Tại Hội nghị tổng kết 20 năm xây dựng và phát triển các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT) ở Việt Nam được tổ chức hôm qua (17/2), Bộ Kế hoạch – Đầu tư cho biết, tính bình quân trong cả nước tỷ lệ lấp đầy của các KCN mới đạt mức 60%. Tỷ lệ lấp đầy còn thấp ở nhiều KCN, KKT gây ra tình trạng lãng phí đất đai, nguồn lực tài chính...
Một góc KCN trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Ngọc Hà - TTXVN |
Từ thực tế này, phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu Bộ Kế hoạch – Đầu tư và các địa phương phải có giải pháp để tiếp tục thu hút nhà đầu tư và nâng cao tỷ lệ lấp đầy ở các KCN, KKT đến năm 2015 lên mức 85%.
Nguy cơ nhà đầu tư “bỏ rơi” các KCN
Tỉnh Bình Định có 5 KCN với diện tích trên 1.700 ha. Mặc dù, chính sách của tỉnh rất quan tâm thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp (DN) vào các KCN nhưng theo ông Hồ Quốc Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, tỷ lệ lấp đầy mới đạt trên 50%. Nhiều KCN, KKT đầu tư nhưng lại bỏ hoang, nhà đầu tư không muốn vào KCN. Ông Dũng lý giải: “Chính sách đầu tư vào KCN, KKT không nhất quán mà thay đổi liên tục khiến các chủ đầu tư lúng túng. Đầu tư của Nhà nước vào các KKT, KCN rất dàn trải. Bình Định mỗi năm cần hàng ngàn tỷ đồng nhưng chỉ được giải ngân 70 tỷ đồng. Đầu tư dàn trải vừa không phát huy được hiệu quả mà còn kéo dài thời gian thu vốn đầu tư”.
Thu hút những ngành kỹ thuật cao đang là mục tiêu của nhiều KCN. Ảnh: Danh Lam - TTXVN |
Hơn nữa, so với trước đây, chính sách ưu đãi tại các KKT, KCN giảm nên ít nhà đầu tư muốn vào KKT, KCN. “Hiện nay, tại Bình Định nhiều nhà đầu tư muốn ra ngoài KCN vì không ai quản lý, thêm nữa chi phí bỏ ra cũng ít hơn. Vì khi vào KCN có đầy đủ cơ sở hạ tầng thì bao giờ chi phí thuê đất, mặt bằng cũng cao hơn rất nhiều. Ví dụ, DN vào KCN, KCX có đầu tư hoàn chỉnh thì phải thuê 15 USD/m2 trong 50 năm, còn nếu DN ra ngoài thì chi phí chỉ bằng nửa”, ông Dũng cho biết.
Trưởng Ban quản lý các KCN, KCX TP.HCM Vũ Văn Hòa cũng cho biết: “Hiện nay, các chính sách ưu đãi KCN, KCX đang mất dần là một trong những nguyên nhân làm giảm sức hút của các KCN, KCX. Ví dụ, thuế thu nhập DN tại các KCN trước là 10% nay hết ưu đãi lên 25%. Giá thuê đất trước đây có những ưu đãi nhất định, nhưng hiện nay tại các KCN, KCX đầy đủ cơ sở hạ tầng được tính theo giá thị trường nên giá thuê đất đã tăng gấp 5 lần trước đây. Hơn nữa, trước đây giá thuê đất cố định trong 5 năm, mỗi lần thay đổi tăng không quá 15%, nhưng bây giờ chính sách này thay đổi liên tục nên khó khăn cho các nhà đầu tư”.
Giải pháp thu hút đầu tư
Thời gian tới, việc thu hút đầu tư vào các KCN, KKT còn được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn hơn do tình hình kinh tế thế giới và trong nước đang có nhiều diễn biến khó khăn. “So với những năm trước đây việc thu hút đầu tư trong năm 2012 sẽ khó khăn hơn. Sẽ có tình trạng nhà đầu tư đăng ký dự án thì nhiều nhưng triển khai thực hiện rất thấp”, ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND TP.HCM dự báo.
Tại TP.HCM, thực tế, chính sách ưu đãi giảm trong khi kinh tế khó khăn, lãi suất ngân hàng trên 20%... cũng khiến DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đầu tư vào các KCN, KCX giảm dần. Những năm trước, số dự án đầu tư khoảng 60 - 65 dự án/năm, hiện chỉ còn 45 - 50 dự án/năm, tỷ lệ thấp dần. Vốn của các dự án mới đăng ký cũng giảm, những dự án nhỏ thì vốn lại thấp và việc thực hiện giải ngân vốn cũng rất chậm. “Chúng tôi cố gắng kêu gọi đầu tư nhưng nếu chính sách cho KCN, KCX không thay đổi thì rất khó”, ông Hòa nhận xét.
Từ thực tế phát triển KCN, KKT hiện nay, đại diện nhiều địa phương và nhà đầu tư đã đề xuất Nhà nước phải có cơ chế chính sách đặc biệt về thuế, đầu tư hạ tầng, đền bù giải phóng mặt bằng để tạo sự thông thoáng về chính sách để thu hút đầu tư.
Hiện nay, tỷ lệ các dự án thuộc nhóm công nghệ cao tại các KCN, KKT vẫn còn thấp. Vì thế, cùng với việc lấp đầy, nhiều ý kiến cũng cho rằng, nên có chọn lọc các dự án đầu tư vào các KCN, KKT để phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế. Sau một thời gian phát triển theo chiều rộng và chủ yếu là lấp đầy, ông Vũ Văn Hòa cho biết: “Hiện tại, TP.HCM đang chủ trương hướng thu hút vào những ngành kỹ thuật cao. Thực hiện chủ trương này, TP sẽ hạn chế thu hút các DN ngành may mặc, da giày mà tập trung ưu tiên các lĩnh vực công nghệ cao như điện tử, cơ khí, hóa dược, CNTT... để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư vào các KCN, KCX”.
T.Hường – H.Vinh