Cụ thể, xuất khẩu đã giảm mạnh trong tháng 7 khi hàng hóa Mỹ đối mặt với các biện pháp đáp trả thuế quan ở nhiều nước. Chênh lệch giữa nhập khẩu và xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ đã tăng hơn 4 tỷ USD, tương đương 9,5%, lên 50,1 tỷ USD. Đây là tháng thứ hai liên tiếp thâm hụt thương mại của Mỹ tăng sau khi xuất khẩu đã tăng vọt trong tháng 5, giúp bù đắp được ảnh hưởng từ các biện pháp thuế quan nhằm vào sản phẩm Mỹ xuất sang nước ngoài.
Nhập khẩu của Mỹ trong tháng 7 đã tăng 0,9% lên 261,2 tỷ USD, mức kỷ lục cả về sức mua hàng hóa lẫn dịch vụ. Trong khi đó, xuất khẩu đã giảm 1% xuống 211,1 tỷ USD, với số lượng hàng hóa công nghiệp và dầu mỏ đạt mức kỷ lục. Doanh thu từ mặt hàng đậu tương đã giảm 700 triệu USD do các biện pháp thuế quan từ Trung Quốc, trong khi nhập khẩu dầu mỏ đạt mức cao nhất trong 4 năm lên 23,6 tỷ USD, với mức giá trung bình cao nhất trong 4 năm là 64,63 USD/thùng. Xuất khẩu và nhập khẩu ô tô đều tăng, song mặt hàng máy bay lại giảm 1,6 tỷ USD.
Xét theo thị trường, thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc và Liên minh châu Âu (EU) đã tăng lên mức kỷ lục lần lượt là 36,8 tỷ USD và 17,6 tỷ USD, diễn biến này trái ngược với những tuyên bố của Tổng thống Trump khi ông quyết định áp đặt thuế quan. Trong khi đó, thâm hụt thương mại với Canada cũng tăng từ 1 tỷ USD lên 3,1 tỷ USD. Trái ngược với xu hướng này, thâm hụt với Mexico lại giảm gần 2 tỷ USD xuống 5,5 tỷ USD.
Trước đó, với lý do an ninh quốc gia, Tổng thống Trump đã tuyên bố áp mức thuế 25% và 10% lần lượt đối với mặt hàng thép và nhôm nhập khẩu từ EU, Canada và Mexico. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 1/6 vừa qua. Mỹ cũng thời áp mức thuế quan đối với số mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 50 tỷ USD. Các nhà phân tích đang theo dõi chặt chẽ tình hình quan hệ thương mại giữa Washington và Bắc Kinh trong bối cảnh những đồn đoán rằng chính quyền của Tổng thống Trump sẽ tiến hành áp thuế lên lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc sớm nhất trong tuần này.