Theo đó, 4 địa điểm được chọn trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm OCOP, gồm: Trung tâm Trưng bày hàng hóa tỉnh Thanh Hóa của Chi nhánh VCCI (số 91 đường Nguyễn Chí Thanh, phường Đông Thọ); quầy bán hàng trong chu ng cư Xuân Mai (phường Đông Hải); cửa hàng giới thiệu sản phẩm của Viện Nông nghiệp Thanh Hóa (số 567 Quang Trung 3, phường Đông Vệ) và quầy hàng Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh (18, đường Hạc Thành, phường Điện Biên).
Tại mỗi điểm đều có hàng chục sản phẩm hàng hóa đặc trưng của các vùng, miền trong tỉnh đã được công nhận là sản phẩm OCOP. Ngoài ra, nhiều sản phẩm đang được xây dựng thành sản phẩm OCOP, những sản phẩm nông - lâm nghiệp tiềm năng cũng được bày bán để tăng thêm sự lựa chọn cho khách hàng.
Văn phòng Điều phối Chương trình Xây dựng Nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa sẽ hỗ trợ một phần kinh phí để chủ các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất duy trì gian hàng.
Chị Nguyễn Kiều Nga (phường Tân Sơn, thành phố Thanh Hóa) cho biết: "Tôi thường hay mua sắm tại điểm bán hàng của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh. Từ khi tỉnh đưa vào hoạt động quầy trưng bày và giới thiệu sản phẩm OCOP tại điểm này, tôi thấy, việc đi chợ, sắm sửa trở nên dễ dàng. Chỉ cần ra cửa hàng là đã mua được những đặc sản vùng, miền trong tỉnh, hơn nữa yên tâm về chất lượng, an toàn thực phẩm và giá cả. Tôi mong sẽ có nhiều hơn nữa các điểm bán hàng cũng như đa dạng hóa các sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh để tăng thêm sự lựa chọn cho người tiêu dùng".
Công ty cổ phần Xây dựng và Thương mại Phong cách là đơn vị có 2 sản phẩm được trưng bày tại các gian hàng OCOP tỉnh Thanh Hóa, gồm dưa lưới Taki, dưa chuột baby.
Giám đốc công ty Trần Văn Tân cho hay: "Hai sản phẩm này của chúng tôi được đánh giá 4 sao. Dưa lưới Taki là giống dưa ngon nhất của Nhật Bản, được trồng trong môi trường trong lành và chăm sóc khắt khe. Từ khi tham gia chương trình OCOP của tỉnh, tôi nhận thấy thị trường của mình được mở rộng hơn, được đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đón nhận. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đầu tư nâng cao chất lượng, mẫu mã cho những sản phẩm của mình, phấn đấu nâng sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao".
Ðể xây dựng thương hiệu và đẩy mạnh hoạt động kết nối tiêu thụ nông sản, tỉnh Thanh Hóa đã hỗ trợ 13 sản phẩm đạt sao với mức hỗ trợ 75 triệu đồng/sản phẩm để thực hiện các nội dung: tuyên truyền, quảng bá sản phẩm; in tem, nhãn, QR code; in bao bì...
Đến thời điểm hiện tại, Thanh Hóa đã có 42 sản phẩm được công nhận đạt sản phẩm OCOP cấp tỉnh từ 3-5 sao, trong đó có 2 sản phẩm 5 sao đã đề xuất trở thành sản phẩm OCOP Quốc gia là nước mắm Lê Gia - cốt đặc biệt và mắm tôm Lê Gia (của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Thực phẩm và thương mại dịch vụ Lê Gia, xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa).
Mới đây, tại sự kiện "Giới thiệu - quảng bá - kết nối sản phẩm OCOP gắn với văn hóa các tỉnh miền núi phía Bắc” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổ chức, Văn phòng Điều phối Chương trình Xây dựng Nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa đã tham gia 4 gian với hơn 20 sản phẩm OCOP được giới thiệu, quảng bá và bày bán đến khách hàng thủ đô.
Ông Trần Đức Năng, Phó Chánh Văn phòng Xây dựng Nông thôn mới Thanh Hóa cho biết, đây là hoạt động nằm trong chương trình xúc tiến quảng bá sản phẩm OCOP tỉnh Thanh Hóa, nhằm đưa các sản phẩm OCOP đến với đông đảo người tiêu dùng trong tỉnh, góp phần thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ sản phẩm OCOP.
"Để các sản phẩm OCOP Thanh Hóa ngày càng phát triển, tạo sự đột phá trong sản xuất, kinh doanh, thời gian tới chúng tôi sẽ đẩy nhanh tiến độ đánh giá, phân loại sản phẩm OCOP. Đồng thời phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức nhiều hơn các chương trình kết nối giao thương sản phẩm nhằm thúc đẩy tất cả các khâu từ sản xuất đến tiêu thụ, mang tới người tiêu dùng thêm nhiều sản phẩm chất lượng tốt, góp phần phát triển, nâng cao giá trị sản phẩm, thu nhập cho người dân", ông Năng cho biết.
Năm 2020, tỉnh Thanh Hóa phấn đấu có ít nhất 1 sản phẩm được đề xuất chứng nhận sản phẩm OCOP cấp Ọuốc gia; 40 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh.