Cùng với đó, các chính sách gia hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong những tháng tới đây tiếp tục ảnh hưởng trực tiếp đến thu ngân sách. Do đó, ngành thuế sẽ theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình "sức khỏe" doanh nghiệp, hoạt động sản suất, kinh doanh của người nộp thuế, tập trung hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cho người nộp thuế ổn định sản xuất kinh doanh.
Ngành thuế tiếp tục thực hiện tốt Nghị định số 52/2021/NĐ-CP của Chính phủ về gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất, khẩn trương đưa chính sách kịp thời vào cuộc sống. Trong số đó, tổ chức tuyên truyền sâu rộng nội dung chính sách gia hạn nộp tiền thuế, tiền thuê đất, tới toàn thể người nộp thuế hiểu và nắm được chính sách hỗ trợ của nhà nước trước và ngay sau khi Nghị định số 52/2021/NĐ-CP được ban hành. Nâng cấp toàn diện hệ thống công nghệ thông tin trong quản lý thuế để theo dõi số tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn và dừng tính tiền chậm nộp, theo dõi và đôn đốc người nộp thuế nộp các khoản tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn khi hết thời gian gia hạn.
Đồng thời, tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế, nâng cao chất lượng dịch vụ kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, hóa đơn điện tử; đẩy nhanh tiến độ xử lý hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng đảm bảo kiểm soát chặt chẽ, hoàn thuế đúng đối tượng theo đúng chính sách pháp luật góp phần giúp người nộp thuế có thêm nguồn vốn duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Thời gian tới ngành thuế sẽ tiếp tục theo dõi sát tình hình, phân tích và đánh giá cụ thể số thu ngân sách của quý II/2021, từ đó kiến nghị các giải pháp thu những tháng cuối năm và xây dựng dự toán thu năm 2022.
Tổng cục trưởng Cao Anh Tuấn cho biết, thu ngân sách nhà nước 5 tháng đạt 51,6% so với dự toán, bằng 114,5% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó, thuế thu nhập cá nhân có tiến độ thu cao, đạt 60,2% dự toán và tăng 12,7% so với cùng kỳ.
Theo lãnh đạo Tổng cục Thuế, dù từ ngày 1/7/2020, ngành thuế đã thực hiện tăng mức triết trừ gia cảnh, nhưng số thu từ thuế thu nhập cá nhân vẫn tăng và tập trung vào các khoản thu từ chứng khoán tăng 320% so với cùng kỳ năm trước, từ đầu tư vốn của cá nhân tăng 169% so với cùng kỳ, từ chuyển nhượng bất động sản tăng 183% so với cùng kỳ... góp phần làm số thuế thu nhập cá nhân tăng.
Có thể thấy, kết quả thu ngân sách nhà nước 5 tháng đầu năm 2021 đạt khá so với dự toán chủ yếu do tình hình kinh tế những tháng đầu năm 2021 tiếp tục đà hồi phục từ cuối năm 2020, tuy nhiên, những khoản tăng thu từ khối ngân hàng, chứng khoán, bất động sản... là những khoản thu không bền vững và dự kiến sẽ không còn phát sinh lớn trong những tháng cuối năm.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cũng cho rằng, dù số thu ngân sách 5 tháng đầu năm đã đạt trên 50%, nhưng dự báo trong các tháng tới đây việc giãn hoãn thuế sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thu ngân sách nhà nước, chưa kể diễn biến dịch COVID-19 có thể tiếp tục có những diễn biến phức tạp, do đó ngành thuế cũng cần có kịch bản cho từng trường hợp, đảm bảo không bị động, bất ngờ, phải rà soát, quản lý tốt nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước.
Vì vậy, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc yêu cầu, trong thời gian tới, ngành thuế cần tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu các giải pháp khả thi liên quan đến các vướng mắc trong hoàn thuế để tham mưu cho Bộ Tài chính trình Chính phủ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp đầu tư vào ngành điện.