Điều này được kỳ vọng sẽ giúp thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam trở nên minh bạch và cạnh tranh hơn trong thời gian tới.
Hơn ,7 triệu cổ phiếu TIN của Công ty Tài chính cổ phần Tín Việt (VietCredit) vừa chính thức giao dịch trên sàn UPCOM kể từ ngày 28/12. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 15.200 đồng/cổ phiếu. Chỉ sau 2 phiên giao dịch, thị giá cổ phiếu này đã tăng gần 60%.
VietCredit tiền thân là Công ty Tài chính cổ phần Xi măng (CFC) được thành lập vào cuối tháng 5/2008. Công ty này có vốn điều lệ ban đầu 300 tỷ đồng, gồm 3 cổ đông sáng lập chiếm 61,5% vốn là Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (VICEM), Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) và Tổng Công ty Thép Việt Nam (VNSteel). Đến ngày 25/3/2021, công ty chỉ còn 1 cổ đông sáng lập là VICEM nắm giữ 10 triệu cổ phần, tương đương 14,59% vốn điều lệ - cũng là cổ đông lớn duy nhất của VietCredit.
Trước TIN, trên thị trường chứng khoán Việt Nam còn có một cổ phiếu khác của công ty tài chính đang giao dịch, đó là EVF của Công ty Tài chính cổ phần Điện lực (EVN Finance). Mới đây, EVN Finance đã nộp hồ sơ niêm yết lên HOSE và đã được chấp thuận. Ngày 29/12, cũng là ngày giao dịch cuối cùng của mã cổ phiếu này trên sàn UPCOM. Dự kiến trong tháng 1/2022, cổ phiếu này sẽ chính thức giao dịch trên HOSE.
Việc niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán tập trung được xem là bước đi quan trọng, khẳng định sự minh mạch, uy tín của công ty, qua đó kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội hợp tác, thu hút nguồn vốn cho chiến lược dài hạn. Do đó, các công ty tài chính có tiềm lực sẽ đẩy mạnh niêm yết, đặc biệt trong bối cảnh ngành tài chính tiêu dùng được nhận định có nhiều tiềm năng tăng trưởng sau đại dịch COVID-19.
Ngoài việc niêm yết, một số ngân hàng mẹ trong thời gian gần đây cũng đẩy mạnh kế hoạch bán vốn cho đối tác ngoại, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho công ty tài chính con. Thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam đang trở nên sôi động hơn bao giờ hết, khi có sự tham gia của nhiều định chế tài chính lớn trong khu vực tham gia thị trường, thông qua các thương vụ M&A trong năm 2021.
Đầu năm 2021, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên, lãnh đạo Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) dự kiến có 2 phương án bán vốn tại FE Credit, đó là IPO rồi niêm yết hoặc bán cho cổ đông chiến lược. Tuy nhiên, ngân hàng này vẫn quyết định bắt tay với Tập đoàn SMBC (Nhật Bản) để tận dụng cả kinh nghiệm của công ty này. Cuối tháng 10, VPBank thông báo đã hoàn tất thương vụ thoái vốn tỷ đô, khi SMBC đầu tư 1,4 tỷ USD mua lại 49% vốn điều lệ tại FE Credit.
Mới đây, Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB) công bố đã thông qua việc bán 100% vốn tại Công ty Tài chính TNHH MTV Cộng đồng (FCCOM) cho đối tác nước ngoài. Trong buổi gặp gỡ nhà đầu tư ngày 21/12, ông Nguyễn Hoàng Linh, Tổng Giám đốc MSB cho biết, thương vụ chuyển nhượng FCCOM sẽ mang lại cho MSB khoản lợi nhuận khoảng 2.000 tỷ đồng, dự kiến sẽ hoàn tất và hạch toán lợi nhuận trong năm 2022.
Trước đó, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cũng đã ký kết thỏa thuận chuyển nhượng 50% vốn điều lệ tại Công ty Tài Chính TNHH MTV SHB Finance cho Ngân hàng TNHH Đại chúng Ayudhya (Krungsri) của Thái Lan - thành viên chiến lược thuộc Tập đoàn MUFG - Nhật Bản. Phần vốn còn lại sẽ tiếp tục chuyển nhượng sau 3 năm.
Công ty cổ phần Tài chính Handico (HAFIC) cũng đang là tâm điểm chú ý của nhiều tổ chức trong và ngoài nước; trong đó, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cùng với AFS (Nhật Bản), KB Kookmin Card (Hàn Quốc) đều đang thể hiện sự quan tâm với HAFIC, dù công ty đang bị Ngân hàng Nhà nước kiểm soát đặc biệt từ 2015.
Theo các chuyên gia, nền kinh tế Việt Nam có độ mở ngày càng lớn, do đó việc các định chế tài chính nước ngoài tham gia thị trường tài chính tiêu dùng sẽ giúp các công ty tài chính trong nước hưởng lợi từ dòng vốn chi phí thấp, gia tăng sức mạnh về tài chính và mở rộng quy mô. Quy định hiện hành buộc các công ty tài chính không được phép huy động tiền trực tiếp từ cá nhân, mà phải vay vốn từ các tổ chức khác. Do đó công ty tài chính có nguồn vay càng rẻ thì lợi nhuận càng cao. Người tiêu dùng theo đó cũng kỳ vọng được tiếp cận các dịch vụ, sản phẩm với mức lãi suất thấp và cạnh tranh hơn trong thời gian tới.
Không chỉ vậy, với kinh nghiệm và kiến thức chuyên sâu, các định chế tài chính nước ngoài cũng sẽ giúp các công ty tài chính cải thiện quy trình quản trị rủi ro và phát triển sản phẩm mới cũng như thâm nhập các thị trường giàu tiềm năng trong khu vực.
Trong thời gian qua, dưới ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19 kéo dài, hoạt động của các công ty tài chính tiêu dùng ở Việt Nam cũng gặp không ít khó khăn, nhất là trong năm 2021.
Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, mặc dù trong hầu hết các năm, tăng trưởng tiêu dùng tư nhân chiếm từ 60-70% tổng tăng trưởng kinh tế, thế nhưng từ đầu năm 2021 đến nay, đại dịch COVID-19 đã tác động, ảnh hưởng mạnh đến hoạt động tài chính tiêu dùng. “Tổng dư nợ tín dụng của các công ty tài chính hội viên gần như không tăng trưởng so với cuối năm 2020. Trong khi đó, tỷ lệ nợ xấu bình quân lên tới 9-10%, cao hơn nhiều so với mức 6% ở cùng kỳ năm trước và dự kiến đến cuối năm 2021 sẽ tiếp tục tăng”.
Tuy tăng trưởng của ngành đang gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, song các dự báo cho thấy còn nhiều dư địa cho ngành tài chính tiêu dùng Việt Nam phát triển trong giai đoạn tới.
Trong một báo cáo mới đây của Công ty cổ phần Chứng khoán MB dự báo, nhu cầu tín dụng tiêu dùng sẽ bùng nổ trong giai đoạn quý 4/2021 và kéo dài đến năm 2022, khi nền kinh tế được mở cửa trở lại, cộng với nhu cầu chi tiêu cho nhiều dịp lễ cuối năm và hầu hết các cơ sở kinh tế sẽ gia tăng kích cầu nhằm bù đắp cho 2 quý trước đó.
Trong trung và dài hạn, khi dịch COVID-19 được kiểm soát, nền kinh tế Việt Nam được kỳ vọng tiếp tục có tăng trưởng cao, kéo theo đó là thu nhập người dân tiếp tục được cải thiện và nâng cao. Do đó, tiềm năng của ngành tài chính tiêu dùng sẽ còn rất lớn. Đây có thể là lý do mà các ông lớn trong ngành tài chính thế giới liên tục tiến hành thâu tóm các công ty tài chính hàng đầu Việt Nam trong thời gian vừa qua.