Ông Vũ Xuân Hòa, Tổng giám đốc Ban Quản lý dự án Thăng Long (đại diện chủ đầu tư dự án) cho biết: Dự án sử dụng nguồn vốn vay ODA của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư tại Quyết định 653/QĐ-BGTVT ngày 18/3/2013, với tổng mức đầu tư 1.718 tỷ đồng, do Ban Quản lý dự án Thăng Long làm đại diện chủ đầu tư, đơn vị tư vấn thiết kế/giám sát là Tư vấn OCG (Oriental Consultans Global) liên kết với TEDI, APECO và ITST.
Nút giao giữa cầu Thanh Trì với QL5 |
Dự án gồm 2 gói thầu xây lắp chính: Xây dựng hoàn chỉnh nút giao giữa cầu Thanh Trì với QL5 có giá trị gói thầu là 817 và cải dịch đường sắt có giá trị gói thầu là 75 tỷ đồng.
Gói thầu xây dựng hoàn chỉnh nút giao giữa cầu Thanh Trì với QL5 gồm: Mở rộng mặt đường QL5 60 m, đạt vận tốc thiết kế 80 km/giờ; xây dựng các nhánh cầu để tách nhập từ đường vành đai 3 với QL5, đạt vận tốc thiết kế 40 km/giờ; mở rộng đường vành đai 3 đoạn vuốt nối với nhánh cầu thành 6 làn xe, đạt vận tốc thiết kế 100 km/giờ.
Một nhánh nút giao cầu Thanh Trì với QL5. |
Gói thầu cải dịch đường sắt gồm các hạng mục: Xử lý nền đất yếu bằng giếng cát và bấc thấm; xây dựng cải dịch 2,05 km đường sắt Hà Nội – Hải Phòng đoạn Km11+204,9 – Km13+208,29 về phía Nam khoảng 40 m so với vị trí hiện tại; xây dựng mới 1 cầu dàn thép hở chiều dài nhịp 35,6 m tại Km11+465.00 quy mô đường sắt khổ 1.000 mm, đường sắt cấp I, đạt vận tốc thiết kế lớn nhất 120 km/giờ; mở mới 1 đường ngang cấp 3 phục vụ thi công và 1 đường ngang cải tạo cấp 1 theo tiêu chuẩn đường ngang có người gác.
Sau 12 tháng thi công, dự án đã cán đích trước 6 tháng so với kế hoạch đề ra, góp phần cải thiện nút giao hiện tại từ dạng bán hoa thị thành nút giao liên thông khác mức, cơ bản giải quyết tình trạng ách tắc giao thông thường xuyên xảy ra ở nút giao hiện tại, đồng thời phát triển mạng lưới giao thông khu vực cửa ngõ phía Đông Bắc của Thủ đô.
Tại lễ thông xe, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đề nghị Ban quản lý dự án Thăng Long chỉ đạo các nhà thầu tiếp tục hoàn thành các hạng mục còn lại của dự án trước ngày 15/11/2015; đồng thời đề nghị UBND TP Hà Nội sớm tiếp nhận bàn giao nút giao này, nhằm đưa vào khai thác.
Trong thời gian đầu khai thác, dự án tổ chức phần luồng theo hướng: Hướng từ cầu Thanh Trì đi Bắc Ninh, các phương tiện tới nút giao sẽ đi thẳng về Bắc Ninh (hướng đi như cũ); hướng từ cầu Thanh Trì đi Hải Phòng, các phương tiện tới nút giao sẽ đi vào nhánh 4 xuống QL5 đi Hải Phòng; hướng từ cầu Thanh Trì đi cầu Chui, các phương tiện tới nút giao sẽ đi vào nhánh C xuống QL5 đi cầu Chui (hướng đi như cũ); hướng từ Bắc Ninh đi cầu Thanh Trì, các phương tiện tới nút giao sẽ đi thẳng về cầu Thanh Trì (hướng đi như cũ); hướng từ Bắc Ninh đi Hải Phòng, các phương tiện tới nút giao sẽ đi vào nhánh 2 xuống QL5 đi Hải Phòng; hướng từ Bắc Ninh đi cầu Chui, các phương tiện tới nút giao sẽ đi vào nhánh A xuống QL5 đi cầu Chui (hướng đi như cũ); hướng từ Hải Phòng đi cầu Chui, các phương tiện tới nút giao sẽ đi thẳng về cầu Chui (hướng đi như cũ); hướng từ Hải Phòng đi Bắc Ninh, các phương tiện tới nút giao sẽ đi vào nhánh D lên QL1B đi Bắc Ninh (hướng đi như cũ); hướng từ Hải Phòng đi cầu Thanh Trì, các phương tiện tới nút giao sẽ đi vào nhánh B lên đường Vành đai 3 đi cầu Thanh Trì (hướng đi như cũ); hướng từ cầu Chui đi Bắc Ninh, các phương tiện tới nút giao sẽ đi vào nhánh 3 lên QL1B đi Bắc Ninh; hướng từ cầu Chui đi Hải Phòng, các phương tiện tới nút giao sẽ đi thẳng về Hải Phòng (hướng đi như cũ); hướng từ cầu Chui đi cầu Thanh Trì, các phương tiện tới nút giao sẽ đi vào nhánh 1 lên đường Vành đai 3 về cầu Thanh Trì.