Một số mặt hàng thịt nhập ngoại đang dần dần chiếm lĩnh thị trường trong nước. Không chỉ ở trong các siêu thị như trước đây, thịt nhập khẩu còn cung cấp trực tiếp cho người dân qua các kênh bán lẻ khác. Nếu ngành chăn nuôi không sớm có các chính sách kịp thời, các mặt hàng thịt của Việt Nam sẽ thua ngay trên sân nhà.
Xâm nhập thị trường bán lẻ
Thời gian gần đây, ở đầu phố Lò Đúc (Hà Nội) xuất hiện một cửa hàng trưng biển chuyên bán thịt “bò Úc tươi”. Mặc dù, cửa hàng khai trương chưa lâu nhưng số lượng khách mua cũng không hề nhỏ.
“Thịt bò Australia được chúng tôi ưa chuộng vì giá ngang bằng với thịt bò trong nước, chất lượng được đánh giá cao hơn. Vì vậy, số lượng người mua ngày càng đông cũng là điều dễ hiểu”, chị Thanh, một khách hàng tại đây cho biết.
Thịt bò ngoại nhập bắt đầu được phân phối qua các kênh bán lẻ. |
Theo một nhân viên của cửa hàng, thịt bò được nhập trực tiếp và phân phối độc quyền từ một công ty của Australia, giá cả tương đương thịt nội. Ví dụ thịt thăn bò có giá 260.000 - 330.000 đồng/kg, sườn bò từ 260.000 đồng/kg, bắp bò 275.000 đồng/kg... Nhiều nhà hàng, khách sạn cũng lấy thịt từ cửa hàng này để chế biến.
“Thịt bò thăn Nghệ An có giá 320.000 đồng/kg, bò bắp 290.000 đồng kg. Như vậy, giá cũng tương đương hoặc hơn thịt bò Australia.Trong khi đó, thịt bò Australia lại đậm, ngọt hơn. Vì vậy, tôi cũng coi đây như là một trong những lựa chọn mới cho các bữa ăn của gia đình”, chị Thanh (nhà ở phố Hàng Chuối) chia sẻ.
Theo khảo sát của phóng viên Tin Tức, một số cửa hàng cung cấp thịt bò, cánh gà, thịt gà… ngoại nhập đã xuất hiện tại Hà Nội từ vài tháng nay. Còn trong các siêu thị lớn như: Fivimart, Intimex… thì hầu như không có thịt bò nội, cánh gà nội… mà chủ yếu nhập khẩu thịt bò Mỹ, Australia, cánh gà từ Brazilvới giá cả tương đương với hàng nội địa.
Thịt bò nội đang bị cạnh tranh về giá so với thịt nhập ngoại. |
Theo các chuyên gia nông nghiệp, thịt bò đang là lĩnh vực cạnh tranh gay gắt nhất tại Việt Nam. Thịt bò nhập không chỉ “thống lĩnh” các quầy thịt bò trong các siêu thị mà đã bắt đầu xâm chiếm thị trường bán lẻ. Việt Nam nhanh chóng trở thành thị trường nhập khẩu thịt bò lớn từ các nước.
Theo Tổng cục Hải quan, Năm 2012, Việt Nam mới bắt đầu nhập bò Australia với số lượng khá khiêm tốn, chỉ khoảng 3.000 con. Tới năm 2013, con số này xấp xỉ 70.000 con, đứng thứ 3 trong số các nước nhập khẩu trâu, bò sống từ nước này. Đó là chưa kể một lượng lớn thịt bò được nhập dưới dạng đông lạnh từ Mỹ, Brazil…
Năm 2014, chỉ trong 6 tháng đầu năm, đã có hơn 72.000 con bò Australia đã được nhập khẩu về Việt Nam. Dự kiến, sẽ có khoảng 150.000 con bò Australia được nhập về trong năm nay. Đặc biệt, Việt Nam đã trở thành thị trường tiêu thụ bò Australia thứ 2 thế giới, chỉ sau Indonesia.
Theo ông Tống Xuân Chinh, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), thịt bò ngoại đang tràn ngập thị trường Việt Nam dù đang chịu mức thuế suất khá cao (5%). Mặc dù vậy, giá thịt bò ngoại cũng chỉ tương đương bò nội. Bò sống nhập khẩu về Việt Nam sẽ còn tăng trong các năm sau, vì nhu cầu tiêu thụ thịt bò trong nước ngày càng tăng lên.
Nhanh chóng tái cơ cấu
Theo các chuyên gia nông nghiệp, nếu Việt Nam có chính sách hợp lý, đàn bò thịt trong nước vẫn còn nhiều cơ hội để phát triển, cạnh tranh với thịt nhập ngoại.
Ông Nguyễn Đăng Vang, Chủ tịch Hội Chăn nuôi Việt Nam cho biết, trong đề án tái cơ cấu ngành chăn nuôi, Bộ NN&PTNT đã xác định sẽ đẩy mạnh chăn nuôi bò thịt để tăng giá trị gia tăng trong nông nghiệp. Tuy nhiên, nếu chúng ta không bắt đầu thay đổi từ quy trình, quy mô và tính cạnh tranh về giá thành, giá cả… thì thịt bò nội không thể thắng được thịt nhập ngoại.
“Chúng ta cần có chính sách tương tự như chính sách phát triển bò sữa trước đây. Trong đó tập trung hỗ trợ về giống để tạo đàn bò tốt, từ đó lai tạo ra các giống bò thịt phù hợp với từng vùng miền, làm cơ sở cho việc chuyển dần đàn bò thịt từ sản xuất nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa”, TS Nguyễn Thanh Sơn - Viện trưởng Viện Chăn nuôi Quốc gia (Bộ NN&PTNT) phân tích.
Cùng quan điểm này, ông Hoàng Thanh Vân, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết: “Trong thời gian tới, chúng ta sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu ngành chăn nuôi, tập trung nâng cao chất lượng con giống, tăng cường quản lý các loại giống đang lưu hành trên địa bàn cả nước. Cùng với đó, sẽ thúc đẩy chăn nuôi an toàn sinh học để tạo lợi thế cạnh tranh cho ngành hàng này”.
Ngoài ra, “Cần hỗ trợ nhập khẩu giống tốt để sản xuất tinh đông lạnh phục vụ thụ tinh nhân tạo, hỗ trợ về tín dụng, cơ sở hạ tầng, đào tạo tập huấn kỹ thuật,… Đồng thời phải giải quyết đồng bộ những cản trở kỹ thuật cũng như những khó khăn về thị trường theo chuỗi; khuyến khích liên kết ngang, liên kết dọc”, ông Sơn cho biết.
Ngoài ra, theo các chuyên gia, Nhà nước cũng cần có chính sách ưu tiên và khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào chăn nuôi bò quy mô vừa và lớn ở các vùng thông qua các chương trình phát triển nông thôn tổng hợp và dài hạn.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát, trong vài tháng gần đây, ngành chăn nuôi đã có dấu hiệu phục hồi nhưng còn chậm do người chăn nuôi vừa tái đàn vừa lo dịch bệnh bùng phát.
“Để phát triển chăn nuôi một cách bền vững, ngành thú y cần phải tập trung làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm và quản lý tốt thuốc thú y, an toàn thực phẩm… Chúng ta phải có những biện pháp cả chăn nuôi và thú y để bảo đảm ngành chăn nuôi phát triển tốc độ cao hơn, bền vững hơn”, ông Phát cho biết.
Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, phụ trách phần thức ăn chăn nuôi: Hạ giá thành thức ăn chăn nuôi Doanh nghiệp nước ngoài, liên doanh đang chiếm 60% thị phần thức ăn chăn nuôi trong nước. Vì vậy, quan trọng nhất với chúng ta hiện nay là phải có những chính sách khuyến khích đầu tư để thức ăn chăn nuôi trong nước có giá thành rẻ hơn, chất lượng tốt hơn. Việt Nam là nước có số lượng thức ăn chăn nuôi công nghiệp lớn nhất khối Đông Nam Á, chúng ta phải coi đây là một ngành công nghiệp. Thực tế, Việt Nam đã có những bước giảm thuế cho các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi. Vừa qua, Chính phủ đã đồng thuận, sẽ trình Quốc hội trong đợt tới để thông qua việc giảm 5% thuế giá trị gia tăng (VAT) cho thức ăn chăn nuôi. Đây sẽ là bước quan trọng để phát triển ngành thức ăn chăn nuôi. Ông Đàm Xuân Thành, Phó Cục trưởng Cục Thú y: Kiểm soát dịch bệnh Ở Việt Nam, việc kiểm soát dịch bệnh cho gia súc, gia cầm là vô cùng quan trọng. Nếu chúng ta làm tốt về giống, về thức ăn, về các khâu khác, nhưng nếu dịch bệnh không được kiểm soát tốt thì mọi công sức đổ “xuống sông, xuống biển”. Do vậy, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang chỉ đạo, trước mắt trong vụ đông xuân 2014 - 2015 phải phòng bệnh tốt, không để các đoàn cứ phải đi chống dịch. Kinh nghiệm những năm qua cho thấy, những địa phương có kế hoạch chi tiết trong công tác phòng chống dịch bệnh, có hệ thống thú y chắc chắn, phát hiện và giám sát tốt sẽ xử lý được dịch bệnh kịp thời. Qua đó, hướng tới sự phát triển bền vững trong chăn nuôi, bảo đảm an toàn sinh học và có kiểm soát dịch bệnh. Chúng ta cần tích cực nghiên cứu vắcxin cúm gia cầm bảo đảm chất lượng và hiệu lực để chủ động tiêm phòng. |
Hữu Vinh