn; thực hiện tiêm an toàn cho tất cả các công nhân của khu công nghiệp. Việc tổ chức xã hội hóa đã đưa vaccine tiếp cận nhanh hơn đến với công nhân trong bối cảnh dịch bệnh gây ảnh hưởng đến sản xuất “3 tại chỗ”.
Đợt ưu tiên này, tỉnh Bình Dương đã dành 123.000 liều vaccine cho công nhân đang làm việc tại các doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến” tại nhiều khu công nghiệp.
Theo Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương Bùi Minh Trí, hiện có gần 1.400 doanh nghiệp đang thực hiện vừa sản xuất, vừa cách ly với gần 150.000 công nhân. Tuy nhiên, việc phân bổ vaccine hiện còn thiếu khoảng 20.000 liều để tiêm cho công nhân tại một số khu công nghiệp của tỉnh.
Nhà máy rục rịch nối lại “3 tại chỗ”
Chiều 10/8, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi đã dẫn đầu đoàn công tác của tỉnh đến thăm và kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sài Gòn Stec (Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore II, phường Hòa Phú, Thành phố Thủ Dầu Một).
Tại đây, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi đã yêu cầu Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh ưu tiên vaccine cho các doanh nghiệp trong khu công nghiệp; trong đó, dành 50% lượng vaccine cho lực lượng công nhân lao động “3 tại chỗ”.
Theo đại diện Ban Giám đốc Công ty Trách nhiệm Sài Gòn Stec, nhà máy đã ngừng sản xuất 20 ngày do có 18 ca mắc COVID-19. Việc ngừng sản xuất là bất khả kháng để cơ quan chức năng truy vết, sàng lọc các trường hợp liên quan. Sau khi kiểm soát được tình hình, doanh nghiệp tái cơ cấu tổ chức công tác sản xuất “3 tại chỗ” để bảo đảm an toàn tốt hơn trong tình hình mới.
Cụ thể, theo đại diện Công ty Sài Gòn Stec, việc tiếp sức vaccine cho một số công nhân là “chìa khóa” giúp doanh nghiệp tự tin để nhập cuộc trở lại “3 tại chỗ”.
“Được sự đồng ý của Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Bình Dương, công ty đã nối lại “3 tại chỗ” với hơn 500 công nhân từ ngày 9/8. Tình hình suôn sẻ, an toàn thì trong những ngày tới, công ty triển khai tiếp cho gần 4.000 công nhân tham gia "3 tại chỗ”, Ban Giám đốc Công ty cho hay.
Sài Gòn Stec là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất bản mạch điện tử camera cho các đối tác lớn như Apple và đang tạo việc làm cho gần 100 chuyên gia Nhật Bản cùng hơn 6.000 công nhân.
Sau khi kiểm nhà máy Sài Gòn Stec, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi chia sẻ những khó khăn công ty gặp phải trong thời gian qua; đồng thời. ghi nhận sự cố gắng, quyết tâm cao của cán bộ và công nhân lao động Sài Gòn Stec đã vượt khó để duy trì sản xuất.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương yêu cầu các sở, ngành chức năng, đơn vị đầu tư hạ tầng và chính quyền địa phương các huyện, thị xã, thành phố cần kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp tính toán phương án sản xuất an toàn phòng dịch lâu dài, bền vững.
Ông Nguyễn Văn Lợi cho biết, để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp và người lao động, tỉnh đã gửi văn bản yêu cầu bỗ sung một lượng lớn vaccine để tiêm đủ cho người dân và công nhân; kiến nghị giãn nợ cho doanh nghiệp, nhà máy “3 tại chỗ” và quan tâm chính sách hỗ trợ người lao động trong thời gian dịch xảy ra.
Trước đó, sáng cùng ngày, Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi cũng làm việc với một số Hiệp hội và Doanh nghiệp thực hiện “3 tại chỗ” trên địa bàn tỉnh, điểm đến đầu tiên của đoàn công tác là đến thăm khu công nghiệp Mỹ Phước do Tổng Công ty Becamex IDC quản lý, là đơn vị hỗ trợ tốt cho nhà đầu tư, công nhân lao động; giúp đỡ các doanh nghiệp ổn định sản xuất “3 tại chỗ”. Becamex IDC hỗ trợ hàng trăm tỷ đồng cho Quỹ vaccine phòng COVID-19, xét nghiệm và triển khai lập 2 bệnh viện dã chiến với 6.500 giường bệnh vừa đưa vào phục vụ điều trị cho công nhân và người dân mắc COVID-19.