Đây là một trong những công trình trọng điểm, đặc biệt quan trọng nhằm giải quyết ùn tắc và phát triển giao thông tại cửa ngõ Đông Bắc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội Thành phố. Thi công xây dựng từ năm 2012, đến nay, dự án mới thi công được 62,5% tổng khối lượng. Với mục tiêu đưa vào vận hành cuối năm 2020, dự án này cần sự tăng tốc mạnh mẽ để “về đích” như kế hoạch.
Trong gần 2 năm tới, dự án metro số 1 cần thi công đạt gần 40% khối lượng còn lại để đưa vào vận hành theo tiến độ đề ra. Dù muốn tăng tốc trong năm 2019 để bù lại phần chậm tiến độ của những năm trước, nhất là năm 2018, nhưng dự án này đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc về thủ tục pháp lý, thay đổi thiết kế, giải ngân vốn... Hiện TP Hồ Chí Minh đã và đang nhận diện các rào cản, qua đó tháo gỡ cho tuyến metro thông suốt.
Nhiều sai phạm
Trong năm 2018, Báo cáo kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước và Kết luận Thanh tra của Thanh tra TP Hồ Chí Minh đã chỉ ra hàng loạt sai phạm tại dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên. Kiểm toán Nhà nước chỉ rõ các sai phạm từ thẩm quyền phê duyệt, điều chỉnh tổng mức đầu tư cho đến công tác quản lý chi phí đầu tư, đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, ký kết hợp đồng…
Theo Kiểm toán Nhà nước, UBND TP Hồ Chí Minh phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên theo Quyết định số 4480/QĐ-UBND ngày 21/9/2011 với tổng mức đầu tư khoảng 47.325 tỷ đồng là chưa đúng giá trị, chưa tuân thủ trình tự thủ tục và chưa đúng thẩm quyền.
Theo đó, tổng mức đầu tư dự án được lập có tới 60% giá trị chưa đảm bảo cơ sở để xác định tính toán như: khối lượng, đơn giá, định mức, một số giá thiết bị nhập khẩu trong dự toán cao hơn nhiều so với giá dự thầu; còn tồn tại về tính toán khối lượng, dự phòng khối lượng, dự phòng trượt giá, lãi vay đã làm tăng tổng mức đầu tư bất hợp lý.
Những sai phạm này đã khiến việc triển khai dự án không đạt được như kế hoạch đề ra. Ông Bùi Xuân Cường, Trưởng Ban Quản lý Đường sắt Đô thị thừa nhận, dự án gặp nhiều khó khăn. Đó là, khó khăn trong việc hoàn thiện cơ sở pháp lý về điều chỉnh dự án đầu tư, điều chỉnh tổng mức đầu tư; sự chậm trễ trong bàn giao mặt bằng, sự điều phối còn thiếu đồng bộ trong quá trình thi công các gói thầu thiết kế - thẩm định di đời các tiện ích, hạ tầng kỹ thuật… đã ảnh hưởng đến dự án. Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa chủ đầu tư, tư vấn và nhà thầu chưa đồng bộ; giải ngân bị ách tắc dẫn đến một số hạng mục thi công chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra.
Trên cơ sở kết luận nêu trên, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Ban Quản lý Đường sắt Đô thị TP Hồ Chí Minh tổ chức đàm phán, thương thảo với các nhà thầu để giảm giá hợp đồng các gói thầu CP1b, CP2 và tư vấn chung, tránh thất thoát, lãng phí vốn đầu tư. Đồng thời, đơn vị này rà soát khối lượng, đơn giá, định mức và các căn cứ pháp lý xây dựng dự toán, giá gói thầu để điều chỉnh giảm giá trị dự toán các gói thầu CP1a, CP1b, CP2. Ngoài ra, Ban Quản lý Đường sắt Đô thị TP Hồ Chí Minh kiểm tra, rà soát và giảm giá trị quyết toán gói thầu CP1a đối với các hạng mục không thuộc chi phí dự án tuyến số 1.
Các nội dung liên quan đến báo cáo của Kiểm toán Nhà nước, kết luận của Thanh tra Thành phố cũng chỉ ra một số vấn đề cần khắc phục, điều chỉnh để thực hiện dự án đảm bảo theo các hợp đồng và quy định của pháp luật.
Theo ông Bùi Xuân Cường, rất nhiều nội dung liên quan đã tác động đến dự án, dẫn đến giải ngân cho các gói thầu bị chậm. Tuy nhiên, trên công trường, các kỹ sư, công nhân đã rất nỗ lực đẩy nhanh công việc. Quan điểm của Ban Quản lý Đường sắt Đô thị là nhanh chóng tháo gỡ mọi vấn đề, kể cả về nguồn vốn. Tuy nhiên, có nhiều nội dung vượt quá thẩm quyền của chủ đầu tư, nhiều mốc thanh toán hiện vẫn vướng về pháp lý nhưng đang thực hiện hoàn tất các hồ sơ.
“Phải đồng bộ từ cơ sở pháp lý đến triển khai thi công ngoài công trường. Hiện có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến tiến độ chung cần phải tháo gỡ. Nhiều gói đã trễ tiến độ nhưng việc gia hạn phải trên cơ sở của tiến độ chung toàn dự án. Quan trọng nhất là tiến độ tổng thể của toàn dự án, từ đó điều phối tiến độ của từng gói thầu. Chúng tôi hy vọng sẽ tiếp tục hoàn thiện và có cách thức phối hợp để đảm bảo mục tiêu mỗi bên, hoàn thành đúng tiến độ dự án vào năm 2020”, ông Bùi Xuân Cường bày tỏ.
Chậm kế hoạch
Dự án tuyến metro số 1 có 4 gói thầu chính sử dụng vốn vay ODA từ Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) và vốn đối ứng của TP Hồ Chí Minh, bao gồm 3 gói thầu xây dựng và một gói thầu cơ điện.
Ông Dương Hữu Hòa, Giám đốc tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) thông tin, theo kế hoạch, tổng lũy kế tiến độ hết năm 2018 là 65% nhưng chỉ đạt được 62%. Cụ thể gói thầu CP1a lũy kế đạt 54,5%, gói thầu CP1b đạt 71%, gói thầu CP2 đạt 79%, gói thầu CP3 đạt 41%. Nguyên nhân của việc chậm trễ này là do chậm thanh toán, ảnh hưởng tiềm lực kinh tế của nhà thầu. Ban Quản lý thừa nhận, trong quá trình giải quyết công việc, thay đổi trong văn bản quy phạm pháp luật, nhiều vấn đề chưa được giải quyết nhanh.
Theo kế hoạch đặt ra, Ban Quản lý Đường sắt Đô thị TP Hồ Chí Minh cho rằng, vẫn kiểm soát được tiến độ của dự án. Nhưng một số vấn đề khó khăn chưa được tháo gỡ kịp thời trong quá trình triển khai thi công như chưa hoàn thiện cơ sở pháp lý trong điều chỉnh đầu tư, tổng mức đầu tư của dự án. Ngoài ra, một số khó khăn liên quan đến bồi thường giải phóng mặt bằng, di dời hạ tầng kỹ thuật trước đây, dẫn đến một số gói thầu cần phải gia hạn hợp đồng.
Ông Bùi Xuân Cường nhận định, khó khăn về giải ngân trong quá trình bố trí nguồn vốn dẫn đến nhà thầu chưa đủ nguồn lực tập trung thi công nhiều hạng mục tại công trường. Trong việc phối hợp thực hiện giao diện các gói thầu, cần tập trung tháo gỡ các vấn đề vướng mắc, đặc biệt là giữa các gói thầu thiết bị, xây lắp để đảm bảo tính đồng bộ đưa vào khai thác dự án trong quá trình đưa vào sử dụng năm 2020.
Đại diện các nhà thầu cũng nhiều lần ý kiến về việc nhiều gói thầu hiện vẫn chưa được thanh toán tiền dẫn đến khó khăn, có gói thầu đã bị chậm đến hơn nửa năm; chi phí bảo dưỡng, phát sinh bởi nhiều thiết bị nhập chưa được lắp đặt nên phải bảo dưỡng; qua đó, đề nghị cần nhanh chóng thúc đẩy thanh toán càng sớm càng tốt để đảm bảo tiến độ.
Đối với các vấn đề về thẩm định hồ sơ chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu, Sở Giao thông Vận tải TP Hồ Chí Minh đánh giá, nguyên nhân là chất lượng hồ sơ chưa đảm bảo. Ngoài ra, sự phối hợp giữa các đơn vị liên quan chưa tốt, bởi hồ sơ gửi lên Sở nhưng có nhiều nội dung liên quan đến các sở ngành khác nên phải lấy ý kiến thẩm định từ các đơn vị khác. Vì vậy, Ban quản lý Đường sắt Đô thị TP Hồ Chí Minh phải là đầu mối, chủ động phối hợp giải quyết các vấn đề, làm sao để hồ sơ các gói thầu đạt chất lượng, không phải chuyển qua chuyển lại.
Bài 2: Gỡ vướng để bứt tốc