Nhà kinh tế Somporn Isvilanonda của Viện mạng lưới kiến thức Thái Lan vừa cho rằng chính phủ nước này cần giúp nông dân cắt giảm giá thành và không nên trợ giá nhiều cho thóc gạo, vì chính sách này sẽ làm tổn hại cơ chế thị trường, khiến đất nước thua thiệt khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) hình thành vào năm 2015.
Theo ông Somporn, các nhà xuất khẩu Thái Lan không thể bán nhiều thóc gạo với giá cao ra thị trường bên ngoài trong bối cảnh xuất khẩu gạo Thái trong hai tháng đầu năm nay đã giảm 70% so với cùng kỳ năm 2011, do sức ép cạnh tranh từ Ấn Độ và Việt Nam. Trước việc lượng thóc gạo dự trữ sẽ tăng từ 5 - 6 triệu tấn hiện nay lên khoảng 10 triệu tấn trong thời gian tới, Chính phủ Thái Lan chưa có phương cách nào bán ra mà không bị lỗ, do chất lượng gạo sẽ giảm vì để lâu trong kho.
Theo ông Somporn, lượng gạo xuất khẩu của Thái Lan trên thị trường ASEAN sụt giảm và chỉ đạt khoảng 1 triệu tấn năm 2011, ít hơn rất nhiều so với con số 3 triệu tấn gạo của Việt Nam - nước thường bán gạo với giá thấp hơn gạo Thái chừng 100 USD/tấn. Tại thị trường châu Phi, gạo đồ của Thái Lan nhiều khả năng sẽ mất dần thị phần trước gạo cùng loại của Ấn Độ vốn có giá rẻ hơn. Trong tương lai, xuất khẩu gạo thơm của Thái Lan cũng có thể bị tác động trong bối cảnh Mianma, Việt Nam và Campuchia đang nâng cao chất lượng gạo.
TKT