Theo UBND thành phố Hà Nội dự kiến năm 2023 có 4/23 chỉ tiêu không đạt kế hoạch đề ra bao gồm: GRDP ước tăng 6,11% (kế hoạch là 7,0%); Tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện (ước tăng 9,0% - kế hoạch là 10,5%); Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu (ước tăng 1,0% - kế hoạch là 6,0%); Tỷ lệ cụm công nghiệp có trạm xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng (95% - kế hoạch là 100%).
UBND thành phố đánh giá, kinh tế duy trì tăng khá trong bối cảnh khó khăn, tuy nhiên đạt thấp hơn cùng kỳ, thấp hơn kịch bản đề ra đầu năm. Nguyên nhân khách quan chủ yếu do ảnh hưởng lâu dài của đại dịch COVID-19, do suy giảm cầu tiêu dùng trong và ngoài nước, kim ngạch xuất, nhập khẩu giảm; doanh nghiệp khó khăn, sản xuất, kinh doanh bị thu hẹp; vốn đầu tư xã hội - đầu vào quan trọng của tăng trưởng - đạt thấp hơn chỉ tiêu kế hoạch; các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ đều không đạt mục tiêu đề ra.
Vốn đầu tư xã hội duy trì tăng 9,0%, tuy nhiên không đạt chỉ tiêu là 10,5%. Nguyên nhân khách quan chủ yếu do ảnh hưởng chung của tình hình kinh tế trong nước và thế giới suy giảm. Ngoài ra có nguyên nhân chủ quan là môi trường đầu tư, kinh doanh chưa được cải thiện (PCI, PAPI giảm bậc); hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ (nhất là chưa có các khu, cụm công nghiệp mới được hoàn thành để thu hút đầu tư)...
Dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng tăng thấp so với mức tăng cùng thời điểm năm trước và mục tiêu đề ra; chính sách hỗ trợ lãi suất 2% từ nguồn ngân sách nhà nước chưa được như kỳ vọng... Nguyên nhân chủ quan chủ yếu từ phía doanh nghiệp như: doanh nghiệp kinh doanh đa ngành nghề, khó tách phần chi phí được hỗ trợ; quy mô nhỏ và siêu nhỏ, năng lực tài chính, trình độ quản trị hạn chế; thiếu phương án kinh doanh khả thi; số liệu tài chính thiếu minh bạch; thiếu tài sản bảo đảm; chứng từ kế toán không đáp ứng các chuẩn mực quy định; sau dịch COVID -19 kết quả kinh doanh giảm mạnh, không đủ điều kiện hỗ trợ lãi suất; đủ điều kiện được hỗ trợ lãi suất nhưng không vay do ngại bị thanh, kiểm tra…
Ngoài ra, có nguyên nhân từ cơ chế, chính sách và điều hành của chính quyền các cấp như: việc hỗ trợ sản xuất, kinh doanh từ các quỹ chưa đạt được như kỳ vọng do chính quy định hoạt động; các điều kiện để doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận gói hỗ trợ vay vốn của Nhà nước còn khá phức tạp. Kết quả khảo sát doanh nghiệp cho thấy 79,44% doanh nghiệp cho biết không thể vay vốn nếu thiếu tài sản thế chấp; 58,72% doanh nghiệp cho biết bị áp đặt các điều kiện tín dụng bất lợi; 58,63% doanh nghiệp cho biết thủ tục vay vốn quá phức tạp, phiền hà...
Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tính đến tháng 11 đạt 60,8% kế hoạch - Trung ương giao và 53,7% Kế hoạch Thành phố giao - cao hơn cùng kỳ năm 2022 (42,4%), tuy nhiên vẫn thấp hơn so với mục tiêu đề ra. Nguyên nhân chủ yếu do tồn tại, khó khăn vướng mắc từ nhiều năm. Việc giải phóng mặt bằng, trọng tâm là việc xác định nguồn gốc đất, định giá đất, quỹ nhà tái định cư, người dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường; chuẩn bị đầu tư chưa tốt, quá trình triển khai thực hiện dự án, một số dự án phát sinh một số hạng mục, chi phí dẫn đến phải điều chỉnh dự án... Đây là khó khăn, vướng mắc trong nhiều năm nhưng hiện nay vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Phần khác, khó khăn mang tính đặc thù của năm 2023 như một số dự án vẫn vướng mắc liên quan đến biến động giá nguyên vật liệu; khó khăn trong nguồn cung nguyên vật liệu xây dựng. Các dự án sử dụng vốn ODA gặp vướng mắc như Hiệp định vay vốn chưa được gia hạn; chậm phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án; vướng mắc liên quan đến sự khác biệt giữa quy định của hợp đồng FIDIC và pháp luật Việt Nam; vướng mắc quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức đơn giá, giá vật tư, thiết bị chuyên ngành đường sắt đô thị Việt Nam.
Bên cạnh đó còn một số khó khăn, vướng mắc do hoàn thiện thủ tục đầu tư đối với các dự án lĩnh vực di tích trong Kế hoạch đầu tư 3 lĩnh vực (giáo dục, y tế, di tích) còn chậm do phải thực hiện các thủ tục chuyên ngành cần phải xin ý kiến thẩm định của cơ quan chuyên ngành. Các dự án tu bổ, tôn tạo di tích đều là dự án phải thiết kế 2 bước, phải xin ý kiến thẩm định của cơ quan chuyên ngành: Cục Di sản - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc Sở Văn hóa và Thể thao thẩm định trước khi phê duyệt dự án và trước khi phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công.
Kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất trong năm còn khó khăn, ảnh hưởng đến nguồn thu dự toán được HĐND Thành phố và HĐND cấp huyện giao. Một số đơn vị báo cáo dự kiến có khả năng hụt thu ngân sách (Hoài Đức, Đan Phượng, Bắc Từ Liêm, Cầu Giấy, Thanh Oai, Hà Đông...) sẽ ảnh hưởng đến kế hoạch vốn và giải ngân các dự án.
Về quản lý, phát triển đô thị, bảo vệ môi trường, việc lập Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 20250; Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; Rà soát, điều chỉnh Quy hoạch Giao thông vận tải Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, chậm tiến độ so với yêu cầu. Nguyên nhân khách quan là do các quy hoạch được lập trong bối cảnh các quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh được lập song song đồng thời, trong quá trình lập các quy hoạch nêu trên phải rà soát, cập nhật đảm bảo đồng bộ, thống nhất.
Quy hoạch Thủ đô là quy hoạch tích hợp, có quy mô lớn, tính chất phức tạp, liên quan đến nhiều quy hoạch, lần đầu tiên được thực hiện nên các đơn vị được giao nhiệm vụ còn lúng túng, gặp khó khăn trong quá trình triển khai, đồng thời do nhận thức về tầm quan trọng, ý nghĩa, mục đích, yêu cầu của việc lập quy hoạch còn hạn chế.
Theo đánh giá của UBND thành phố Hà Nội, trong năm vẫn còn nhiều nhiệm vụ thực hiện chậm như: xây dựng bản đồ giao thông số trực tuyến; vận hành đoạn trên cao Tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội; triển khai Đề án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ; Đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy; Đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông Cầu Bây - Bắc Hưng Hải giai đoạn 2021-2025; Đề án phục hồi chất lượng môi trường và phát triển hệ thống 4 sông nội đô: Tô Lịch, Kim Ngưu, Lừ, Sét; các dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt, xử lý nước thải...
Nguyên nhân chủ quan chủ yếu do công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện của người đứng đầu thiếu quyết liệt trong khi khối lượng công việc ngày càng nhiều; năng lực một bộ phận cán bộ các cấp còn hạn chế; công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành và quận, huyện, thị xã có lúc thiếu chặt chẽ, chưa hiệu quả...
Tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt tại một số khu vực (Phùng Khoang, Nam Từ Liêm; Khương Mai, Thanh Xuân; Đại Kim, Hoàng Mai; Thanh Hà, Thanh Oai; Kim Chung, Hoài Đức…), nguồn nước không đảm bảo chất lượng, gây bức xúc cho người dân. Nguyên nhân chủ quan chủ yếu do công tác chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện của người đứng đầu thiếu quyết liệt, xử lý tình huống còn lúng túng; năng lực một bộ phận cán bộ còn hạn chế; công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan có lúc thiếu chặt chẽ, chưa hiệu quả...
Úng, ngập vẫn xảy ra thường xuyên gây ắc tắc giao thông và bức xúc cho người dân (có 11 điểm úng, ngập nếu lượng mưa 70mm/giờ nhưng có 30 điểm úng, ngập nếu lượng mưa tăng lên 100mm/giờ). Nguyên nhân chủ yếu là do tốc độ đô thị hoá, bê tông hoá nhanh, hạ tầng thoát nước chưa theo kịp. Tỷ lệ cụm công nghiệp có trạm xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng 95% (/40 cụm công nghiệp) - không đạt kế hoạch (100%).
Môi trường đầu tư, kinh doanh chưa thực sự thông thoáng, Chỉ số PCI năm 2022 giảm sâu 10 bậc, chỉ số PAPI giảm 3 bậc so với năm 2021. Nguyên nhân chủ quan chủ yếu là do cải cách hành chính, môi trường đầu tư, kinh doanh chưa được cải thiện nhiều; còn những rào cản gia nhập thị trường, tiếp cận đất đai...
Bài cuối: Giải pháp tăng tốc