Mất 2,6 tỷ USD mỗi năm vì phân bón giả
Dồn hết tiền vay mượn của người thân, cuối năm 2015, chị Nguyễn Thị Hiếu ở xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh (tỉnh Tây Ninh) đầu tư hơn 300 triệu đồng cho gần 4 ha sắn. Đảm bảo vườn sắn gia đình mình cho năng suất cao nhất, chị quyết định chọn mua sản phẩm có thương hiệu, quen thuộc và ở những đại lý lớn. Tuy công sức, tiền bạc đổ ra nhiều nhưng vườn sắn vẫn chậm lớn, còi cọc. Sinh nghi, chị đem loại phân bón mình đang sử dụng nhờ kiểm tra mới phát hiện mua phải loại phân bón giả, kém chất lượng khi chỉ có đất và mùn trộn phụ gia. “Bởi vậy cây sắn kém phát triển, năng suất thấp, dễ sâu bệnh... Mọi hy vọng của gia đình đổ vào vườn sắn giờ đã tiêu tan", chị Hiếu buồn bã cho biết.
Sử dụng phân bón kém chất lượng, vườn cam của gia đình anh Hòa ở huyện Tuy Phong (Bình Thuận) cho chất lượng kém, trái rụng. |
Mới đây gia đình chị Võ Thị Dung ở huyện Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang) cũng hoảng hốt, mất ăn mất ngủ vì sử dụng phải phân bón giả, kém chất lượng. Đưa tay chỉ vườn trái cây gần 1 ha èo uột, vàng hoe dưới cái nắng chói chang, chị Dung cho biết nghe bùi tai trước "lời đường mật" và ham quà khuyến mãi của một đại lý, chị quyết định mua loại phân NPK nhãn hiệu Mặt Trời do Công ty cổ phần Dịch vụ nông nghiệp Agripro cung ứng. Phân bón đổ xuống vườn, thời gian hơn 3 tháng trôi qua nhưng không thấy cây phát triển mà trái lại càng ngày càng héo hon hơn. Chị kiểm tra lại thông tin mới "tá hỏa" phát hiện theo công bố trên bao bì sản phẩm, hàm lượng đạm - lân - kali là 10 - 5 - 15 nhưng kết quả thử nghiệm của ngành chức năng chỉ đạt dưới 50%.
Theo những nông dân đã từng sử dụng phải phân bón giả, trên thị trường có rất nhiều nhãn hiệu phân bón uy tín và được người tiêu dùng tin chọn. Phân bón giả lại thường chọn các thương hiệu tên tuổi và tung ra nhiều "chiêu trò" tiếp thị nhằm lôi kéo, chiêu dụ và nhà nông vốn chân chất nên rất dễ “sập bẫy”. Khi sử dụng phân bón kém chất lượng, cây trồng sẽ cho năng suất thấp, dễ sâu bệnh, làm mùa màng thất bát, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến thu nhập mùa vụ đó mà ảnh hưởng lâu dài đến các mùa vụ sau.
Hiện việc quản lý phân bón vô cơ do Bộ Công Thương quản lý. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý phân bón hữu cơ và phân bón lá. Cục Trồng trọt là đơn vị đầu mối quản lý cấp phép về lĩnh vực sản xuất phân bón hữu cơ. |
"Phân bón giả không chỉ gây ảnh hưởng tới kinh tế nhà nông mà còn gây tác hại cho cây trồng, tốn công sức của nông dân, làm rối loạn thị trường phân bón, ảnh hưởng đến thương hiệu các nhà sản xuất, kinh doanh phân bón khác. Ngoài ra, nó còn để lại những hậu quả to lớn về sức khỏe, môi trường... Theo tính toán sơ bộ, phân bón giả, kém chất lượng đang làm cho nền kinh tế mất 2,6 tỷ USD/năm và rất nhiều hệ lụy về xã hội khác", TS Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới, nhận định.
Vi phạm có chiều hướng gia tăng
Theo Hiệp hội Phân bón Việt Nam, nhu cầu phân bón của cả nước ở khoảng hơn 10 triệu tấn các loại, trong đó phân urê khoảng 2 triệu tấn, phân DAP khoảng 900.000 tấn, SA là 890.000 tấn, Kali là 950.000 tấn, phân lân trên 1,8 triệu tấn, NPK 3,8 triệu tấn và khoảng 500.000 tấn phân vi sinh, phân bón lá. Hiện các doanh nghiệp trong nước sản xuất phân urê đáp ứng nhu cầu và còn dư để xuất khẩu; phân lân đủ nhu cầu tiêu thụ trong nước... Riêng phân DAP cần nhập khẩu khoảng 600.000 tấn/năm và phân Kali phải nhập khẩu 100%; trong đó phân NPK và phân Kali là các loại phân dễ bị làm giả, nhái nhãn mác nhất.
Theo Cục Trồng trọt, đã có nhiều đợt kiểm tra chất lượng phân bón được sản xuất và lưu hành trên thị trường. Qua kiểm tra đã phát hiện gần 50% số mẫu phân bón không đạt chỉ tiêu chất lượng như đăng ký và công bố trên bao bì. Cá biệt có những loại phân bón kém chất lượng tới mức chỉ còn 10 - 30% hàm lượng theo đăng ký và công bố. Cũng theo đánh giá từ Cục trồng trọt, vấn nạn phân bón giả, kém chất lượng cũng như hành vi vi phạm pháp luật trong sản xuất và kinh doanh phân bón đang có chiều hướng gia tăng với thủ đoạn ngày càng tinh vi và liều lĩnh hơn. Theo đó, trung bình mỗi năm, ngành chức năng xử lý hơn 3.000 vụ vi phạm, thu giữ gần 1.000 tấn phân bón các loại. Tuy nhiên đây chỉ là phần nổi, phần chìm chưa phát hiện được còn nhiều hơn.
Theo số liệu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 6 tháng đầu năm 2016 khối lượng nhập khẩu phân bón các loại ước đạt khoảng 1,9 triệu tấn. Nguồn nhập khẩu phân bón chủ yếu vẫn từ Trung Quốc với gần 50% tổng khối lượng nhập khẩu. Riêng doanh nghiệp sản xuất, đến nay cả nước có hơn 800 cơ sở, hơn 1.600 công ty và 20.000 đại lý kinh doanh phân bón. Trong khi đó, theo thống kê của Bộ Công Thương, cả nước chỉ có 320 doanh nghiệp sản xuất phân bón, trong đó có 270 doanh nghiệp đã được cấp phép và trong 270 doanh nghiệp đó chỉ khoảng 10% đầu tư công nghệ tiên tiến, như tạo hạt bằng hơi nước, urê hóa lỏng...
“Như vậy, so với con số theo quy định của Bộ Công Thương, còn khoảng 500 cơ sở nhỏ lẻ không đủ điều kiện sản xuất. Các cơ sở nêu trên chủ yếu sản xuất bằng công nghệ đơn giản như dùng máy trộn bê tông, chảo tạo viên, máy sàn phân loại... Bên cạnh doanh nghiệp làm ăn chân chính vẫn còn không ít doanh nghiệp bất chấp các thủ đoạn, đạo đức sản xuất hoặc chủ động nhập các loại phân bón kém chất lượng làm lũng đoạn thị trường, gây mất niềm tin trong nhà nông”, ông Nguyễn Hạc Thúy, Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, phân tích.
Ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường: Để phòng chống được nạn phân bón giả, các cơ quan Trung ương và địa phương cần xem đây là nhiệm vụ quan trọng, tập trung kiểm soát, có các chế tài đủ mạnh để chấn chỉnh xử lý nghiêm minh. Chúng ta cần xây dựng lực lượng thực thi nhiệm vụ có chất lượng, không nhũng nhiễu, không tiêu cực; làm sao để bảo vệ được lợi ích chính đáng của nhà nông. Về chế tài, cần có quy định điều chỉnh để xử lý nghiêm các vi phạm bao gồm: các hành vi sản xuất phân bón giả, buôn lậu, phân bón không đủ tiêu chuẩn quy định, hành vi sản xuất làm giả bao bì, nhãn mác... Ông Hồ Quang Thái, Phó Chánh Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 9 Quốc gia: Mục tiêu của Ban Chỉ đạo 9 Quốc gia là ngăn chặn các tổ chức, cá nhân làm giàu bất chính trên mồ hôi, nước mắt, công sức của người dân nói chung và nông dân nói riêng. Để đẩy lùi nạn phân bón giả, phân bón kém chất lượng, các cơ quan chức năng, cần tăng cường công tác tuyên truyền, tập trung lên án phê phán những hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực. Các cơ quan chức năng tập trung tuyên truyền, quảng bá thương hiệu, uy tín cho các công ty, cơ sở sản xuất uy tín, để người tiêu dùng biết đến các đơn vị này như một địa chỉ vàng nhằm tôn vinh họ; động viên khích lệ doanh nghiệp chân chính chung tay cùng với các cơ quan nhà nước trong việc chống buôn lậu, hàng giả. Nông dân cần phải phản hồi với nhà sản xuất, cơ quan quản lý, ngành chức năng để sớm phát hiện và xử lý đối tượng kinh doanh, sản xuất phân bón giả. Ông Trịnh Văn Chương, Phó Giám đốc Tổng công ty Phân bón và hóa chất dầu khí khu vực Đông Nam bộ: Phân bón chiếm khoảng 50% chi phí đầu vào trong trồng trọt và là yếu tố quyết định năng suất, chất lượng nông sản. Để đưa sản phẩm uy tín, có chất lượng trực tiếp đến tay nhà nông, theo tôi các doanh nghiệp sản xuất phân bón phải quan tâm xây dựng hệ thống phân phối rộng khắp trên phạm vi cả nước, hạn chế các khâu trung gian cũng như chọn những đại lý có uy tín phân phối. Ngoài ra các doanh nghiệp cũng phải ý thức tổ chức những hoạt động liên kết 4 nhà: Nhà nước - nhà khoa học - nhà doanh nghiệp và nhà nông nhằm cung cấp thông tin, quy trình canh tác, tiến bộ khoa học kỹ thuật; cung cấp các thông tin hữu ích về phân bón, sử dụng phân bón, đúng cách. |