Đáng chú ý là các dự án này để xảy ra hiện tượng khai thác cát trái phép, không phép trên các tuyến sông tại các tỉnh Đồng Nai, Tiền Giang, Phú Thọ, Hải Phòng…, gây mất an ninh trật tự và bức xúc dư luận, dẫn đến việc thực hiện sai mục tiêu của các dự án xã hội hóa nạo vét luồng đường thủy, ảnh hưởng đến tiến độ thi công.
Nạo vét đường thủy để tận thu sản phẩm. Ảnh: Thái Hùng/TTXVN |
Ngoài ra, một số mỏ khoáng sản trên sông được các địa phương cấp phép chồng lấn với phạm vi dự án nạo vét luồng quốc gia, nên đã xảy ra tình trạng không kiểm soát được phương tiện tham gia thi công dự án, gây ra tình trạng lộn xộn và mất trật tự.
Trước thực tế này, Bộ GTVT yêu cầu Cục Đường thủy nội địa Việt Nam sớm xây dựng dự thảo Nghị định về nạo vét, duy tu luồng đường thủy nội địa không dùng vốn ngân sách theo hình thức xã hội hóa.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật, dự thảo Nghị định cần có khung pháp lý đầy đủ để quản lý chặt các dự án và tạo cơ chế, điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp. Ngoài ra, cần có báo cáo đánh giá tổng thể việc triển khai các dự án xã hội hóa nạo vét luồng, các nguyên nhân hạn chế, vướng mắc và đề xuất giải pháp tháo gỡ cụ thể.
Còn theo lãnh đạo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, cả nước hiện có 15 dự án xã hội hóa nạo vét luồng đường thủy quốc gia đang triển khai thi công. Để tăng cường giám sát các dự án, Cục đã thành lập Tổ chuyên trách quản lý các dự án xã hội hóa đầu tư; thực hiện kế hoạch kiểm tra dự án theo định kỳ và đột xuất. Cục đang ra soát ý kiến của các doanh nghiệp đường thủy để xây dựng Nghị định nêu trên trình Bộ GTVT.