Cơ chế thanh toán xuyên biên giới này được chính thức thực hiện từ ngày 26/3 và được cho là sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của hai quốc gia Thái Lan và Việt Nam cũng như cả khu vực ASEAN.
Sự kiện kết nối này là minh chứng cho việc thực hiện thành công các cam kết trong Bản ghi nhớ (MoU) về hợp tác giữa BoT và SBV trong lĩnh vực đổi mới tài chính được ký năm 2019 và sẽ giúp đạt mục tiêu thúc đẩy thương mại, đầu tư, du lịch song phương cũng như việc tăng cường sử dụng đồng nội tệ trong thanh toán giữa hai nước.
Việc kết nối thanh toán lần này cũng thể hiện một cột mốc quan trọng trong khuôn khổ Sáng kiến Kết nối thanh toán khu vực ASEAN, với mục tiêu kết nối các dịch vụ thanh toán của các nước ASEAN sử dụng công nghệ tài chính mới nhằm thúc đẩy hội nhập tài chính và phát triển bền vững của khu vực.
Dịch vụ mới nói trên sẽ tạo thuận lợi cho thanh toán xuyên biên giới giữa người dân hai nước, đặc biệt sau khi hoạt động qua lại biên giới trở lại bình thường, trong bối cảnh lượng khách du lịch giữa hai nước đạt khoảng 1,5 triệu lượt vào năm 2019. Dịch vụ sẽ cho phép khách du lịch từ Thái Lan sử dụng mã QR trên điện thoại di động để thanh toán mua sắm hàng hóa ở Việt Nam và ngược lại.
Theo Phó Thống đốc SBV Nguyễn Kim Anh, việc kết nối thử nghiệm thành công ngày 26/3 là một thành tựu quan trọng trong quan hệ hợp tác giữa hai ngân hàng trung ương nói riêng và hai quốc gia nói chung. Đây cũng là cột mốc quan trọng trong hợp tác giữa các ngân hàng trung ương ASEAN trong việc thực hiện sáng kiến ASEAN về kết nối thanh toán sử dụng mã QR tương thích với mục tiêu thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực và tiến trình chuyển đổi số của từng nền kinh tế.
Phó Thống đốc BoT Ronadol Numnonda khẳng định dự án này sẽ mang lại rất nhiều lợi ích, mang lại sự thuận tiện và an toàn cho người dân khi đi du lịch giữa hai nước, đồng thời giúp tăng trưởng ngành du lịch và góp phần thúc đẩy tiến trình chuyển đổi hướng tới xã hội số hóa hơn của hai quốc gia.
Dự án được thực hiện với sự phối hợp từ các tổ chức tài chính, ngân hàng của hai quốc gia dưới sự chỉ đạo chung của BoT và SBV. Công ty Cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) và Công ty Chuyển mạch quốc gia Thái Lan (NITMX) tham gia với vai trò các công ty chuyển mạch tài chính, trong khi Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) và Ngân hàng Bangkok đóng vai trò các ngân hàng quyết toán cho các dịch vụ thanh toán song phương của dự án.
Các ngân hàng cung cấp dịch vụ thanh toán bán lẻ sử dụng mã QR cho khách hàng thông qua ứng dụng trên điện thoại di động bao gồm Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TP Bank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) và Ngân hàng Bangkok của Thái Lan. Ngoài ra, một số ngân hàng khác đang tiếp tục thể hiện quan tâm tới việc tham gia vào dự án này với tư cách là ngân hàng cung cấp dịch vụ.
Trong giai đoạn hiện nay, cả BoT và SBV tin tưởng rằng việc thanh toán xuyên biên giới sử dụng mã QR sẽ là lựa chọn an toàn, hiệu quả và tiết kiệm cho thanh toán bán lẻ của người dân hai nước. Kết quả hợp tác này sẽ là động lực thúc đẩy hai bên tiếp tục hợp tác trong lĩnh vực đổi mới tài chính trong những năm tới.