Cụ thể, theo dữ liệu Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), tính đến ngày 30/9/2022, có tổng cộng 25 đợt phát hành riêng lẻ trái phiếu doanh nghiệp trong nước với tổng giá trị phát hành là 15.363 tỷ đồng và 1 đợt phát hành ra công chúng của Ngân hàng TMCP Bắc Á trị giá 235,4 tỷ đồng.
Ngân hàng vẫn là nhóm dẫn đầu với tổng giá trị phát hành 9.623 tỷ đồng; trong đó, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) phát hành nhiều nhất với giá trị 3.090 tỷ đồng. Tiếp đến là Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) với 2.000 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) với 1.800 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) với 750 tỷ đồng.
Nhóm bất động sản đứng thứ hai với CTCP No Va Thảo Điền - thành viên Tập đoàn Đầu tư Địa ốc Nova, Novaland phát hành 2.300 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn 5 năm.
Nhóm hàng tiêu dùng đứng thứ ba với CTCP Tập đoàn Masan phát hành 1.500 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn 5 năm và CTCP Đầu tư Thành Thành Công phát hành 600 tỷ đồng trái phiếu có kỳ hạn 7 năm.
Lũy kế 9 tháng qua, giá trị phát hành trái phiếu ra công chúng là 10.499 tỷ đồng, giảm 9,37% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm khoảng 4,3% tổng giá trị phát hành. Giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ là 233.692 tỷ đồng, giảm 40%, chiếm khoảng 95,7% tổng giá trị phát hành.
Tháng 9, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại trước hạn là 28.833 tỷ đồng, tăng 199% so với cùng kỳ tháng 9/2021. Từ đầu năm tới nay, tổng giá trị trái phiếu đã được các doanh nghiệp mua lại là 142.209 tỷ đồng (tăng 67% so với cùng kỳ năm 2021)./.
Để tháo gỡ vướng mắc, hạn chế bất cập trong phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Vừa qua, Chính phủ ban hành Nghị định 65/2022/NĐ-CP sửa đổi bổ sung Nghị định 153 về chào bán trái phiếu riêng lẻ (Nghị định 65). Các chuyên gia kỳ vọng, Nghị định 65 sẽ "khơi thông" thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian tới.