Điều này không giống với thông lệ hàng năm khi cuối năm là thời điểm nhu cầu vốn tăng cao và các ngân hàng thường tăng lãi suất để “trưng dụng” vốn.
Báo cáo tuần từ 28/11 - 2/12, Ngân hàng Nhà nước cho biết, có một số ngân hàng điều chỉnh giảm lãi suất huy động tập trung ở kỳ hạn ngắn. Hiện mặt bằng lãi suất huy động VND phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,5-5,4%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,4-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,4-7,2%/năm.
Biểu lãi suất công bố ngày 29/11 của BIDV điều chỉnh giảm lãi suất tiền gửi không kỳ hạn từ 0,3% xuống 0,2%. Ngoài ra, kỳ hạn 36 tháng từ 7,0% xuống 6,8%. Agribank mới đây cũng giảm lãi suất tiết kiệm không kỳ hạn và tiền gửi thanh toán từ 0,5% xuống 0,3%, với kỳ hạn 1 tháng tăng nhẹ 0,1% lên 4,3%.
Nhiều ngân hàng mạnh dạn hạ lãi suất huy động. Ảnh: Trần Việt/TTXVN |
Cuối tháng 11, VietCapital Bank áp mức lãi suất huy động mới giảm 0,05% đối với kỳ hạn 1-5 tháng; giảm 0,1% với các kỳ hạn 13 và 18 tháng. Hiện lãi suất kỳ hạn 1-2 tháng là 5,3%, 3-5 tháng là 5,4%, 13 tháng là 7,5%, 18 tháng là 7,9%. Trước đó, vào ngày 09/11, ngân hàng này đã giảm 0,1% ở các kỳ hạn 6, 13 và 18 tháng xuống lần lượt 7%, 7,6% và 8%.
Sacombank cũng điều chỉnh giảm lãi suất huy động với các kỳ hạn ngắn. Cụ thể, kỳ hạn 2 tháng và 3 tháng cùng giảm 0,1% xuống tương ứng 4,9% và 5,2%. Ngược lại, các kỳ hạn dài từ 15-36 tháng cũng được điều chỉnh tăng 0,2% lên 7%.
Giới phân tích nhìn nhận, đây là động thái tích cực nhằm tiết giảm chi phí, phấn đấu cắt giảm lãi suất cho vay, qua đó hỗ trợ hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế. Một số ngân hàng nhỏ trước đây đã áp dụng lãi suất khá cao nay điều chỉnh lại cho phù hợp với mặt bằng chung. Và cũng dễ nhìn thấy là việc hạ lãi suất lần này chỉ tập trung ở các ngân hàng có thị phần và tình trạng thanh khoản tốt.
Ngân hàng Nhà nước cho biết, trong 11 tháng qua, cơ quan này đã điều hành cung tiền hợp lý tạo điều kiện ổn định mặt bằng lãi suất và giảm sức ép lên lãi suất cho vay, hỗ trợ phát hành trái phiếu Chính phủ, đồng thời hỗ trợ ổn định tỷ giá và tăng dự trữ ngoại hối nhà nước, đảm bảo kiểm soát lạm phát. Tổng phương tiện thanh toán có tăng cao hơn cùng kỳ nhưng chưa tạo sức ép đến lạm phát. Đến ngày 22/11/2016, tổng phương tiện thanh toán tăng 14,92%, huy động vốn tăng 15,28% so với cuối năm 2015. Thanh khoản của hệ thống các tổ chức tín dụng tiếp tục được đảm bảo, thị trường liên ngân hàng hoạt động thông suốt.
Ngân hàng Nhà nước khẳng định, cơ quan này vẫn kiên định điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến vĩ mô và thị trường tiền tệ, qua đó việc ổn định được mặt bằng lãi suất trong năm 2016. Trên cơ sở diễn biến lạm phát cơ bản ổn định ở mức thấp, thị trường ngoại tệ và tỷ giá diễn biến trong tầm kiểm soát, Ngân hàng Nhà nước chủ động điều tiết thanh khoản của hệ thống, lãi suất thị trường liên ngân hàng ở mức thấp, qua đó tạo điều kiện ổn định lãi suất huy động, giảm sức ép lên lãi suất cho vay.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng cân đối vốn để duy trì ổn định lãi suất huy động, tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay; điều chỉnh tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn giảm dần theo lộ trình đã góp phần giảm sức ép lên lãi suất đối với các tổ chức tín dụng. Kết quả là đã ổn định được mặt bằng lãi suất, một số tổ chức tín dụng điều chỉnh giảm lãi suất cho vay hỗ trợ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong khi vẫn kiểm soát được lạm phát.
Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước vẫn khẳng định sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp điều hành nhằm phấn đấu ổn định lãi suất.