Thúc đẩy doanh nghiệp cung ứng phụ trợ

Sở Công thương TP Hồ Chí Minh vừa có buổi kết nối với các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn để tìm kiếm đối tác có khả năng cung ứng sản phẩm cho tập đoàn Samsung. Tuy nhiên, việc các DN Việt Nam có nắm bắt được thời cơ hay không vẫn phụ thuộc vào cả hai phía.

Cơ hội trên “sân nhà”

Sau khi dự án Khu phức hợp điện tử gia dụng Samsung (SEHC) tại Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh được khởi công vào cuối tháng 5 vừa qua, Samsung rất mong muốn được hợp tác với các DN nội tham gia cung ứng trong chuỗi sản xuất này. Với tổng mức đầu tư hơn 1,4 tỷ USD, Samsung đã biến Việt Nam trở thành cứ điểm lớn nhất thế giới của tập đoàn. Vì thế, nhiều chuyên gia đánh giá đây là cơ hội vàng cho DN nội muốn trở thành mắt xích trong chuỗi sản xuất toàn cầu của tập đoàn khổng lồ này.

Nhà máy sản xuất linh kiện điện tử, phụ trợ cho Tổ hợp công nghệ cao Samsung của Công ty TNHH Glonics Việt Nam tại Cụm công nghiệp Tân Lập, thành phố Thái Nguyên.


Yêu cầu cụ thể Samsung đối với các DN trong nước là cung cấp các sản phẩm phụ trợ thuộc các ngành cơ khí (phun nhựa, in kim loại, tiện, láp truyền lực, dập, tản nhiệt, ốc vít, linh kiện cao su), điện (bảng mạch in cứng, bảng mạch in dẻo, cáp, đầu nối, cáp nguồn, mô tơ, cuộn dây, lò xo, biến thế…), lắp ráp (lắp ráp PCB, khung cơ khí, module điện tử, cụm điều khiển từ xa), vật liệu phụ, nguyên liệu thô…

Trước đó, Sam Sung và nhiều tập đoàn nước ngoài khác như LG, Canon cũng từng tìm kiếm đối tác Việt Nam tham gia chuỗi cung ứng công nghiệp phụ trợ. Tuy nhiên, số lượng DN Việt có chân trong chuỗi cung ứng chưa nhiều. Hiện các tập đoàn này vẫn đang tiếp tục tìm kiếm nhà cung ứng linh kiện, phụ kiện đầu vào cho dự án SEHC. Theo ông Lê Hoài Quốc, Trưởng Ban quản lý khu công nghệ cao TP.HCM, hiện số lượng DN trong nước đáp ứng đủ tiêu chí khắt khe để có thể có chân trong chuỗi cung ứng cho các tập đoàn nước ngoài đầu tư tại Việt Nam rất ít bởi yêu cầu không chỉ đáp ứng về chất lượng mà số lượng cũng phải đủ lớn để dự trữ, hay nói cách khác thời gian cung ứng là 100%.

“Ngay cả các nhà đầu tư Nhật Bản, DN Việt Nam tham gia sản xuất linh kiện cung cấp chỉ 14%, thấp hơn với các nước trong khu vực Đông Nam Á (21%)”, ông Yasuzumi Hirotaka, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại TP Hồ Chí Minh cho biết thêm.

Cần sự cam kết rõ ràng

Để giúp DN định hướng phát triển ngành công nghiệp phụ trợ đúng hướng, ông Lê Hoài Quốc cho biết khu công nghệ cao TP.HCM và Samsung sẽ thường xuyên công bố những sản phẩm và tiêu chuẩn tập đoàn này muốn thu mua ở thị trường nội địa. Ngoài ra, khu công nghệ cao TP.HCM sẽ cùng làm việc với Samsung và các trường đại học, viện nghiên cứu để thúc đẩy một quá trình chuyển giao công nghệ từ các nước đã có nền công nghiệp phát triển, chẳng hạn như Hàn Quốc, sang Việt Nam.

Ngoài ra, UBND TP Hồ Chí Minh cũng chỉ đạo Ban Quản lý các KCX, KCN nghiên cứu thành lập 2 khu công nghiệp phụ trợ tập trung tại KCN Hiệp Phước và Lê Minh Xuân. Bởi hiện nay, các DN sản xuất sản phẩm phụ trợ của thành phố nhỏ lẻ, nằm rải rác trong khu dân cư, không có kết nối sản xuất. Nếu để DN FDI phải nhập khẩu các thiết bị, làm tăng chi phí sản xuất thì sẽ không hấp dẫn được nhà đầu tư về môi trường và điều kiện kinh doanh. Do vậy, xây dựng KCN phụ trợ cũng có nghĩa là tạo ra cơ sở vật chất tốt để thu hút vốn FDI.

Dự kiến, KCN phụ trợ Hiệp Phước sẽ quy hoạch nhiều nhà xưởng với diện tích nhỏ phù hợp với khả năng của các DN nhỏ và vừa. Khi hoàn thành hạ tầng, khu này sẽ ưu tiên cho các doanh nghiệp phụ trợ các nhóm ngành được thành phố ưu tiên như cơ khí, điện - điện tử, nhựa - cao su - chất dẻo, chế biến thực phẩm. KCN Hiệp Phước cam kết sẽ đẩy mạnh hỗ trợ, kết nối, tạo điều kiện để các doanh nghiệp FDI gặp các nhà sản xuất sản phẩm phụ trợ để cùng hỗ trợ kỹ thuật và ký đơn đặt hàng.

Tuy nhiên, ông Đỗ Phước Tống, Giám đốc Công ty Cơ khí Duy Khanh, kiêm Phó chủ tịch Hội Cơ khí TP Hồ Chí Minh cho biết, DN Việt Nam rất muốn tham gia vào chuỗi sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia, vấn đề là có đủ lòng tin để đầu tư hay không vì DN không thể mạo hiểm bỏ quá nhiều vốn để sản xuất linh phụ kiện mà đầu ra không được đảm bảo lâu dài. Ngay cả các tập đoàn lớn như Samsung, khi đầu tư hàng chục tỷ đô la vào các nhà máy tại Việt Nam nhưng lại không có bất kỳ cam kết hay ràng buộc nào với phía cung cấp là các doanh nghiệp bản địa. Ngoài ra, nhiều DN cũng mong muốn cần có những chính sách hỗ trợ cụ thể để giải quyết bài toán cho các DN nhỏ lẻ, không đủ vốn vào KCN, không đủ trình độ, máy móc, không đáp ứng yêu cầu công nghệ...
Hải Yên
Cơ hội cho doanh nghiệp nội tham gia chuỗi cung ứng sản xuất phụ trợ
Cơ hội cho doanh nghiệp nội tham gia chuỗi cung ứng sản xuất phụ trợ

Chiều ngày 15/6, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh đã có buổi kết nối với các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn thành phố để tìm kiếm đối tác cho Samsung có khả năng cung ứng sản phẩm cho DN này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN