Đợt 4 năm 2021 có 60 sản phẩm của 23 huyện, thị xã, thành phố tham gia đánh giá, xếp hạng; trong đó, có 6 sản phẩm hoàn thiện từ đợt 3 và 54 sản phẩm tham gia đánh giá đợt mới.
Kết quả có 10 sản phẩm đạt 4 sao và 28 sản phẩm được các thành viên trong Hội đồng thống nhất chấm điểm đạt 3 sao. Những sản phẩm được tham gia đánh giá, xếp hạng công nhận sản phẩm OCOP lần này đều có quy mô sản xuất từ trung bình trở lên, có xu hướng phát triển tốt, có khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Chẳng hạn như sản phẩm ghế thư giãn cao cấp của Công ty trách nhiệm hữu hạn Sản xuất và Thương mại Bamboovina (huyện Hà Trung); sản phẩm gạo ngọc trai của công ty cổ phần thương mại Sao Khuê (Đông Sơn); sản phẩm dưa vàng Vạn Hà của hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Thiệu Hưng… 3 sản phẩm đề nghị tiếp tục hoàn thiện hồ sơ và sản phẩm, sắp xếp theo lộ trình để đề nghị Hội đồng tỉnh đánh giá, xếp hạng đợt sau là tinh dầu xịt phòng xả chanh; xịt rửa tay khô kháng khuẩn tinh dầu ANTIVI (huyện Thạch Thành) và sản phẩm sứa tươi Hưng Thanh (thành phố Sầm Sơn).
Ông Phan Xuân Hùng, Trường phòng OCOP, Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa cho biết, trong đợt xếp loại lần này có nhiều sản phẩm do thiếu một số tiêu chí nên Hội đồng đề nghị tiếp tục hoàn thiện để tham gia đánh giá, xếp hạng đợt sau. UBND tỉnh cũng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục hỗ trợ các chủ thể thông qua các cơ chế, chính sách, giải quyết khó khăn, vướng mắc để có thêm các sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Theo báo cáo của Văn phòng điều phối xây dựng nông thôn mới tỉnh Thanh Hóa, tính đến thời điểm hiện tại, tỉnh Thanh Hóa đã có 158 sản phẩm được đánh giá, xếp hạng OCOPcấp tỉnh; trong đó, có 1 sản phẩm 5 sao; 40 sản phẩm 4 sao; 117 sản phẩm 3 sao.
Riêng năm 2021, tỉnh Thanh Hóa giao chỉ tiêu cho các địa phương xây dựng 80 sản phẩm OCOP, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại đã có 89 sản phẩm OCOP được công nhận, xếp loại; trong đó, có 23 sản phẩm 4 sao và 66 sản phẩm 3 sao.