Tập trung cho tuyên truyền và lập quy hoạch

Cùng với Chương trình thí điểm xây dựng NTM tại xã Tân Thịnh, tỉnh Bắc Giang cũng đang triển khai thực hiện xây dựng NTM tại 40 xã của tỉnh theo Bộ tiêu chí NTM. Tin Tức Cuối Tuần đã có cuộc phỏng vấn ông Lại Thanh Sơn (ảnh), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, Phó Trưởng Ban chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM tỉnh Bắc Giang.

Xin ông cho biết một số kinh nghiệm bước đầu của Bắc Giang trong quá trình thí điểm xây dựng NTM?

Tỉnh Bắc Giang có may mắn được TƯ chọn Tân Thịnh là một trong 11 xã điểm của toàn quốc xây dựng NTM từ năm 2009. Được sự chỉ đạo trực tiếp của các cơ quan bộ, ngành TƯ, đến nay Bắc Giang đã tiến hành sơ kết bước đầu về mô hình điểm xây dựng NTM tại Tân Thịnh. Thời gian qua, Bắc Giang đã có sự nỗ lực, tích cực nên đến nay Tân Thịnh đã đạt được cơ bản 16 tiêu chí, 2 tiêu chí đang hoàn thiện, còn 2 tiêu chí nữa sẽ hoàn thành vào năm 2012. Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện thí điểm xây dựng NTM ở Tân Thịnh, Bắc Giang đã rút ra nhiều bài học và được xem xét trên nhiều bình diện.

Thứ nhất là cán bộ xã và Ban chỉ đạo cấp huyện, cấp tỉnh vào cuộc một cách quyết liệt. Thứ hai là vấn đề xây dựng lộ trình thực hiện những tiêu chí về xây dựng NTM. Thứ ba là công tác tuyên truyền đối với người dân, với cấp ủy chính quyền, đặc biệt với cấp xã, thôn, làm cho người dân cũng như cán bộ hiểu rõ về chủ trương, những tiêu chí, yêu cầu, cách thức thực hiện xây dựng NTM ở địa phương.

Bắc Giang cũng có được những bài học kinh nghiệm trong vấn đề vận động, những cơ chế chính sách để thu hút, huy động nguồn lực cho đầu tư xây dựng NTM. Và cuối cùng là làm thế nào để vận động cho được người dân phải được tham gia trực tiếp vào quá trình xây dựng NTM. Đó là những bài học quan trọng để Bắc Giang xây dựng NTM bước đầu đạt hiệu quả.

Xin ông cho biết vấn đề huy động vốn ở mỗi xã được áp dụng như thế nào?

Quả thực đây là vấn đề khó khăn. Chúng tôi cho rằng một trong những khó khăn để xây dựng NTM mới chính là vốn, nguồn lực, vậy phải huy động như thế nào? Chúng tôi cũng đã tính đến bài toán huy động cho từng giai đoạn 10 năm, 5 năm và năm 2011 với nguồn vốn như thế nào, việc phân bổ nguồn vốn ra làm sao…,đặc biệt là vấn đề huy động vốn trong dân. Mặc dù, nguồn vốn huy động trong dân chỉ chiếm 10% trong tổng số nguồn vốn xây dựng NTM nhưng nó lại là vấn đề hết sức quan trọng vì nó có sự đóng góp từ người dân. Vậy cơ chế nào để huy động được nguồn vốn, đặc biệt từ người dân thì đây là sự năng động, chủ động của từng địa phương, đặc biệt là đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền phải căn cứ vào điều kiện thực tiễn của từng địa phương mà quyết định. Chúng tôi cũng đang chỉ đạo các xã, các địa phương sớm đề xuất cơ chế của mình, trên cơ sở đó để hình thành chính sách chung.

Từ Tân Thịnh, Bắc Giang sẽ đặt ra những vấn đề gì để triển khai đối với các xã trong chương trình xây dựng NTM?

Trên tổng số 206 xã được Bắc Giang xác định xây dựng NTM trong giai đoạn tới tỉnh đã đặt ra lộ trình để thực hiện. Bài học kinh nghiệm đầu tiên để rút ra từ Tân Thịnh là việc tập trung chỉ đạo ngay từ đầu. Đến nay Bắc Giang đã cơ bản hoàn thành xong việc thành lập Ban chỉ đạo từ cấp tỉnh đến huyện và các ban quản lý cấp xã, thôn. Vấn đề thứ hai là tăng cường công tác tuyên truyền làm cho người dân hiểu rõ chủ trương chính sách. Đặc biệt lần này Bắc Giang xác định chương trình xây dựng NTM là quá trình tiếp của các giai đoạn trước, nhưng cũng có những điểm rất mới và chúng tôi coi đây như một cuộc cách mạng và cuộc cách mạng này cũng có sự thay đổi từ tư tưởng chỉ đạo đến nhận thức, nên chúng tôi đã đề ra chủ trương từ cấp ủy, chính quyền đến người dân để nâng cao quyết tâm xây dựng thành công NTM.

Kinh nghiệm nữa mà chúng tôi cho rằng đội ngũ vai trò của cán bộ chủ chốt ở cơ sở rất quan trọng để đề ra được chương trình xây dựng NTM. Những đội ngũ này cần phải được lựa chọn, cần được bồi dưỡng, cần được tập huấn một cách bài bản để cho họ hiểu rõ về nội dung, hình thức xây dựng NTM, đặc biệt là những cách thức tiến hành.

Vấn đề thứ 3 cần rút kinh nghiệm là quy hoạch. Việc đầu tiên là quy hoạch phải tốt, quy hoạch ngay từ đầu. Trong quy hoạch chúng tôi cho rằng người dân phải được tham gia, người dân phải đồng thuận để tham gia làm tốt về quy hoạch. Người dân được trực tiếp tham gia quy hoạch thì mới dẫn đến thành công trong việc xây dựng NTM.

Từ năm 2011, Bắc Giang tập trung cao điểm cho công tác tuyên truyền, tập trung xây dựng quy hoạch xây dựng NTM và trong năm nay chúng tôi phấn đấu xây dựng ở 110 xã cộng với 18 xã điểm được tỉnh chọn xây dựng trong năm 2010 tiếp tục triển khai thực hiện.

Cùng với Tân Thịnh, Bắc Giang đã chọn ra 40 xã phấn đấu hoàn thành đủ 19 tiêu chí xây dựng NTM trong giai đoạn 2011-2016. Phấn đấu trong 5 năm tới Bắc Giang sẽ đạt 50% số xã NTM.

Tuy nhiên, việc xây dựng NTM ở Bắc Giang vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Từ Tân Thịnh, chúng tôi sẽ có sự chủ động để phân ra các vùng, các khu vực khác nhau để lựa chọn tình hình đặc điểm của từng xã để chỉ đạo tập trung hơn. Trong đó việc lựa chọn những tiêu chí mà những địa phương có khả năng thực hiện trước; nhất là những tiêu chí không cần nhiều kinh phí đầu tư. Trong quá trình chúng tôi lựa chọn 40 xã làm trong giai đoạn 2011-2016, có nhiều xã đạt được từ 10-13 tiêu chí nhưng cũng có xã mới chỉ đạt 4-5 tiêu chí. Với Tân Thịnh, kinh nghiệm là rất quí nhưng để áp dụng cho toàn tỉnh thì chưa phải là toàn diện. Vì vậy kinh nghiệm xây dựng NTM ở Tân Thịnh chỉ là những kinh nghiệm bước đầu. Lãnh đạo tỉnh Băc Giang cũng như người dân đã nhận thức rất rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành… để xây dựng thành công việc NTM. Tất cả mới chỉ là bước đầu, và còn nhiều vấn đề đặt ra để từng địa phương áp dựng. Hy vọng không riêng gì kinh nghiệm ở Tân Thịnh mà còn nhiều tỉnh khác nữa sẽ giúp cho chúng tôi nhìn nhận một cách toàn diện hơn, đầy đủ hơn trong việc xây dựng NTM ở Bắc Giang.

Xin chân thành cảm ơn ông!


Viết Tôn (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN