Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, mặc dù là quốc gia có sản lượng sầu riêng hàng đầu thế giới, nhưng người nông dân Thái Lan đang phải đối mặt với vấn đề sâu bệnh làm giảm năng suất cây trồng.
Để phòng trừ sâu bệnh, nhiều nông dân đã sử dụng thuốc hóa học để phun trên cây sầu riêng. Tuy nhiên, điều này không những khiến chi phí sản xuất tăng cao mà còn nguy hại đến sức khỏe của cả người trồng lẫn người tiêu dùng. Trong khi một số khác đã sử dụng túi lưới nông nghiệp để bọc sầu riêng. Túi lưới giúp ngăn được sâu ăn trái sầu riêng, nhưng lại không thể ngăn được rệp sáp và mốc đen. Mặt khác, cách làm như vậy khiến vỏ sầu riêng không hấp dẫn và thậm chí còn bị hỏng.
Trước thực trạng trên, Cơ quan Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (NSTDA) Thái Lan đã tiến hành nghiên cứu và phát triển, cũng như áp dụng thử nghiệm công nghệ mới để nâng cao giá trị của trái sầu riêng. Các nhà khoa học thuộc Nhóm Nghiên cứu công nghệ Polyme tiên tiến, Trung tâm Công nghệ vật liệu và kim loại quốc gia (MTEC) phối hợp với Học viện Công nghệ Mongkut Ladkrabang đã phát triển một hỗn hợp gồm hợp chất polyme và công nghệ tạo hình không sử dụng phương pháp dệt may thông thường để cho phép nước và không khí đi qua chất liệu này một cách dễ dàng. Bên cạnh đó, chất liệu này cũng sẽ có thể giúp điều tiết một lượng ánh sách thích hợp chiếu trên bề mặt quả sầu riêng.
Với sự phát triển này, một nguyên mẫu đã ra đời dưới dạng túi gói sầu riêng, với tên thương mại “Magik Growth”. Sầu riêng được bọc trong túi “Magik Growth” cho thấy có khả năng tạo ra các chất quan trọng trong trái cây, chẳng hạn như tinh bột, đường và các chất chống oxy hóa khác nhau.
Các thí nghiệm đã được thực hành trong cả phòng thí nghiệm và tại các đồn điền sầu riêng ở huyện Klaeng (tỉnh Rayong) từ năm 2019 đến nay. Các dữ liệu nghiên cứu cũng đã được thu thập một cách có hệ thống và kết quả cho thấy túi “Magik Growth” giúp nông dân tiết kiệm chi phí sản xuất. Phương pháp thân thiện với môi trường này cũng giúp làm giảm việc sử dụng thuốc trừ sâu hóa học, tăng trọng lượng trái, cải thiện chất lượng vỏ sầu riêng, qua đó giúp người nông dân sản xuất sầu riêng loại hảo hạng. Ngoài ra, túi có thể tái sử dụng trong ít nhất 2 vụ sản xuất hoặc trong thời gian khoảng 3 năm.
Sự đổi mới này được kỳ vọng sẽ đóng góp đáng kể vào sản xuất và xuất khẩu sầu riêng của Thái Lan. Điều này cũng phù hợp với chiến lược xây dựng Mô hình Kinh tế Sinh học - Tuần Hoàn - Xanh (BCG), trong đó kết hợp giữa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường tự nhiên, hệ sinh thái và an ninh con người.
Thái Lan kỳ vọng công nghệ mới sẽ góp phần giúp sản lượng sầu riêng trung bình hằng năm của nước này trong giai đoạn 2021-2025 sẽ đạt mức 2,02 triệu tấn, qua đó vươn lên thành quốc gia có sản lượng sầu riêng lớn nhất thế giới. Hiện Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất của Thái Lan khi chiếm 90% tổng giá trị xuất khẩu sầu riêng hơn 3 tỷ USD của nước này trong năm 2021.