Diễn biến khó lường
Sáng 22/5, báo cáo với Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa tại phiên họp thường kỳ tháng 5 về tình hình diễn biến của dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn, đồng chí Lê Đức Giang, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa cho biết: Sau hơn 1 tháng tạm lắng, khi các xã thuộc huyện Thiệu Hóa, Yên Định, Đông Sơn, thành phố Thanh Hóa… công bố hết dịch, một số địa phương như: Hoằng Hóa, Thọ Xuân… thông báo đã cơ bản kiểm soát dịch, thì dịch tả lợn châu Phi lại bùng phát trên diện rộng tại các huyện Hậu Lộc, Quảng Xương, Triệu Sơn với tốc độ lây lan nhanh hơn trước.
Tính đến nay, toàn tỉnh đã có 856 hộ với 9.462 con lợn mắc bệnh buộc phải tiêu hủy, với trọng lượng 621.864 kg. Dịch hiện đã xuất hiện tại 135 xã của 20 huyện rải đều từ trung tâm thành phố Thanh Hóa đến các huyện miền núi cao như Quan Sơn, Quan Hóa… Điều này cho thấy việc phòng chống dịch hiện nay vẫn cần phải được thực hiện ở mức cao nhất, không thể chủ quan, lơ là.
Quảng Xương là một trong những địa phương bị xâm nhiễm bệnh dịch tả lợn châu Phi muộn trên địa bàn, nhưng tốc độ lây lan đáng lo ngại.
Chỉ từ ngày 2/5 đến ngày 19/5, dịch tả lợn châu Phi đã bùng phát, lây lan trên địa bàn 23/30 xã, thị trấn. Ngoài ra, 4 xã Quảng Vọng, Quảng Trạch, Quảng Văn, Quảng Định cũng đã phát hiện tình trạng lợn chết bất thường, với số lợn phải tiêu hủy toàn huyện 1.488 con, trọng lượng 102.832 kg. Trên địa bàn huyện hiện chỉ có 3 đơn vị chưa có biểu hiện mắc dịch là thị trấn Quảng Xương, xã Quảng Phúc và xã Quảng Lợi.
Thành phố Thanh Hóa là một trong 3 địa phương đầu tiên trên địa bàn tỉnh công bố dịch tả lợn châu Phi vào ngày 15/3 tại xã Đông Lĩnh. Ngày 15/4, thành phố Thanh Hóa cũng là 1 trong 3 địa phương đầu tiên công bố hết dịch. Cùng với việc chính thức công bố hết dịch tả lợn châu Phi tại xã Đông Lĩnh, kể từ ngày 16/4, thành phố cũng công bố hết vùng bị dịch uy hiếp tại các phường, xã thuộc thành phố, gồm: Đông Cương, Đông Thọ, Phú Sơn và Đông Tân.
Các hoạt động chăn nuôi, thú y, giết mổ, vận chuyển, tiêu thụ, chế biến tại địa bàn các phường, xã trên được hoạt động bình thường trở lại. Tuy nhiên, ngày 12/5, dịch bệnh bùng phát trở lại trên địa bàn với tốc độ nhanh và diện rộng tại 14 hộ thuộc 4 xã, phường: Quảng Cát, Quảng Phú, Quảng Đông, Phú Sơn. Tổng số đàn lợn phải tiêu hủy từ ngày 12/5 đến ngày 20/5 là 172 con với trọng lượng gần 8,6 tấn, gấp nhiều lần so với đợt dịch trước.
Đồng bộ các giải pháp
Trước những diễn biến phức tạp, khó lường của dịch bệnh, vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Đình Xứng đã kiểm tra, chỉ đạo việc phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi tại huyện Quảng Xương, một trong những “điểm nóng” của dịch tả lợn châu Phi thời điểm này.
Tại buổi làm việc và kiểm tra, đại diện lãnh đạo huyện Quảng Xương đã báo cáo với đoàn các giải pháp đã triển khai thực hiện; trong đó trọng tâm là chỉ đạo các biện pháp tuyên truyền, các điều kiện, phương tiện phòng, chống, ngăn chặn và dập dịch, tiêu độc khử trùng, quản lý giết mổ, lập chốt kiểm dịch để kiểm soát khâu lưu thông…
Huyện cũng nêu một số khó khăn dẫn đến việc phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi chưa hiệu quả, dẫn đến dịch bệnh lây lan nhanh. Cụ thể, địa bàn huyện có chiều dài Quốc lộ 1A đi qua lớn nên tình hình lưu thông diễn ra khá phức tạp; một số tiểu thương vận chuyển lợn xen ghép với các thực phẩm khác nên không thực hiện được khâu tiêu độc khử trùng.
Một số xã trên địa bàn có diện tích trồng thuốc lào lớn, trong khi đó, bà con sử dụng nguồn phân chuồng bón cho thuốc lào được mua từ nhiều tỉnh khác và chưa có quy trình xử lý triệt để, khiến mầm bệnh lây lan nhanh. Huyện cũng thẳng thắn nhìn nhận việc thực hiện tiêu độc, khử trùng tại các chốt kiểm dịch chưa được thực hiện thường xuyên. Cán bộ chuyên môn chưa đủ số người, số thành phần, biện pháp kỹ thuật thực hiện chưa bảo đảm, chưa đúng yêu cầu của ngành thú y.
Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, mặc dù đã có những văn bản, hướng dẫn khá bài bản của cấp trên, UBND huyện cũng thực hiện triển khai, ban hành khá đầy đủ các kế hoạch, chỉ thị, tuy nhiên do thiếu sự kiểm tra, giám sát nên việc chỉ đạo phòng chống dịch tại Quảng Xương hiệu quả thấp, dịch bệnh bùng phát nhanh trên diện rộng và gây thiệt hại lớn. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu UBND huyện Quảng Xương thực hiện kiểm điểm, phê bình Phó Chủ tịch phụ trách nông nghiệp huyện; trong đó làm rõ trách nhiệm và việc triển khai thực hiện nhiệm vụ của đồng chí này trong quá trình chỉ đạo với phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi.
Trước những diễn biến phức tạp và nguy cơ phát sinh bệnh dịch tả lợn châu Phi trên diện rộng, tại cuộc họp trực tuyến với các địa phương để bàn các giải pháp đẩy lùi dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đình Xứng giao nhiệm vụ, kêu gọi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị cùng “ra tay” dập dịch. Hơn lúc nào hết, vai trò của người đứng đầu các địa phương cần được phát huy một cách cao độ.
Ngoài ra, việc kiểm soát giết mổ tại các cơ sở nhỏ lẻ phải được các địa phương giám sát triệt để. Các lực lượng chức năng cần phải tịch thu, tiêu hủy tất cả sản phẩm từ lợn được bày bán mà không có nguồn gốc, không có dấu kiểm dịch thú y. Các địa phương tăng cường tuyên truyền cho nhân dân các biện pháp chăn nuôi an toàn, thực hiện cho lợn “ăn chín”, “uống sôi”, “cách ly” với các yếu tố gây bệnh; quan tâm, chuẩn bị đầy đủ vật tư, vật lực và kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch một cách chặt chẽ nhất, sớm đẩy lùi bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn.