Thông luồng cho tàu lớn vào cảng

Trên cơ sở triển vọng xuất nhập khẩu tiếp tục khả quan về cuối năm, vốn FDI đang duy trì ở mức cao, đặc biệt là các dự án nâng cấp cảng và cơ sở hạ tầng liên quan đang lần lượt được hoàn thiện, dự báo sản lượng hàng qua cảng biển cả nước về cuối năm và sang năm tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tích cực. Hiện các dự án duy tu, nạo vét luồng hàng hải đang được triển khai nhằm đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa này.

Chú thích ảnh
Một góc cụm cảng biển Cái Mép. Ảnh: Đoàn Mạnh Dương/TTXVN

Bộ Giao thông vận tải ban hành kế hoạch bảo trì công trình hàng hải với tổng ngân sách hơn 1.800 tỷ đồng, qua đó tiến hành duy tu, nạo vét loạt các luồng hàng hải nhằm đảm bảo đón các tàu biển trọng tải lớn cập cảng chuyên chở hàng hóa lưu thông…

Theo đánh giá của Hiệp hội Đại lý, môi giới và dịch vụ hàng hải Việt Nam (VISABA), ngay khi có thông báo hàng hải, một số hãng tàu đã chủ động cơ cấu chuyến tuyến để tàu vào khu vực khai thác, hoạt động trên tuyến nhộn nhịp hơn nhiều. Các dự án duy tu, nạo vét luồng hàng hải đã xóa bỏ tình trạng các tàu hàng phải chờ con nước, góp phần gia tăng đáng kể năng lực cạnh tranh của cụm cảng.

Riêng khu vực Cái Mép tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, kết thúc tháng 9, tăng trưởng đến 36%, với sản lượng hơn 4,7 triệu TEUs. Ông Phan Hoàng Vũ, Phó Tổng giám đốc  Công ty TNHH Liên doanh dịch vụ container quốc tế cảng Sài Gòn - SSA (Cảng SSIT) cho biết, điều này có được là nhờ luồng Cái Mép hoàn thành nạo vét đến -15.5m thượng lưu Cảng quốc tế Cái Mép (Cảng CMIT) từ nguồn vốn Nhà nước, từ đó thu hút nhiều tàu trọng tải lớn đến 24.000 TEUs, mớn nước lên đến 16 m vào cập cảng.

Tuy vậy, theo đại diện Cảng SSIT, tại một số tuyến luồng như tuyến luồng Soài Rạp tại TP Hồ Chí Minh, việc nạo vét đang gặp nhiều khó khăn.

“Tuyến luồng Soài Rạp rất quan trọng, sẵn sàng chia sẻ với tuyến luồng Lòng Tàu trên luồng hàng hải Sài Gòn - Vũng Tàu. Những năm qua, tàu bè ra vào trên hai tuyến luồng Soài Rạp và Lòng Tàu tương đương nhau, với khoảng 9.000 lượt. Tuy nhiên, sang năm 2024 lượng tàu ra vào luồng Soài Rạp giảm do sự bồi lắng. Hiện có những chỗ chỉ còn -7 m, các doanh nghiệp trên tuyến hoạt động rất khó khăn”, đại diện Cảng SSIT thông tin.

Đại diện cảng Sài Gòn đề nghị cần có nguồn kinh phí, có thể từ ngân sách, nguồn từ xã hội hóa kết hợp với các địa phương để nạo vét duy tu tuyến luồng này, đảm bảo độ sâu -9 m đến -12m...

Cùng đó, việc nạo vét trước các bến cảng ở Tp. Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu hiện gặp nhiều khó khăn do vướng thủ tục, nơi đổ thải. Cảng Sài Gòn kiến nghị Cục Hàng hải Việt Nam xem xét tìm kiếm vị trí đổ thải, quy hoạch các vị trí đổ thải có chiến lược lâu dài...

Theo ông Nhữ Đình Thiện, Phó Tổng thư ký VISABA, cần ưu tiên nạo vét các tuyến luồng trọng điểm quốc gia tại các vùng kinh tế trọng điểm, đặc biệt là khu vực Hải Phòng, Cái Mép.

Luồng kênh Hà Nam tại Hải Phòng là tuyến luồng quan trọng cửa ngõ miền Bắc với mật độ tàu hàng hải cao và có xu hướng tăng trọng tải tàu mạnh mẽ. Ngày 27/7/2024, dự án nâng cấp luồng hàng hải Hải Phòng, đoạn từ vũng quay tàu bến cảng container quốc tế Hải Phòng đến cảng Nam Đình Vũ đã hoàn thành, độ sâu -8,5 m đảm bảo cho tàu trọng tải lớn ra vào làm hàng.

Tới đây, Bộ Giao thông vận tải và Cục Hàng hải Việt Nam đẩy nhanh mở rộng luồng kênh Hà Nam so với quy hoạch, từ 80m hiện tại lên 120m, cũng như cho phép tàu thuyền được lưu thông hai chiều nhằm giảm áp lực lên các tuyến hàng hải, cắt giảm chi phí logistics...

Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Lê Đỗ Mười cho biết, việc mở rộng kênh Hà Nam và các kênh khác phải làm theo kế hoạch trung hạn 5 năm một lần. Tuy nhiên, trong kế hoạch 2021 - 2026 không có kinh phí để làm việc này nên Cục Hàng hải Việt Nam đang phải rà soát lại vì nguồn lực có hạn, phải cân đối cho các dự án khác.

Bên cạnh đó, hàng năm, Cục Hàng hải Việt Nam và Bộ Giao thông Vận tải đều có kế hoạch sắp xếp nạo vét các luồng, nhưng hiện nay vướng về đổ thải sản phẩm nạo vét.

Cục Hàng hải Việt Nam đã làm việc với TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu nhưng chưa tìm được nơi đổ thải; mới có Tiền Giang cho đổ thải, khoảng 2 triệu m3. Ở một số tỉnh do vị trí đổ chưa phù hợp, cùng với đó vướng mắc trong đánh giá tác động môi trường nên việc nạo vét tuyến luồng còn gặp khó khăn,

Riêng luồng hàng hải Sài Gòn - Vũng Tàu sẽ nạo vét trong tháng 11, hiện đã có vị trí đổ thải. Luồng Cái Mép vừa nạo vét, vừa mở rộng, hiện có một số vị trí ở các ngã ba sông bị bồi lắng nên sẽ điều chỉnh tim luồng, đã đưa vào kế hoạch duy tu.

Theo thống kê mới nhất của Cục Hàng hải Việt Nam, 9 tháng năm 2024, tổng khối lượng hàng hoá thông qua cảng biển ước đạt hơn 640 triệu tấn, tăng 14% so với cùng kỳ năm 2023. Các khu vực có khối lượng hàng hóa thông qua cao nhất nước đều ở các cảng biển lớn như TP Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, Hải Phòng, Quảng Ninh. Một số khu vực khác cũng có sản lượng cao như Huế, Quy Nhơn, Cần Thơ, Thanh Hóa, Đà Nẵng...

Diệp Anh (TTXVN)
'Thông luồng' xuất khẩu nông sản Việt
'Thông luồng' xuất khẩu nông sản Việt

Nông sản là một trong những ngành hàng quan trọng, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu chung của Việt Nam. Song có thực tế, dù không thua kém về chất lượng nhưng chi phí logistics quá cao, phụ thuộc lớn vào các hãng vận chuyển nước ngoài khiến nông sản Việt Nam giảm sức cạnh tranh khi xuất khẩu ra thế giới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN