Tây Ban Nha và CH Síp yêu cầu Eurozone cứu trợ

Tây Ban Nha vừa chính thức đề nghị được cấp gói giải cứu hệ thống ngân hàng nước này trị giá 100 tỷ euro (125 tỷ USD) mà Khu vực đồng euro (Eurozone) đã nhất trí dành cho nước này ngày 9/6, trong khi CH Síp trở thành nền kinh tế thứ 5 trong Eurozone phải xin cứu trợ tài chính, đánh dấu một tuần lễ nhiều sự kiện quan trọng trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) diễn ra trong hai ngày 28-29/6.

 

Tây Ban Nha và CH Síp vừa yêu cầu eurozone cứu trợ. Nguồn: Internet.

 

Bộ trưởng Tài chính CH Síp, Vassos Shiarly cho biết, không chỉ tìm kiếm sự trợ giúp từ Eurozone để tái cấp vốn cho hoạt động ngân hàng, mà quốc gia này còn cần hỗ trợ tài chính để đối phó với tình trạng thâm hụt ngân sách nặng nề. Số tiền cụ thể mà CH Síp xin cứu trợ sẽ được quyết định trong thời gian tới. Về phần mình, người đứng đầu nhóm các Bộ trưởng tài chính Eurozone (Eurogroup), Jean Claude Juncker nói, CH Síp sẽ phải đàm phán về các điều kiện cứu trợ với EU và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), bao gồm các giải pháp để giải quyết thách thức hiện nay đối với CH Síp, nhất là trong lĩnh vực tài chính-ngân hàng.

 

Tổng thống CH Síp Demetris Christofias đã triệu tập một cuộc họp khẩn cấp nhằm tham vấn lãnh đạo các đảng phái trong ngày 26/6 trước khi đề nghị cứu trợ chính thức được thông qua. Ngoài những tác động về kinh tế, ông Demetris Christofias đặc biệt lo ngại về khả năng sau khi nhận gói cứu trợ từ các đối tác trong Eurozone, Síp có thể sẽ đối mặt với những khó khăn nhiều hơn do những chính sách "thắt lưng buộc bụng" mà châu Âu áp đặt.

 

Ngay sau thông tin CH Síp phải "theo gót" Hy Lạp, Ailen, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha xin cứu trợ từ Eurozone, các thị trường chứng khoán toàn cầu và đồng euro đồng loạt sụt giảm khi giới đầu tư nhận định bi quan rằng các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ không thể thống nhất về những giải pháp căn bản nhằm hỗ trợ các nền kinh tế yếu kém trong khối. Như vậy, hiện đã có 5/17 nền kinh tế Eurozone phải tìm kiếm sự cứu trợ tài chính từ bên ngoài và Italia hoàn toàn có thể trở thành "nạn nhân" tiếp theo, trong bối cảnh "xứ sở mỳ ống" gặp rất nhiều khó khăn trong việc huy động vốn khi lãi suất trái phiếu chính phủ của nước này liên tục tăng mạnh.
Hãng xếp hạng tín dụng Fitch Ratings đã hạ bậc xếp hạng của CH Síp xuống chỉ còn mức BB+. Trước đó, hãng xếp hạng tín dụng Moody's cũng đã hạ từ 1-4 bậc xếp hạng tín nhiệm của 28 ngân hàng Tây Ban Nha. Tuyên bố trên của Moody được đưa ra sau khi tổ chức này ngày 13/6 đã hạ điểm tín nhiệm của trái phiếu chính phủ Tây Ban Nha từ A3 xuống còn Baa3 do gánh nặng nợ tăng lên và khả năng tiếp cận thị trường vốn bị hạn chế. Trong số các ngân hàng bị đánh tụt hạng lần này có Banco Santander, một trong những ngân hàng lớn nhất của Tây Ban Nha, bị hạ từ mức A3 xuống Baa2.

 

Trong thông cáo đưa ra cùng ngày, Moody's nhận định hệ thống ngân hàng Tây Ban Nha vẫn bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc khủng hoảng trên thị trường nhà đất hồi năm 2007. Động thái hạ xếp hạng của Moody's cũng cho thấy khả năng hỗ trợ ngân hàng của Chính phủ Tây Ban Nha có chiều hướng suy giảm. Theo giới phân tích, việc bị hạ xếp hạng đồng nghĩa với các khoản nợ mà ngân hàng bán ra tiềm ẩn nhiều rủi ro hơn, và do đó các định chế tài chính này sẽ khó khăn hơn trong việc huy động vốn, bởi nhà đầu tư sẽ đòi hỏi lãi suất cao đối với các khoản nợ bị coi là rủi ro hơn.

 

Việt Khoa (Theo AFP, Reuters)

Bốn trụ cột Eurozone quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng

Ngày 22/6, đại diện bốn nền kinh tế lớn nhất Khu vực đồng euro (Eurozone) đã có cuộc họp khẩn cấp tại thủ đô Rôma (Italia) để tìm biện pháp đối phó với cuộc khủng hoảng nợ ngày một trở nên trầm trọng đối với Pháp, Italia và Tây Ban Nha.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN