Thép, xi măng lo lắng về khả năng tăng giá điện

Tại buổi tọa đàm trực tuyến “Để ngành thép, xi măng phát triển ổn định và bền vững” diễn ra sáng nay (24/7), đại diện các Hiệp hội Thép và Xi măng bày tỏ sự lo lắng trước thông tin giá điện áp dụng đối với hai ngành này có thể tăng từ 2 – 16% trong thời gian tới. Trong khi đó, chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam lại cho rằng, phải tăng giá điện để tạo áp lực buộc các ngành này phải thay đổi công nghệ hiện đại.

Lãng phí điện vì công nghệ lạc hậu

Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, cần phải tăng giá điện bởi ngành điện hiện đang lỗ lớn. Nếu cứ mỗi lần tăng 1- 5% giá bán điện thì không thấm vào đâu.

Ông Ngãi cho rằng, công nghệ lạc hậu mà ngành thép và xi măng sử dụng hiện nay đã gây ra tổn hao điện năng rất lớn. Việc tăng giá điện sẽ có tác dụng thúc đẩy các doanh nghiệp (DN) cải tiến công nghệ và sử dụng điện năng tiết kiệm, hiệu quả hơn.


Ngành thép và xi măng lo ngại nếu giá điện có thể tăng thời gian tới.


“Ngành xi măng, ngành thép cần có cái nhìn xa hơn, có quy hoạch đồng bộ mang tính vừa phát triển vừa cân đối cung cầu, đồng thời phải có chính sách tìm kiếm năng lượng. Ví dụ, xử lý chất thải tạo ra tuốc-bin nhỏ để phục vụ cho khoảng 25% nhu cầu điện cho ngành xi măng. Ngành thép nên cơ cấu lại, cần đầu tư công suất cỡ 1 triệu tấn/năm trở lên chứ không đầu tư nhỏ lẻ. Công suất cao, công nghệ mới sẽ giảm tiêu hao năng lượng”, theo ông Ngãi.

Còn theo ông Bùi Quang Chuyện, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng, Bộ Công Thương, với lộ trình thay đổi công nghệ và dần xóa bỏ công nghệ lạc hậu thì đến thời điểm năm 2020, những công nghệ lạc hậu của ngành thép phải được xóa bỏ, thay vào đó là công nghệ tiên tiến. Đến năm 2020, các DN sử dụng công nghệ lạc hậu nếu không thay đổi thì sẽ bị phá sản vì không thể cạnh trạnh được do tiêu hao nhiên liệu, năng lượng nhiều.

Đối với ngành xi măng, ông Nguyễn Văn Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng cho biết, quy hoạch ngành xi măng khẳng định sẽ sử dụng công nghệ tiên tiến với mức tự động hóa cao, tiết kiệm tối đa nhiên liệu và năng lượng. Đến năm 2015, tất cả các dự án xi măng đều có thiết bị tận dụng nhiệt khí thải, có thể sản xuất ra 15% điện đáp ứng nhu cầu.

Cân nhắc lộ trình tăng giá điện

Trong khi đại diện Bộ Công Thương và Hiệp hội Năng lượng Việt Nam đề nghị cần phải tăng giá điện với ngành thép và xi măng thì lại có nhiều ý kiến cho rằng chưa nên tăng giá điện.

Theo ông Nguyễn Văn Thiện, tình trạng suy giảm kinh tế và đóng băng bất động sản kéo dài từ năm 2011 đến nay đã ảnh hưởng lớn đến ngành xi măng. Năm 2012, tiêu thụ xi măng nội địa trong nước giảm chỉ còn 46 triệu tấn (năm 2011, tiêu thụ nội địa là 50 triệu tấn). Nếu giá điện cho sản xuất xi măng tăng thì ngành xi măng trong nước sẽ càng thêm khó khăn.

Ông Thiện phân tích: Giá xi măng Việt Nam đang thấp hơn các nước trong khu vực nhưng không thể nâng lên được vì còn phải căn cứ vào thu nhập bình quân. “Các DN nên bình đẳng với nhau, tại sao thép và xi măng phải sử dụng giá điện cao hơn?”

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Tiến Nghi, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam cho rằng, dự thảo tăng giá điện cho ngành thép và xi măng là không công bằng, gây khó khăn cho DN, đi ngược lại những nỗ lực hỗ trợ cho DN của Chính phủ. “Việc tăng giá điện để tiến tới giảm lỗ cho ngành điện thì chúng tôi ủng hộ, nhưng cần có lộ trình phù hợp với tình hình. Trong giai đoạn hiện nay, nếu tăng giá điện thì hại nhiều hơn lợi”, ông Nghi nói.

Quan điểm của Hiệp hội Năng lượng Việt Nam là “dứt khoát phải tăng giá điện, còn việc tăng như thế nào thì phụ thuộc vào cơ chế của Nhà nước, Chính phủ”. Theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội, nếu không tăng giá điện thì ngành điện nói riêng và ngành năng lượng nói chung rất khó khăn.

“Cần có sự cân nhắc nếu tăng giá và quan điểm của tôi là tăng ở mức thấp”, ông Ngãi nói.

Đại diện Bộ Công Thương, ông Bùi Quang Chuyện, Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nặng cho rằng, hiện nay, ngành điện, thép và xi măng đều có những khó khăn. Mục tiêu chung là các ngành cùng phát triển, vì thế cần tìm giải pháp tổng thể. “Phải nhìn nhận, muốn hay không muốn giá điện cũng phải tăng, đây là điều không tránh khỏi. Đối với thép và xi măng, tăng thế nào là phù hợp cần phải có đánh giá khách quan, chính xác xem công nghệ có lãng phí điện hay không. Các doanh nghiệp, hiệp hội cần thống kê tổng hợp, báo cáo trung thực để bên có trách nhiệm có cơ sở xem xét”.

Theo dự thảo lần thứ 3 về cơ cấu giá bán lẻ điện của Bộ Công Thương, giá điện tính cho hai ngành sắt thép và xi măng có thể tăng từ 2-16% so với các ngành sản xuất khác ở tất cả các cấp điện áp.


Hoàng Dương
Tình hình tiêu thụ thép đang khó khăn

Tại hội nghị triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2013 của ngành thép diễn ra ngày 4/7 tại Hà Nội, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) Phạm Chí Cường cho biết, với hàng loạt giải pháp tháo gỡ khó khăn nhưng tình hình sản xuất và tiêu thụ của ngành thép vẫn chưa thực sự khởi sắc.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN