Nông nghiệp là một trong những ngành xuất siêu lớn, tính đến cuối tháng 11, toàn ngành nông nghiệp xuất siêu khoảng 7 tỉ USD, mang về cho đất nước 29,1 tỉ USD mỗi năm (tăng 5,9% so với cùng kỳ năm 2015). Tuy nhiên, theo các DN chính sách hỗ trợ nông nghiệp phát triển còn nhiều bất cập.
Theo ông Đinh Cao Khuê, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty thực phẩm Đồng Giao, hiện 1 ha chanh leo cho nông dân thu nhập khoảng 640 triệu đồng. Nếu mở rộng được quy mô lên 10 - 20 ha thậm chí 500 ha sẽ cho thu nhập rất cao. Tuy nhiên, bất cập ở chỗ, thu hồi đất làm khu công nghiệp thủ tục đơn giản, nhưng thu hồi đất từ 10 ha trở lên để doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp thì phải xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.
Cần tích tụ ruộng đất để tiến hành sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn. Ảnh: Duy Khương - TTXVN |
Bên cạnh đó, theo các DN, việc quản lý thị trường phân bón, thuốc bảo về thực vật còn yếu kém, khiến nông dân không phân biệt được loại nào tốt, kém chất lượng. Ngoài ra, hàng ngàn loại phân bón, thuốc trừ sâu không rõ nguồn gốc, kém chất lượng khiến việc kiểm soát chất lượng của doanh nghiệp rất khó khăn.
Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Tập đoàn Intimex cho biết: “Hiện có trên 6.000 loại thuốc bảo vệ thực vật, nên nông dân không nhận diện được thuốc nào tốt. Nông dân thậm chí lấy cả thuốc diệt muỗi phối trộn đem phun”.
Còn theo bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH True Milk, để tạo động lực cho các doanh nghiệp phát triển, rất cần đến việc đưa ra được các tiêu chuẩn, quy chuẩn riêng về từng ngành hàng. Qua đó, giúp các doanh nghiệp cạnh tranh lành mạnh, đồng thời có thể triển khai chuỗi sản xuất đi cùng với tiến bộ của thế giới.
Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết: “Theo số liệu mới nhất của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Việt Nam hỗ trợ nông nghiệp chỉ chiếm 7%, chủ yếu qua hệ thống khuyến nông, và cắt giảm một số loại phí, trong khi một số nước khác như: Nhật Bản, Hàn Quốc, mức hỗ trợ này là 55 - 60%”.
Để thu hút đầu tư nông nghiệp, các DN cho rằng, cần có hệ thống các chính sách đồng bộ để tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế mạnh dạn đầu tư, ứng dụng công nghệ trong sản xuất. Đồng thời, nông nghiệp phải hướng đến sản xuất quy mô lớn, tích tụ đất đai gắn với các chính sách về công nghệ, thuế, tín dụng, bảo hiểm...
Bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH True Milk kiến nghị: “Bộ NN&PTNT cần có chiến lược trong việc quy hoạch về sản phẩm của từng vùng, các vùng nên sản xuất các giống cây trồng để tạo ra lợi thế nhất, từ đó tạo ra được những thương hiệu có tính vùng miền. Đặc biệt, cần chọn các ngành hàng có lợi thế để ưu tiên chiếm lĩnh thị trường. Ví dụ, xác định cây lúa là lợi thế thì cần chọn những loại lúa tốt, lúa ngon, đẹp để triển khai sản xuất, phục vụ thị trường”, Bà Thái Hương cho hay.
Bên cạnh đó, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Tập đoàn Intimex đề nghị: “Bộ NN&PTNT phải quản lý chặt hệ thống sản xuất và phân phối phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, không để phân bón giả, dư lượng trừ sâu và hóa chất nhiều trong sản phẩm nông nghiệp. Ngoài ra, bộ cần ưu tiên khâu giống, quy trình sản xuất, bảo quản chế biến nông sản sau thu hoạch, chuẩn hóa từ khâu ban đầu”.
Để giải quyết vướng mắc của các DN, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định: “Các chính sách thu hút đầu tư nông nghiệp thời gian tới sẽ mang tính đột phá và sát thực tiễn để DN yên tâm đầu tư. Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ tập trung chỉnh sửa Nghị định 210 về thu hút đầu tư vào nông nghiệp. Trong đó, tập trung vào chính sách ưu tiên DN đầu tư lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp công nghệ sạch”.
Ngoài ra, ông Cường cho biết: “Những “nút thắt” khác như: đất đai, tín dụng và ngân hàng, ngành nông nghiệp cũng sẽ được các bộ ngành phối hợp tháo gỡ để ban hành những chính sách mang tính đột phá, tích cực và sát với thực tiễn để thu hút DN và các thành phần kinh tế đầu tư vào nông nghiệp”.