Theo ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia, lưu vực sông Sê San có diện tích 11.450 km2 gồm 2 tỉnh Kon Tum và Gia Lai. Đây là vùng có vị trí chiến lược hết sức quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng đối với cả nước và khu vực Đông Dương, có nhiều tiềm năng ưu thế để phát triển kinh tế, hiện tại là một trong hai vùng sản xuất hàng hóa nông sản xuất khẩu lớn nhất của cả nước, sau Đồng bằng sông Cửu Long.
Hiện hầu hết các ngành, địa phương trên lưu vực sông Sê San đã có quy hoạch khai thác, sử dụng nước như quy hoạch thủy lợi, quy hoạch thủy điện... Tuy nhiên, các quy hoạch này mới chỉ tập trung vào việc đề xuất các giải pháp khai thác, sử dụng nước đáp ứng nhu cầu của từng ngành, địa phương mà chưa có đánh giá tổng thể về khả năng khai thác, sử dụng của từng nguồn nước trên lưu vực cũng như chưa xác định được chức năng của nguồn nước, các nguồn nước ưu tiên cho phát triển mang tính chiến lược trên lưu vực sông...
Mặt khác, việc quản lý khai thác, sử dụng tài nguyên nước trên lưu vực sông Sê San cần thực hiện các quy chế sử dụng nước theo quy định trong Hiệp định hợp tác Mê Công (1995). Do đó, để giải quyết những tồn tại trong khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước và phòng, chống tác hại do nước gây ra trong điều kiện biến đổi khí hậu nhằm chủ động được nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của các ngành, địa phương trên lưu vực sông Sê San cần có quy hoạch tổng hợp lưu vực sông.
Ông Nguyễn Ngọc Hà cho biết thêm, mục tiêu quy hoạch nhằm điều hòa, phân bổ công bằng, hợp lý nguồn nước giữa các đối tượng sử dụng nước, các vùng, các tỉnh trên lưu vực sông có xét đến sự biến động nguồn nước do tác động của biến đổi khí hậu; bảo vệ được các hệ sinh thái phụ thuộc vào nước, kiểm soát được tình trạng gia tăng ô nhiễm nguồn nước ở các khu dân cư, khu đô thị lớn, khu công nghiệp tập trung; phát triển tài nguyên nước, nâng cao hiệu quả kinh tế sử dụng nước và phòng, chống các tác hại do nước gây ra.
Dự thảo đã phân vùng quy hoạch thành 6 tiểu lưu vực: Thượng Đăk Bla, Hạ Đăk Bla, Thượng Sê San, Trung Sê San, Hạ Sê San, Sa Thầy. Tổng lượng nước có thể khai thác, sử dụng trên lưu vực sông Sê San đến năm 2030 không vượt quá 14,3 tỷ m3, đến năm 2050 không vượt quá 14,1 tỷ m3.
Dựa vào hiện trạng nhu cầu khai thác sử dụng nước, dự thảo đã xây dựng, đánh giá và lựa chọn kịch bản để đưa ra dự báo nhu cầu khai thác sử dụng tài nguyên nước. Tổng nhu cầu khai thác, sử dụng nước trên toàn lưu vực sông Sê San đến năm 2030 khoảng 1 tỷ m3, đến năm 2050 khoảng 1,5 tỷ m3. Dựa vào mục đích sử dụng nước, dự thảo đã phân chức năng nguồn nước gồm cấp nước cho sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, thủy điện và du lịch - dịch vụ.
Ý kiến của nhiều thành viên Hội đồng thẩm định đều đánh giá tính cấp thiết của việc thực hiện nhiệm vụ lập Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Sê San đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch sẽ góp phần quan trọng đối với công cuộc phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương thuộc lưu vực; là cơ sở, định hướng để triển khai các quy hoạch khác trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, Hội đồng thẩm định đã có những góp ý chi tiết, cụ thể để hoàn thiện Dự thảo nhiệm vụ Quy hoạch về nội dung, phương pháp, sản phẩm của Nhiệm vụ và cách thức thực hiện trong thời gian sớm nhất...
Chỉ đạo cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đề nghị Trung tâm Quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước quốc gia tiếp tục rà soát, tổng hợp các ý kiến góp ý của các đơn vị; đặc biệt chú trọng đến các nội dung liên quan đến phân vùng chức năng nguồn nước, mục đích sử dụng, đề xuất các công trình phát triển nguồn nước trong kỳ quy hoạch, bảo vệ nguồn sinh thủy, nguồn nước dưới đất… nhằm đảm bảo các vấn đề phát triển bền vững; phòng, chống thiên tai và phòng, chống tác hại do nước gây ra.