Thay vì trồng loại cây bạch đàn trước đây, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tìm được bộ giống cây trồng thích hợp như keo lá tràm, keo lưỡi mác, keo tai tượng, tràm hoa vàng, các loại phi lao, thông nhựa, sao, quế, dó bầu và một số cây bản địa khác để phát triển và làm giàu vốn rừng.
Thị xã Hương Thủy hiện có hơn 26.000 ha rừng, trong đó hơn 12.000 ha rừng trồng, đa số bà con tập trung trồng keo vì đây là loại cây sinh trưởng nhanh, dễ chăm sóc và cho thu nhập cao.
Ảnh minh họa. Nguồn: quangngai.gov.vn |
Keo trồng sau 4 năm có thể thu hoạch, đạt khoảng 50 tấn/ha, với doanh thu từ 60 - 65 triệu đồng, trừ mọi chi phí, lãi khoảng 30 triệu đồng. Hiện nay, bình quân mỗi hộ trồng được từ 2-3 ha rừng, cá biệt có hộ trồng được 5ha rừng.
Cây keo không chỉ mang lại kinh tế cho những hộ gia đình có diện tích trồng rừng; mà còn giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ như thu hoạch cây và bóc vỏ cây, với thu nhập đạt từ 150.000 - 180.000 đồng/ngày công lao động.
Dưới áp lực trồng rừng, nhiều nông - lâm trường có diện tích đất rừng lớn nhưng không có khả năng trồng rừng đã phải trả lại cho địa phương để chia cho người dân để trồng rừng kinh tế.
Hiện nay, mỗi năm, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã trồng được 4.500 ha rừng tập trung, và hàng triệu cây phân tán, nâng diện tích trồng rừng kinh tế của toàn tỉnh đến nay hơn 47.000 ha, độ che phủ rừng nhờ đó đã đạt 56,4%.
Tỉnh phấn đấu đến năm 2014 hoàn thành về cơ bản việc giao, cho thuê hơn 240.800 ha rừng và đất lâm nghiệp đến các chủ rừng thuộc mọi thành phần kinh tế để tổ chức quản lý, bảo vệ và phát triển bền vững tài nguyên rừng.
Quốc Việt